Gánh cải lương Thiên Lý, bước ra từ màn hình 'Song Lang'

Gánh Thiên Lý tuy nhỏ nhưng đã làm được một điều là thắp lên chút ánh sáng với những người yêu, thương, nhớ cải lương.

Gánh cải lương Thiên Lý công bố lịch diễn thường kỳ trên Facebook, khán giả đăng ký xem thông qua tin nhắn. Và rồi, tình yêu cải lương đã dẫn đường mỗi khán giả bước vào một chung cư cũ của Sài Gòn ở 4 Nguyễn Siêu, quận 1 (TP.HCM), leo bộ ba tầng lầu, băng qua dãy hành lang xi măng cũ kỹ, trong ánh đèn le lói. Cuối hành lang hắt ra vệt ánh sáng vàng, bước vào căn hộ đã “cải trang” thành một sân khấu nhỏ. Tầm 4 mét vuông cho sân khấu, khán giả có thể ngồi trên ghế, hoặc ngồi bệt xuống sàn, ngay cạnh chân diễn viên…

Đoàn cải lương Thiên Lý từng xuất hiện trong bộ phim điện ảnh Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê, còn nghệ sĩ Tú Quyên chính là diễn viên đã thủ vai “đào thương tài sắc” Thùy Vân. Đoàn Thiên Lý và cả Tú Quyên đã từ màn ảnh bước ra đời thực, thành lập Gánh cải lương Thiên Lý, hiện đang diễn thường xuyên các vở Đêm độc thoại (tác giả Lê Duy Hạnh), Chuyện cổ Bát Tràng (Hà Triều, Văn Biến).

Đạo diễn Leon Quang Lê đã yêu thương cô đào Tú Quyên như một người em gái ruột mà không ngần ngại “chiều chuộng” theo những ý tưởng điên rồ của cô và đã biến căn hộ của mình thành một gánh hát thu nhỏ, để Tú Quyên có thể thực hiện ước mơ và thỏa sức đam mê của mình dành cho cải lương. Không những thế, anh còn tự bỏ tiền đầu tư thiết bị ánh sáng, thực hiện vai trò MC, kéo màn và điều khiển máy khói cho Gánh.

Không điện thoại, không check-in, không chụp hình, không livestream, không bán vé (nhưng sẵn sàng nhận ủng hộ của khán giả), đó là những quy định Gánh dành cho khán giả. Từ những lời truyền miệng, ngày càng nhiều khán giả yêu thương cải lương đến với Gánh, có người là học sinh, sinh viên đến cả khán giả quốc tế, Việt kiều xa quê trở về tìm nghe lại cải lương.

Không dàn âm thanh điện tử, khán giả và nghệ sĩ ngồi thật gần, quy mô khán giả tối đa chỉ vài chục người. Tiến sĩ - NSƯT Hải Phượng, người tham gia trình diễn cùng Gánh chia sẻ: “Khi diễn, nhìn xuống không phải là đôi chân của mình mà là ánh mắt của khán giả, cảm giác rất run nhưng cũng vô cùng lạ lẫm. Khán giả lấy tay chùi giọt nước mắt, nghệ sĩ cũng thấy được. Với Gánh cải lương Thiên Lý, tương tác hai chiều giữa nghệ sĩ và khán giả giúp cho cảm xúc vở diễn trở nên thật đặc biệt”.

Nghệ sĩ Hải Phượng đã đồng hành cùng Tú Quyên tại nhiều chương trình cải lương trước đó, khi nghe tin Quyên lập Gánh Thiên Lý, đã sẵn sàng hỗ trợ như một người thầy, người chị, người đồng nghiệp. Trong vở Đêm độc thoại, chị đã không đánh đàn tranh mà đánh đàn tỳ bà để thể hiện vai diễn Trần Thị Dung, mẹ của Lý Chiêu Hoàng.

Bên cạnh NSƯT Hải Phượng, các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc công ở Gánh đều là những tên tuổi. Không chỉ trình diễn thông thường như trong các vở khác, với Đêm độc thoại, vở lịch sử về Lý Chiêu Hoàng, mỗi tiếng đàn “diễn” cho tâm trạng một nhân vật khác nhau. Đó là NSƯT Hải Phượng (tỳ bà), nghệ nhân ưu tú Trần Văn Sơn (kìm, sáo, tiêu), Lâm Diễm Trinh (tranh), Trần Phương Thúy (bầu), thạc sĩ Trần Trọng Trí (guitar phím lõm), Trần Anh Việt (cò, trống).

Điểm đặc biệt ở Gánh là mỗi đêm diễn xong, khán giả không đi về ngay mà được ở lại tâm tình, chia sẻ cùng các nghệ sĩ đến khi nào tâm sự cho thỏa mới thôi. Khán giả Nguyễn Trọng Trí sau khi xem Đêm độc thoại đã tâm sự: “Lúc đi phượt xuống miền Tây, ngồi quán cà phê gần bờ sông lúc chiều tối, tiếng cải lương văng vẳng từ xa giữa không gian sông nước mênh mông, tịch mịch. Đó là một cảm xúc không thể nói nên lời, nó đầy hoài niệm như người bạn thân lâu năm không gặp, như tiếng vọng từ quá khứ huy hoàng, như hàng thành quách cũ mà nay chỉ còn là tàn tích. Nó thật đẹp và buồn.

Khán giả chụp hình lưu niệm cùng nghệ sĩ sau một buổi diễn.

Với tôi, không gian nghe vô cùng quan trọng, tôi luôn nghĩ về cải lương của những thân phận buồn tủi, những thổn thức riêng tư và đời người. Vì thế, một không gian nhỏ ấm cúng là điều mà tôi tìm kiếm bấy lâu và may mắn là tôi đã tìm được Gánh cải lương Thiên Lý. Một không gian ấm cúng với tầm 50 khán giả, cô đào Tú Quyên cất giọng hát nức nở kể về những nỗi niềm của vị nữ hoàng có số phận bi kịch nhất trong lịch sử. Giọng cô không vang vọng và ngân dài như Lệ Thủy, không trầm ngâm khắc khoải như Mỹ Châu nhưng ấm áp, rất bền và khỏe để có thể độc thoại suốt gần 80 phút, tất nhiên là hát chay.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến các nghệ sĩ đánh đờn với đầy đủ các chất liệu âm thanh truyền thống, mỗi nhạc cụ là nhân cách từng nhân vật lịch sử trong vở tuồng. Thật khó để nói hết những cảm xúc sau “đêm độc thoại”. Tiếng hát ấy, tiếng đờn ấy, nó vang vọng từ ngàn xưa nhưng hãy còn rất mạnh mẽ để có thể bị dập tắt và quên lãng”.

Đúng là Tú Quyên không sở hữu một chất giọng khiến khán giả phải trầm trồ ngay từ giây phút đầu tiên nhưng chị hát với một làn hơi vừa vặn, biết cách điều tiết, chuyển vai nhuần nhuyễn trong từng phân đoạn. Trong hơn 70 phút, Tú Quyên độc thoại vai Lý Chiêu Hoàng với những buồn vui, đau khổ tột cùng. Chị diễn tả nghĩa phu thê, tình mẫu tử, phụ tử, tình chị em, nỗi căm thù kẻ bạo ác, nỗi lo toan vận nước, gánh nặng gia đình, tổ tiên, dòng họ…

Những ký ức xưa về cải lương cũng tràn về nơi khán giả khi đến với Gánh. “Mình nhớ hồi nhỏ, nhà không có ti vi, mỗi năm chỉ có đến ngày cúng đình, có mời đoàn cải lương về hát, sân khấu cũng nhỏ xíu, mình với chị gái cũng đội mưa đi coi hát, còn nhớ đi về khuya quá bị má đánh đòn. Khung cảnh của Gánh quen thuộc và thấy thương quá. Mình ngồi vừa xem, vừa nghe, theo mạch câu chuyện, theo cảm xúc của nghệ sĩ trên sân khấu, nhìn từng ngón tay di chuyển trên phím đàn, những lúc nhấn nhá, lúc dời nhạn chuyển hò. Gần như không bỏ qua chi tiết nhỏ nào cả. Một cuộc du hành cảm xúc của bản thân”, khán giả Võ Thanh Phong chia sẻ.

Tú Quyên vai Lý Chiêu Hoàng trong Đêm độc thoại.

Chính đam mê và tình yêu cải lương đã giúp các nghệ sĩ làm được Gánh. Leon Quang Lê có chia sẻ sau một đêm diễn rằng mặc dù có nhiều lời khuyến khích, động viên anh và Tú Quyên hãy tìm cách đưa Gánh đi xa hơn, trên sân khấu lớn hơn nhưng anh cho biết mình không có tham vọng và nhu cầu đưa Thiên Lý đi xa hơn quy mô nhỏ này. Với anh, khi Gánh nhỏ như thế, âm thanh mộc mạc không điện tử như thế mới "cải lương một cách đúng nghĩa". Anh sợ và ghét cái sự suồng sã mà nhiều người đã đối xử với cải lương. Gánh chính là ước mơ, là ký ức thuở thơ bé của nhiều người, trong đó có Leon, có Tú Quyên, những cô cậu bé quấn khăn quấn mền, đứng trên giường làm công chúa làm hoàng tử.

Ngoài các đêm diễn, Gánh thi thoảng còn tổ chức các “lò luyện cải lương” với các lớp cơ bản kéo dài 3 tháng, nâng cao kéo dài 6 tháng, dành cho những khán giả yêu thích cải lương, có dịp học cách ca xướng âm lòng bản cải lương, trình diễn trích đoạn ngắn, tổ chức các buổi trò chuyện chuyên đề về cải lương.

Gánh Thiên Lý, tuy nhỏ, đã làm được một điều là thắp lên chút ánh sáng với những người yêu, thương, nhớ cải lương. Như cách mà một khán giả đã chia sẻ về điều mà Gánh đã làm được, rằng muốn bảo tồn, lưu trữ một thứ gì đó đã thuộc về quá khứ thì trước tiên người trẻ không cần có kiến thức quá cao siêu, mà phải yêu nó cái đã. Chỉ cần yêu cái nốt nhạc trong đó, cảm nhận được từng tiếng đờn chạm thẳng đến con tim thì tự khắc trong tâm trí sẽ hiểu được giá trị của việc bảo tồn và lưu giữ.

Bài và ảnh: Trâm Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ganh-cai-luong-thien-ly-buoc-ra-tu-man-hinh-song-lang-42865.html