Gạo, hạt điều, sắn đạt 'đỉnh', giá cà phê xuất khẩu đang cao nhất mọi thời kỳ

Gạo, cà phê, hạt điều, sắn,... là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá tăng chóng mặt trong thời gian qua. Thậm chí, giá cà phê xuất khẩu đang cao nhất so với mọi thời kỳ trước đây.

Giá gạo và cà phê đang đạt “đỉnh”

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 16/8, giá gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 100 - 200 đồng/kg. Tuy nhiên, giá gạo trong nước vẫn duy trì ở mức rất cao, dao động trong khoảng 13.800 - 13.900 đồng/kg.

Cũng theo Hiệp hội lương thực, trên thị trường xuất khẩu, chốt phiên ngày 14/8, gạo Việt Nam quay đầu giảm 10 – 20 USD/tấn. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 628 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn.

 Giá gạo đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. (Ảnh: LGVN)

Giá gạo đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. (Ảnh: LGVN)

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh khiến các doanh nghiệp khó chốt được hợp đồng với khách hàng.

Không chỉ giá gạo, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đang có xu hướng tăng mạnh về cả giá trị lẫn kim ngạch.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành lúa gạo nhận định, giá gạo xuất khẩu có thể tăng lên ngưỡng 800 USD/tấn, thậm chí lặp lại lịch sử năm 2008 khi mặt hàng này đạt ngưỡng giá 1.000 USD/tấn.

Bởi, nguồn cung gạo toàn cầu đang căng thẳng, một số nước cấm xuất khẩu để bảo hộ an ninh lương thực quốc gia, trong khi các khu vực sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á chịu tác động mạnh bởi El Nino khiến sản lượng mặt hàng này giảm mạnh.

Đơn cử như cà phê, giá xuất khẩu bình quân cà phê Việt Nam trong tháng 7 ghi nhận mức cao kỷ lục 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6/2023 và tăng 23,4% so với tháng 7/2022.

 Giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.418 USD/tấn. (Ảnh: GCF)

Giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.418 USD/tấn. (Ảnh: GCF)

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.418 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, nguyên nhân chính khiến giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh là do mưa nhiều tại Indonesia, đã khiến sản lượng cà phê xuống thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ vừa qua, kéo giá cà phê toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại. Indonesia là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 4 thế giới.

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), dự kiến toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023/2024.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá cà phê robusta thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguồn cung thiếu hụt và tồn kho trên cả hai sàn giao dịch ở mức thấp sẽ nâng đỡ giá mặt hàng này.

Nhiều mặt hàng nông sản khác cũng tăng chóng mặt

Bên cạnh gạo và cà phê, hạt điều, hạt tiêu và sắn Việt Nam cũng đang tăng giá chóng mặt.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong quý II/2023 đạt 167,93 nghìn tấn, trị giá 984,9 triệu USD, tăng 50,9% về lượng và tăng 51,9% về trị giá so với quý I/2023, so với quý II/2022 tăng 15,8% về lượng và tăng 11,9% về trị giá.

 Nhiều mặt hàng nông sản khác cũng tăng chóng mặt. (Ảnh: Moit)

Nhiều mặt hàng nông sản khác cũng tăng chóng mặt. (Ảnh: Moit)

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều đạt 279,43 nghìn tấn, trị giá 1,63 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo quý III/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU tăng trở lại.

Hiện các nhà máy sản xuất trong nước ký được nhiều đơn hàng mới và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này bắt đầu tăng trở lại. Hoạt động sản xuất diễn ra sôi động, nhiều đơn vị phải tăng công suất chế biến để kịp các đơn hàng đã ký cho 2 quý cuối năm.

Việc nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ thị trường sẽ giúp cho ngành điều Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và bứt phá.

Tương tự, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 494,9 USD/tấn, tăng 6,9% so với tháng 6/2023 và tăng 9,2% so với tháng 7/2022.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, sau những tháng đầu năm sụt giảm mạnh, sang đầu quý III/2023 xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đã có chuyển biến tốt. Thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.

Riêng về mặt hàng gạo, Thứ trưởng cho rằng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE,... hạn chế xuất khẩu là thời cơ cho gạo Việt Nam.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gao-hat-dieu-san-dat-dinh-gia-ca-phe-xuat-khau-dang-cao-nhat-moi-thoi-ky-post260858.html