Gập ghềnh hồi hương cổ vật

Con đường hồi hương cổ vật Việt Nam đang diễn ra hết sức gập ghềnh với không ít trở ngại. Chính vì lẽ đó, công cuộc hồi hương cổ vật trong hơn hai mươi năm trở lại đây có thể nói là khá nhỏ giọt, và nếu nhìn về phía trước vẫn chưa cho thấy những tín hiệu lạc quan.

Nhìn lại câu chuyện đàm phán thành công rồi đến hồi hương viên mãn kim ấn “Hoàng đế chi bảo” diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua, cũng đã thấy xuất hiện nhiều vấn đề rất cần được các cơ quan bộ, ngành Trung ương có liên quan đưa ra mổ xẻ, phân tích cho thật thấu đáo, để từ đó nghiêm túc xác định đường hướng chiến lược hồi hương cổ vật Việt trong tương lai, chứ đừng xem nó như một “sự kiện” rồi lại quên bẵng. Việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo” vẫn đang ẩn chứa những chi tiết “thâm cung bí sử” mà đến nay chưa được giải mã, để từ đó minh bạch hóa công quả của các cá nhân có liên quan.

Kim ấn Hoàng đế chi bảo.

Trong vài năm trở lại đây, khi nhiều cổ vật quý của Việt Nam được rao bán trên một số sàn đấu giá cổ vật nổi tiếng ở Pháp, Tây Ban Nha, Hong Kong (Trung Quốc)… thì dư luận trong nước, trong đó có cả cơ quan quản lý mới thực sự quan tâm đến vấn đề hồi hương cổ vật. Nhưng quan tâm thôi vẫn chưa đủ mà phải có chiến lược, kế hoạch ở tầm quốc gia trong công cuộc hồi hương cổ vật, đi cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý với những chế độ đãi ngộ và ưu đãi đối với người có công. Trong giới chuyên gia, nhà nghiên cứu và cả những nhà sưu tầm đều biết, hiện cổ vật có nguồn gốc Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài có một số lượng lớn, rất nhiều cổ vật có giá trị là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là trong hệ thống hành lang pháp lý, cụ thể ở đây là Luật Di sản văn hóa, chưa có một điều khoản quy định về hồi hương cổ vật. Đây là khoảng trống nhằm cản trở không nhỏ trong việc thúc đẩy cổ vật hồi hương.

Bên cạnh đó, hiện nay cơ chế, chính sách và cả chiến lược cho việc hồi hương cổ vật Việt Nam đang là một “khoảng trắng”; ngoại trừ chỉ có một… văn bản. Ngày 2/11/2015, Bộ Tài chính có văn bản số 16192/BTC-TCHQ về việc không thu thuế giá trị gia tăng các cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam bị lưu lạc ở nước ngoài nay được nhập khẩu trở lại, không vì mục đích thương mại, kinh doanh, chỉ để bảo tồn, gìn giữ giá trị lịch sử của dân tộc khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xác nhận là cổ vật. Cũng vì chỉ mới có một văn bản hướng dẫn như vậy nên rất khó khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia một cách tích cực trong việc hồi hương cổ vật Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, trò chuyện với chúng tôi, một doanh nhân đam mê sưu tầm cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài cho biết, cách đây mấy năm đã tiến hành đấu giá thành công một cổ vật rất có giá trị của thời Nguyễn để bổ sung cho bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên đã phải năm lần bảy lượt gửi văn bản đến các cơ quan chức năng xin được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với món cổ vật mới mua, nhưng mãi mới được chấp thuận. Trong khi đó, tất cả các bảo tàng công trong nước hiện đều chưa đủ điều kiện để đáp ứng hoặc tham gia các phiên đấu giá cổ vật quốc tế. Để mua một hiện vật, các bảo tàng phải thực hiện đủ các thủ tục để đảm bảo nguyên tắc khoa học, tài chính và các thủ tục này cần nhiều thời gian, còn đấu giá là câu chuyện của từng phút, từng giây. Vì thế các bảo tàng công lập rất khó có thể tham gia đấu giá cổ vật.

“Nói chung, các bảo tàng trong nước chưa thể đấu giá để đưa cổ vật hồi hương. Cho nên, vừa rồi ở Huế có doanh nhân đấu giá và đưa cổ vật về tặng lại cho Huế. Chúng ta chưa có cơ chế cho việc đó. Ngay các hiện vật ở Huế vừa rồi, giải quyết thủ tục hải quan mãi mới xong”, một lãnh đạo bảo tàng cho biết.

Cùng chia sẻ với chúng tôi về sự “ách tắc” trong khuôn khổ hành lang pháp lý về việc hồi hương cổ vật, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết, hiện nay có nhiều vấn đề liên quan đến việc hồi hương cổ vật, nhưng đầu tiên chắc chắn vẫn là những vấn đề pháp lý. Ông cho biết, tại Hội thảo văn hóa 2022 của Quốc hội về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, rất nhiều chuyên gia đã phát hiện rất nhiều điểm “nghẽn” liên quan đến luật pháp về văn hóa và liên quan đến văn hóa đang cản trở sự phát triển của lĩnh vực này. Đó cũng là lý do chúng ta đang phải sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa. Nếu chưa có hành lang pháp lý phù hợp, chắc chắn không ai dám hồi hương cổ vật bằng cách lách luật hay “vận dụng sáng tạo” cả. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nhiều người chú trọng đến việc “làm đúng” hơn “làm tốt”. Trong lúc đó, cổ vật hay rất nhiều vấn đề khác không thể cứ chờ đợi việc sửa đổi luật, ban hành luật mới. Điều này cũng gây ra nhiều bức xúc đối với những người yêu văn hóa.

Cũng theo ông Sơn, không chỉ là các luật về văn hóa, những luật liên quan như luật về đối tác công - tư, luật về tài sản công, luật thuế, luật xuất nhập cảnh, chưa có luật tài trợ và hiến tặng hay nhiều luật khác nữa cũng vô hình trung tạo ra những cản trở đối với sự phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, khi chúng ta chưa tham gia vào các Công ước của UNESCO như Công ước UNIDROIT năm 1995 về “Trả lại các di sản văn hóa vật thể bị đánh cắp hoặc buôn bán trái phép ra nước ngoài” thì cũng gây ra những khó khăn cho chúng ta khi tham gia hồi hương cổ vật bằng luật pháp quốc tế. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng giải quyết để tránh tình trạng bị động như việc hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” vừa qua, và tạo điều kiện hồi hương nhiều hơn nữa các cổ vật Việt Nam hiện đang có rất nhiều ở nước ngoài.

“Tuy nhiên, không chỉ liên quan đến vấn đề pháp lý, những nguyên nhân quan trọng khác như nhận thức về tầm quan trọng của cổ vật, đặc biệt là các cổ vật Việt Nam đang ở nước ngoài, những chính sách cụ thể, nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản (từ con người, tài chính, cơ sở vật chất) cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc hồi hương cổ vật của chúng ta”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Từ hoạt động thực tế, có thể thấy, cần khẩn trương nghiên cứu để thay đổi, bổ sung các quy định này vào Luật Di sản văn hóa hay các văn bản dưới luật. Đã đến lúc phải nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp để các địa phương, bảo tàng có cơ sở mua lại các hiện vật này đưa về nước. Nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý theo hướng cho phép tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý thông thoáng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đưa cổ vật về nước. Trong thực tế, thủ tục, quy định mà một bảo tàng công lập phải tuân thủ khi mua cổ vật phải trải qua rất nhiều khâu, công đoạn như: thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, đàm phán về mức giá… tạo nên sự chậm trễ, khó khăn trong quá trình sưu tầm, đấu giá để đưa các cổ vật về nước.

Qua câu chuyện hồi hương cổ vật kim ấn “Hoàng đế chi bảo” và một số địa phương đã tham gia vào việc đấu giá cổ vật, Bộ VH-TT&DL cần phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các cơ chế, chính sách về việc đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để mua cổ vật Việt Nam đang ở nước ngoài. Hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc hồi hương cổ vật chưa được chú trọng quan tâm, vì vậy cần phải ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để nhập khẩu cổ vật, miễn toàn bộ thuế nhập khẩu cổ vật (Áp dụng thuế xuất nhập khẩu 0% và đơn giản thủ tục nhập khẩu với tất cả cổ vật có giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử, mỹ thuật…). Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia mua, đấu giá cổ vật nước ngoài về trao tặng lại đất nước thì ưu tiên hỗ trợ về thuế phù hợp với nguồn kinh phí đã bỏ ra, có thể là hỗ trợ đất đai hoặc các chính sách ưu đãi khác phù hợp với các quy định của pháp luật để các nhà đầu tư tham gia vào việc đấu giá cổ vật.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL phối hợp Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại kết nối trong việc sưu tầm các cổ vật Việt Nam ở nước ngoài. Để triển khai công việc này, Bộ VH-TT&DL cần nghiên cứu, thành lập Tổ công tác gồm những nhà sử học, nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật, các chuyên gia bảo tàng để tiến hành rà soát những nơi còn lưu giữ các cổ vật Việt Nam để lập danh sách, xây dựng kế hoạch và có hướng sưu tầm, hồi hương các cổ vật theo từng giai đoạn phù hợp. Ban hành các chính sách khen thưởng nhằm kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân trong việc đưa cổ vật về Việt Nam. Bên cạnh chính sách khen thưởng thông thường, cần nghiên cứu chính sách khen thưởng bằng vật chất với mức khen thưởng hợp lý để động viên các cá nhân, tổ chức.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, để công cuộc hồi hương cổ vật trở về với Tổ quốc được nhanh nhất, thuận lợi nhất, bên cạnh hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, tích cực đàm phán thông qua con đường ngoại giao, chúng ta cần sẵn sàng một nguồn lực đủ lớn, đủ mạnh để tham gia đấu giá nếu đã xác định cổ vật đó có nguồn gốc từ Việt Nam. Nắm bắt thông tin nhanh nhạy và tham gia đấu giá là con đường ngắn nhất để đưa cổ vật Việt Nam hồi hương. Và để thực hiện được điều này cần có sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức, cá nhân, chứ chỉ mình Nhà nước đảm đương sẽ khó có thể đi được đường dài.

Nguyễn Thanh Sương

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/gap-ghenh-hoi-huong-co-vat-i719063/