Gập ghềnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Bài 1: Chào bán những điều 'không tưởng'

Chào bán những sản phẩm từ 'ý tưởng điên rồ' hay những sản phẩm chưa có trên thị trường và kêu gọi đầu tư… là quá trình của hầu hết những startup công nghệ hiện nay. Quá trình đầu tư cho ý tưởng có những thành công và thất bại, nhưng nếu không 'mạo hiểm' thì không có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Mô hình tủ nuôi đông trùng hạ thảo quy mô hộ gia đình của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Mô hình tủ nuôi đông trùng hạ thảo quy mô hộ gia đình của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH

LTS: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế trong và ngoài nước, làn sóng đầu tư cho khởi nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Làm gì để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi đúng hướng, có hiệu quả, thực sự là nền tảng, động lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới là vấn đề cần mổ xẻ, phân tích, đưa ra giải pháp hiện nay.

Táo bạo và kiên trì

Sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại, năm 2006, Trần Viết Quân và cộng sự chọn công việc gia công phần mềm. Mặc dù việc gia công cho các đối tác kiếm được không ít tiền, nhưng lại không thỏa được đam mê sáng tạo… Thế là Quân cùng các đồng sự quyết định dấn thân vào mảng khởi nghiệp công nghệ trong nông nghiệp, với dự án nongnghiepangiang.vn. Nhóm bắt tay xây dựng một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh cũng như mạng lưới cộng tác viên rộng khắp, có thể bán thông tin giá cả từ dự án nongnghiepangiang.vn theo thời gian thực cho nông dân và doanh nghiệp… Tuy nhiên, không ai bỏ tiền để mua thông tin và dự án khởi nghiệp này tiếp tục thất bại.

Vẫn luôn đau đáu với ước mong của mình, Trần Viết Quân quyết định đầu tư cho phần mềm chấm công trên di động Tanca.io vào năm 2018. Tanca.io với dịch vụ cốt lõi là chấm công online qua điện thoại, bằng cách sử dụng những công nghệ cũ và mới như thông qua Wi-Fi, GPRS, AI… Chỉ sau gần 1 năm rưỡi ra mắt, ứng dụng đã có 13 dịch vụ và phục vụ được 10 ngành hàng.

Hiện tại, Tanca.io có thể phục vụ cho khách hàng của nhiều lĩnh vực với những cách thức bán hàng đa dạng. Ngoài chấm công đơn thuần, chấm công qua camera AI, Tanca.io còn có các dịch vụ khác như tính lương tự động, quản lý nhân sự, có hệ thống KPI, quản lý tài sản, quản lý truyền thông… Tanca.io có thể cá nhân hóa dịch vụ ở một mức độ nào đó, tùy vào yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp. Hiện tại Tanca.io thu hút hơn 50.000 nhân sự sử dụng hàng ngày và đang hướng đến tạo ra cách thức quản lý mới cho hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam.

Kiến tạo nền kinh tế số

Định danh số vạn vật với giải pháp Nomion của startup Phygital Labs mới vừa được thành lập tại TPHCM cho thấy những cái nhìn táo bạo của người trẻ. Theo ông Huy Nguyễn, Giám đốc điều hành Phygital Labs, giới trẻ hiện nay dành phần lớn thời gian trên không gian số, nhiều hình thái kinh tế - xã hội bước vào khai thác không gian mạng, từng bước chạm vào những giá trị mới. “Điều này không chỉ do thế giới thực đã đạt đến ngưỡng giới hạn, bão hòa, khó tạo ra được nhiều giá trị đột biến mà còn do tính sáng tạo, khát vọng khai phá của con người. Vật lý số sẽ là cánh cổng kết nối thế giới thực và thế giới số, là nơi hai thế giới hội tụ và tồn tại song song. Đây sẽ là một dòng doanh thu hoàn toàn mới, tái định hình những chuẩn mực truyền thống và kiến tạo nền kinh tế số đầy tiềm năng”, ông Huy Nguyễn nhận định.

 Dat Bike Vietnam, một startup về xe máy điện đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước Ảnh: KIM THANH

Dat Bike Vietnam, một startup về xe máy điện đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước Ảnh: KIM THANH

Nomion là giải pháp toàn diện, tạo ra một danh tính số duy nhất cho mỗi sản phẩm vật lý bằng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và Blockchain (công nghệ chuỗi khối), đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số. Từ đó có thể ứng dụng công nghệ LiDAR (Light Detection And Ranging - công nghệ quét và đo tia sáng hồng ngoại) và VR/AR (thực tế ảo, thực tế tăng cường) để đưa các sản phẩm vật lý lên môi trường số, góp phần gia tăng giá trị và trở thành mảnh ghép quan trọng.

Dù mới ra mắt nhưng Phygital Labs đã có sự hợp tác với nhiều đơn vị như Hội Tin học Việt Nam, Sở TT-TT TP Đà Nẵng, Trung tâm Thông tin UNESCO Việt Nam… để ứng dụng công nghệ này vào các lĩnh vực liên quan. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá cao sự nhiệt tâm của các bạn trẻ, tác giả những giải pháp mà Phygital Labs đã đồng hành cùng TP Đà Nẵng để có nền tảng Blockchain và đặt trong miền ứng dụng dự án số hóa làng đá Non Nước, các sản phẩm OCOP và tin rằng trong tương lai, sẽ tiếp tục được phát triển trong Chính phủ số và công dân số”.

Ông LÝ ĐÌNH QUÂN, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator-Shi): Điểm mạnh lớn nhất của khởi nghiệp là sáng tạo, có thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ, có quyết tâm theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, để thành công thì cần học hỏi, tiếp thu những kiến thức ngoài chuyên môn và kỹ năng mềm. Bởi từ dự án khởi nghiệp đến một startup thành công là một chặng đường dài, doanh nghiệp khởi nghiệp nếu thiếu cả kỹ năng kêu gọi vốn, bán ý tưởng hoặc kỹ năng quản trị, phát triển doanh nghiệp thì sẽ khó thành công.

Huy động vốn thành công

Vừa tốt nghiệp đại học, Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1998) và nhóm nghiên cứu mạnh dạn thành lập Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện STC Electric (phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Hơn 4 triệu đồng là số tiền mà nhóm bạn trẻ này gom góp để phát triển và thương mại hóa sản phẩm “Thiết bị Relay an toàn cho phao bơm và máy bơm nước”.

Đây là sản phẩm được nhóm bạn trẻ tìm tòi nghiên cứu từ thời còn sinh viên, với công năng chuyển đổi nguồn điện 220V thành 12V, loại trừ nguy cơ rò điện, điện giật, chập điện gây cháy nổ do sử dụng dây dẫn trực tiếp, giúp an toàn cho người dùng. Sau hơn 2 năm khởi nghiệp (từ tháng 10-2021), hiện sản phẩm của nhóm có mặt tại hơn 160 đại lý ở 36 địa phương trên toàn quốc, được bán trên các trang thương mại điện tử, mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng/tháng.

“Lô hàng đầu tiên, chúng tôi chỉ sản xuất 30 sản phẩm và rao bán trên các nhóm Facebook, Zalo liên quan đến ngành xây dựng, điện nước. Sau một thời gian, sản phẩm dần khẳng định chất lượng với khách hàng. Đến nay, một lô hàng sản xuất của chúng tôi có 5.000 sản phẩm. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất khi bắt đầu khởi nghiệp chính là vốn. Bởi nếu có vốn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc sản xuất số lượng sản phẩm lên 10.000 và còn hơn thế nữa. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, anh Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận.

Cuối tháng 11-2022, Công ty TNHH Dat Bike Vietnam (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã gọi vốn thành công thêm 8 triệu USD, con số ấn tượng cho một dự án khởi nghiệp. Quỹ đầu tư dẫn đầu vòng rót vốn này là Jungle Ventures (Singapore), cùng với sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư. Trước đó, tháng 4-2021, đơn vị này huy động thành công 2,6 triệu USD ở vòng gọi vốn Pre-Series A, dẫn đầu là Jungle Ventures. Một năm sau, tháng 4-2022, Jungle Ventures cùng với Wavemaker Partners tiếp tục rót vốn 5,3 triệu USD ở vòng Series A. Như vậy, đến đầu năm 2023, Dat Bike đã huy động được khoảng 16,5 triệu USD.

Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn thành công, anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Giám đốc điều hành Dat Bike, cho rằng, sản phẩm phải thật sự chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới có thể tồn tại và nâng cấp theo thời gian. Các quỹ đầu tư liên tục rót vốn lớn vào Dat Bike vì lạc quan vào tiềm năng của startup này cũng như ngành xe điện Việt Nam sẽ dẫn đầu công cuộc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh.

Với dòng sản phẩm Dat Bike Weaver ban đầu, Dat Bike hướng tới việc cải thiện những nhược điểm thường gặp của xe máy điện trên thị trường, đó là tốc độ sạc và dung lượng pin, thay vì kiểu dáng bên ngoài. Đồng thời, việc lựa chọn phân khúc này giống như tiến vào “thị trường ngách”, giúp Dat Bike tránh được phần nào tính cạnh tranh với các hãng xe điện khác trên thị trường. Nhìn vào thị trường các nước trong khu vực, Dat Bike muốn chuyển đổi 250 triệu xe máy xăng ở Đông Nam Á thành xe máy điện… là mục tiêu đặt ra của startup này. “Nguồn vốn mới sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục sáng tạo và phát triển ra những chiếc xe máy điện hoàn thiện nhất dành cho người dùng khu vực Đông Nam Á và cả thế giới”, anh Sơn chia sẻ.

Bà ĐẶNG THỊ LUẬN, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TPHCM (SIHUB): Mỗi năm trên thế giới có 50 triệu dự án startup ra đời, trong đó tại Việt Nam có khoảng 1.000 dự án. Trong 3 năm đầu, có đến 92% startup thất bại, lý do chủ yếu đến từ việc chưa tìm ra được chiến lược phù hợp cho thị trường cũng như thiếu kiến thức trước khi khởi nghiệp, kinh doanh… Do đó khởi nghiệp là học tập, đổi mới không ngừng và thậm chí chấp nhận thất bại.

TRẦN LƯU - TẤN BA - XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gap-ghenh-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-bai-1-chao-ban-nhung-dieu-khong-tuong-post720449.html