Gập ghềnh lộ trình ổn định

Lực lượng Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan được truyền thông thế giới đánh giá là một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2021. Cuộc can dự 20 năm của phương Tây khép lại, Afghanistan vẫn đối mặt khó khăn chồng chất, hành trình tới sự ổn định, hòa bình còn nhiều gian nan.

Lực lượng Taliban điều tra tại hiện trường vụ nổ bom ở thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan. (Ảnh: TTXVN).

Năm 2021 ghi dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hòa bình tại Afghanistan. Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) ấn định rút hết quân khỏi Afghanistan đúng ngày 11/9/2021, ngày tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố đẫm máu xảy ra 20 năm trước. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Afghanistan khi đó Ashraf Ghani (A.Ga-ni) lại nhanh chóng sụp đổ khi liên quân phương Tây rời đi. Ngày 15/8, lực lượng Taliban tiến vào kiểm soát thủ đô Kabul và hầu như không vấp phải bất cứ sự chống trả nào, đánh dấu sự trở lại nắm quyền của phong trào này tại Afghanistan sau 20 năm.

Xung đột vũ trang, thiên tai, nghèo đói, mất an ninh lương thực triền miên đẩy người Afghanistan vào nhóm người tị nạn lớn nhất trên thế giới. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, chỉ riêng tại hai nước láng giềng Iran và Pakistan, đã có khoảng 3,5 triệu người tị nạn Afghanistan. Bối cảnh hỗn loạn của cuộc chuyển đổi quyền lực đẩy thêm 700.000 người vào cảnh không nơi trú ngụ, đưa tổng số người chạy nạn trên khắp đất nước Tây Nam Á lên khoảng 10% dân số.

Liên quân chống khủng bố rời đi, các tay súng trỗi dậy. Trong lúc Mỹ và các nước nỗ lực sơ tán công dân khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ cảnh báo các tay súng thuộc Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) có thể thực hiện các vụ tấn công liều chết. Và điều không mong muốn nhất đã đến, khi ngày 26/8 loạt đánh bom đẫm máu xảy ra tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul nhằm vào dòng người đang chen chúc tìm cơ hội rời đi. Gần 200 người, gồm cả binh sĩ Mỹ, đã thiệt mạng. IS-K tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tiến công.

IS-K tham vọng thiết lập một “Nhà nước Hồi giáo” trong toàn khu vực, thay vì chỉ xây dựng một chính phủ giới hạn trong ranh giới của Afghanistan. Do đó, ngay sau khi liên quân phương Tây rời đi, IS-K tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, làm lu mờ tuyên bố của Taliban “mang lại hòa bình cho Afghanistan”.

Hiện chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền do Taliban thành lập tại Afghanistan. Đại sứ Afghanistan tại Liên hợp quốc do chính phủ bị lật đổ của nước này bổ nhiệm cũng đã rời bỏ vị trí. Các tổ chức cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc và các nước đang gặp khó khăn trong việc kết nối với lực lượng nắm quyền hiện nay tại Afghanistan để tìm cách chuyển hàng viện trợ tới cho hàng triệu người dân đang thiếu ăn, không có chỗ ở trong mùa đông buốt giá.

Việc có quá nhiều sắc tộc, giáo phái cùng tồn tại và thường xuyên mâu thuẫn tạo ra cản trở lớn đối với cam kết của Taliban về một chính phủ mang tính bao trùm, toàn diện. Trong khi đó, một loạt nước lớn tiếp tục gia tăng áp lực và thẳng thừng tuyên bố sẽ không công nhận hay thiết lập quan hệ với Taliban cho tới khi Afghanistan hình thành được một chính phủ toàn diện, với sự tham gia của tất cả đại diện và thành phần xã hội, gồm cả phụ nữ.

Với vai trò trung tâm điều phối, Liên hợp quốc có thể hỗ trợ xây dựng lại lòng tin nội bộ Afghanistan, cũng như giữa Taliban với cộng đồng quốc tế. Tiến trình hòa bình tại quốc gia Tây Nam Á là lộ trình cần nhiều thời gian để thích ứng, việc cần làm lúc này là nhanh chóng có cơ chế để viện trợ nhân đạo khẩn cấp, hỗ trợ khôi phục tiến trình hòa bình và ổn định của Afghanistan.

TRƯƠNG XUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/gap-ghenh-lo-trinh-on-dinh-680367/