Gần 40.000 thí sinh ở Nghệ An cạnh tranh suất vào lớp 10

Sáng 7.6, gần 40.000 thí sinh Nghệ An bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2022-2023.

Đây là kỳ thi có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây tại Nghệ An. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 7-8.6.2022. Toàn tỉnh có 72 hội đồng thi, riêng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có hai hội đồng thi do lượng có tới 1.200 thí sinh đăng kí dự thi vào trường.

Với số lượng thí sinh tăng cao, chỉ tiêu ít nên tính cạnh tranh một suất vào các trường công lập trên địa bàn tỉnh khá gay gắt. Nhiều trường tỉ lệ trúng tuyển ở mức 70-80% thí sinh đăng ký dự thi. Tại các địa phương có đông thí sinh như TP Vinh, huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, tỉ lệ chọi vào lớp 10 là 1 chọi 2.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, tỉnh Nghệ An lần đầu tiên áp dụng một hệ số cho cả ba môn thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp). Điểm trúng tuyển là tổng điểm 3 bài thi đã tính theo hệ số (hệ số 1) và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích.

Thí sinh Nghệ An dự thi tuyển sinh lớp 10 kiểm tra thông tin danh sách phòng thi, số báo danh. Ảnh: Báo Lao động

Thí sinh Nghệ An dự thi tuyển sinh lớp 10 kiểm tra thông tin danh sách phòng thi, số báo danh. Ảnh: Báo Lao động

Dưới đây là nhận định và đáp án về môn Ngữ Văn và môn Tiếng Anh của các chuyên gia Hệ thống giáo dục HOCMAI.

Môn Tiếng Anh: Nhận định chung, theo Tổ Tiếng Anh – Hệ thống giáo dục HOCMAI thì đề thi có mức độ khó tương đương với đề thi năm 2021-2022 nhưng có sự thay đổi nhẹ về cấu trúc. Đề có độ phân hóa tốt, bám sát yêu cầu đánh giá khả năng tư duy, phân tích của thí sinh, phù hợp với mục tiêu của kì thi.

Về nội dung và cấu trúc đề thi: Cấu trúc đề thi có sự thay đổi nhẹ so với năm 2021 như sau: Giảm 1 câu ở dạng bài hoàn thành và chức năng giao tiếp ; tăng số lượng câu dạng bài tìm lỗi sai. Đề thi kiểm tra toàn diện các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng đọc và viết.

Về độ khó của đề thi: 76% câu hỏi của đề thi thuộc cấp độ Nhận biết - Thông hiểu và 24% câu hỏi còn lại của đề thi thuộc cấp độ Vận dụng - Vận dụng cao. Đề thi có độ phân hóa tương đối tốt.

Độ phân hóa của đề thi được thể hiện thứ nhất ở độ phủ kiến thức rộng, đòi hỏi học sinh chắc ngữ pháp và có vốn từ vựng phong phú như các câu kiểm tra về trật tự của tính từ như câu số 22 (mã 208), các câu hỏi về cụm động từ, cụm từ cố định, thành ngữ như câu số 18, 20, 21, 23 (mã 208), lỗi sai về cách sử dụng từ như câu số 33 (mã 208); đây là các phần kiến thức có thể gọi là khó nhất đối với học sinh lớp 9; thứ hai ở cách thiết kế các phương án kết hợp ngữ pháp và từ vựng làm tăng độ khó của câu hỏi. Thí sinh có thể nhận diện nhanh được đơn vị kiến thức nhưng lại gặp khó khăn trong việc loại trừ các phương án nhiễu để tìm ra đáp án.

Cụ thể ma trận đề thi như sau:

Nhìn chung, để hoàn thành tốt bài thi này, các thí sinh cần phải nắm chắc các kiến thức cơ bản, đồng thời phải liên tục mở rộng vốn từ vựng để có thể xử lý được những câu hỏi ở mức độ cao hơn. Với đề thi như này, mức điểm phổ biến có thể sẽ rơi vào khoảng 6-7 điểm, và số lượng điểm 9-10 có thể sẽ không nhiều.

Môn Ngữ văn: Đánh giá chung theo Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI, thì cấu trúc đề thi không thay đổi so với các năm trước, dù không thể hiện rõ nhưng có thể thấy đề thi đang hướng theo trục chủ đề “khát khao tuổi trẻ”; đây là một hướng đi mới phù hợp với việc dạy học Ngữ văn trong thời gian gần đây.

Sự phân hóa được đảm bảo dù mức độ phân hóa có giảm nhẹ để phù hợp với tình hình dạy và học nhiều khó khăn vừa qua.

Cụ thể nhận định về từng phần như sau:

Phần đọc hiểu: Ngữ liệu được lựa chọn khá hay, tuy nhiên, như đã nói trên, do mức độ phân hóa được giảm nhẹ nên 4 câu hỏi thành phần khá đơn giản, đặc biệt là hai câu hỏi nhận biết. Câu hỏi thông hiểu cũng đã xác định sẵn biện pháp tu từ, chỉ yêu cầu học sinh nêu tác dụng. Câu hỏi vận dụng nếu điều chỉnh câu hỏi thành “Đoạn trích đã cho em suy nghĩ gì về ý nghĩa của những ngày nghỉ hè đối với học sinh?” sẽ gần gũi và rõ ràng hơn về cách hỏi.

Phần Nghị luận xã hội: Tương tự với cách ra đề của năm trước, đề thi yêu cầu viết bài văn tập trung vào một khía cạnh của vấn đề. Cách hỏi này có tính phân hóa, kiểm tra được thao tác phân tích và tổng hợp của thí sinh.

Vấn đề nghị luận “sự cần thiết phải nuôi dưỡng những niềm đam mê đẹp đẽ của mỗi người trong cuộc sống” khá quen thuộc với thí sinh. Tuy vậy, so với năm trước (vai trò của tính tự lập đối với giới trẻ), vấn đề này tuy vẫn có ý nghĩa giáo dục cao song chưa được phù hợp với lứa tuổi học sinh. Vấn đề này sẽ tương thích hơn với học sinh sắp tốt nghiệp cấp Trung học phổ thông, với nhiều đam mê tốt đẹp gắn với định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Phần Nghị luận văn học: Thống nhất với mạch chủ đề ngầm của đề thi, việc lựa chọn tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long với vấn đề nghị luận quen thuộc (nhân vật anh thanh niên) là tất yếu.

Việc dẫn ra đoạn trích trong đề giúp thia sinh không bị áp lực ghi nhớ dẫn chứng để phân tích, hoàn toàn là lựa chọn hợp lí cho tình hình thực tế của năm học vừa qua.

Vấn đề nghị luận tập trung vào phẩm chất của nhân vật anh thanh niên thể hiện qua quan hệ giữa anh và công việc cũng như với cuộc sống riêng của bản thân hiển hiện rất rõ qua đoạn trích. Tuy dễ viết, quen thuộc nhưng đây cũng là một vấn đề khó viết hay, khó nêu lên những cảm nhận tinh tế, đặc sắc, mang đậm dấu ấn cá nhân. Do vậy, cách viết giàu cảm xúc sẽ trở thành một lợi điểm cho số ít thí sinh sở hữu thế mạnh này.

Gợi ý đáp án môn tiếng Anh:

Gợi ý đáp án môn Ngữ văn:

Câu 1. Đọc hiểu

a. Từ chỉ màu sắc được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất là: “xanh biếc”.

b. Những âm thanh của thiên nhiên được miêu tả trong đoạn trích: “tiếng chim reo”, “tiếng dế thức”, “tiếng cuốc dồn”.

c. Câu hỏi tu từ có tác dụng thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ trước mùa hạ:

- Trước hết là sự ngỡ ngàng, vội vàng và tha thiết của tác giả khi không biết mùa hạ của mình đã kết thúc hay chưa, tuổi trẻ với những khao khát cháy bỏng trong tim mình còn hay là hết?

- Đồng thời nhà thơ cũng cho thấy tình yêu và khát vọng thiết tha muốn níu giữ mùa hạ, níu giữ những khát khao thanh xuân của bản thân, muốn được sống hết mình với những ước mơ xanh tươi của tuổi trẻ.

d. Đây là câu hỏi mở, từ sự khơi gợi cảm xúc của sau khi đọc ngữ liệu, học sinh viết lại cảm nghĩ của bản thân mình về mùa hạ đã đi qua trong tuổi thơ của mình. Đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) cần thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ chân thật của mỗi cá nhân, sau đây là một vài gợi ý:

- Đoạn trích trong bài thơ “Mùa hạ của nhà thơ Xuân Quỳnh đã gợi ra trong em kí ức về những mùa hạ đã đi qua của tuổi thơ.

+ Mùa hạ trong kí ức tuổi thơ gắn liền với khoảng thời gian đáng nhớ nào của bản thân em? (Mùa hạ với học sinh chính là mùa thi, kì nghỉ hè và cảm xúc của em trong những quãng thời gian đó là gì? Em có ấn tượng với ai? Những câu chuyện nào xuất hiện trong khoảng thời gian đó?)

+ Mùa hạ trong kí ức tuổi thơ của em gắn liền với những khung cảnh thiên nhiên nào? (Màu sắc, âm thanh, hương vị của những sự vật trong khung cảnh thiên nhiên đó, cảm xúc của em khi được đắm chìm trong không khí của những mùa hạ đó ra sao?).

+ Cảm xúc, suy nghĩ của em về những mùa hạ đã đi qua trong tuổi thơ (nhớ nhung, lưu luyến tha thiết, yêu hơn những mùa hạ mà em sẽ trải qua trong đời...).

Lưu ý: Học sinh có thể trình bày câu trả lời dưới dạng một đoạn văn ngắn.

Câu 2. Nghị luận xã hội

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Sự cần thiết phải nuôi dưỡng những niềm đam mê đẹp đẽ của mỗi người trong cuộc sống.

b. Triển khai vấn đề

* Giải thích

- Đam mê: niềm yêu thích, khát khao theo đuổi một lĩnh vực, công việc, nguyện vọng,... đam mê không chỉ dừng lại ở sở thích, và sự khao khát trong tâm tưởng, đam mê thúc đẩy con người hành động và đạt được thành tựu.

- Đam mê đẹp đẽ: Phụ thuộc vào cách hiểu của mỗi người - thể hiện được bản sắc cá nhân, cống hiến cho cộng đồng, mang lại giá trị tích cực cho xã hội…

- Việc nuôi dưỡng đam mê: Không chỉ dừng lại ở tìm kiếm mà cần phải chăm chút, trau dồi, biến lòng yêu thích của mình thành những hành động thực tiễn, thỏa mãn được khát khao của mình và đem lại giá trị tích cực cho cuộc sống.

Mỗi con người cần xác định cho mình những đam mê đẹp đẽ, những đam mê ấy là sự cần thiết trong cuộc sống, thúc đẩy con người hành động, như ngọn đèn soi đường dẫn ta đến đỉnh vinh quang, bến bờ thành công của cuộc đời.

* Bàn luận

Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân và lí giải phù hợp. Có thể tham khảo gợi ý sau:

- Khi có “đam mê đẹp đẽ” sẽ khiến con người kiên trì theo đuổi đam mê của mình, “cháy hết mình với đam mê”, dù gặp phải những khó khăn cũng không nản lòng, lùi bước, đạt được thành tựu, giá trị tốt đẹp.

- Sự đa dạng về thế mạnh và trải nghiệm cá nhân sẽ hình thành ở mỗi người sở thích và ước vọng khác nhau, đam mê phần nào giúp hình thành bản sắc, cá tính riêng.

- Đam mê định hình cho mỗi người con đường để phát triển và gặt hái những thành tựu trong cuộc sống. Đặc biệt, quãng thời gian tuổi trẻ khát khao được thể hiện bản thân, sống và suy nghĩ hết mình, can đảm để thực hiện ý tưởng mới, đồng thời là lí tưởng sống tốt đẹp: cống hiến cho xã hội.

- Làm việc với đam mê sẽ giúp con người tự do, thoải mái về tinh thần, làm việc sáng tạo và hiệu quả, từ đó cúng đạt được những giá trị và thành tựu tốt đẹp trong lĩnh vực mà mình theo đuổi, góp phần tạo ra thành quả vật chất, đồng thời lan tỏa cảm hứng sống cho những người xung quanh.

Một số dẫn chứng về người “nuôi dưỡng những đam mê mạnh mẽ":

- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - người sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên Việt Nam với khát khao đưa Việt Nam vào bản đồ cà phê thế giới.

- Trần Bảo Khánh - Tổng giám đốc và Đồng sáng lập Rens Original - phát triển sản phẩm thời trang từ vật liệu tái chế để giảm thiểu các tác hại của ô nhiễm môi trường.

- Học sinh Vũ Đức Vinh, trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu, Nghệ An đạt Huy chương Bạc trong kì thi Olympic Toán Quốc tế.

* Mở rộng vấn đề

- Theo đuổi đam mê cần dựa trên nhận thức về năng lực, điều kiện của cá nhân, phân biệt đam mê và những ham mê, suy nghĩ viển vông, hão huyền.

- Tránh nhầm lẫn giữa đam mê và sở thích, thú vui nhất thời đam mê đủ lớn.

* Bài học nhận thức và hành động

- Tự tin và có tinh thần “dấn thân”, chấp nhận thử thách.

- Xác định những sở thích cá nhân, thử nghiệm và bước vào hành trình tìm kiếm đam mê của chính mình.

- Nuôi dưỡng đam mê: chia nhỏ mục tiêu, lập kế hoạch hành động để từng bước đạt được mục tiêu của mình.

Câu 3. Nghị luận văn học

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Phân tích vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích (được trích từ tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa)

b. Triển khai vấn đề

b.1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu vị trí, nội dung đoạn trích cần phân tích.

b.2. Thân bài

b.2.1. Giới thiệu chung về nhân vật

- Nghề nghiệp: Anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của tác phẩm.

- Anh sống và làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, “xung quanh anh chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, công việc của anh là “làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu” nhằm dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.

- Cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.

Từ việc miêu tả hoàn cảnh sống ấy, tác giả đã làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật.

b.2.2. Vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích

* Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc vốn có nhiều gian khổ

- Công việc có nhiều gian khổ:

+ “Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng”.

+ “Ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào cũng thấy không đủ sáng”.

+ “Gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”.

+ “Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung”...

- Thành thạo trong công việc mình đang làm:

+ “Cái thùng này đo mưa này…mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân mà đo”.

+ “Cái này là máy nhật quang kí…đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy mà định nắng”.

+ “Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất”...

- Lòng yêu nghề, yêu lao động, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc:

+ “Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi”.

+ “Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng”.

Nhận thức được vai trò công việc mình đang làm, trách nhiệm của bản thân, vượt qua khó khăn ngoại cảnh để hoàn thành công việc.

* Khiêm tốn, tỉ mỉ; có nếp sống gọn gàng, giản dị

- Khiêm tốn, tỉ mỉ:

+ Anh thành thực nhận thấy công việc và sự cống hiến, đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé: “Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác”.

+ Tỉ mỉ trong công việc đòi hỏi độ chính xác cao.

- Gọn gàng, giản dị:

+ “Căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ,...”.

+ “Cuộc đời riêng của anh thanh niên gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách.

Tính cách phù hợp với công việc anh đang làm.

* Cởi mở, chân thành, có lòng hiếu khách và quan tâm đến mọi người

- Tiếp đón khách chân thành, nồng hậu, chu đáo:

+ Mời họa sĩ và cô gái vào nhà, chia sẻ không gian sinh hoạt của bản thân.

+ “Rót nước chè mời bác già”, “bưng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô”.

- Thoải mái chia sẻ với mọi người tính chất, nhiệm vụ công việc, suy nghĩ của bản thân.

b.2.3. Tổng kết

* Nội dung

- Dù anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc, nhưng bằng cách đặt nhân vật vào tình huống gặp gỡ tình cờ, qua cảm xúc và đánh giá của mọi người xung quanh, những chi tiết tiêu biểu... tác giả đã phác họa chân dung nhân vật với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc.

- Trong cái “lặng lẽ” của Sa Pa, trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ, có những chàng trai trẻ như anh thanh niên đang sống và âm thầm dâng hiến tuổi xuân của mình cho hạnh phúc con người, cho Tổ quốc thân yêu. Anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, là một mẫu người lý tưởng cho tuổi trẻ Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ, hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ.

- Vẻ đẹp tâm hồn và những suy nghĩ nghĩ của nhân vật anh thanh niên trong truyện đã gieo vào lòng người đọc niềm khâm phục, ngưỡng mộ và định hướng cho ta cách sống đẹp, thôi thúc ta khát khao được sống và làm những việc có ích cho cuộc đời.

* Nghệ thuật

- Cách gọi tên nhân vật: Tác giả không đặt tên riêng cho nhân vật mà chỉ gọi bằng “anh thanh niên” làm cho ý nghĩa của truyện có sức khái quát hơn: con người tiêu biểu cho thế hệ trẻ, cho người lao động mới đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc.

- Cách xây dựng nhân vật chân thực, khách quan qua điểm nhìn trần thuật từ nhân vật ông họa sĩ (một người làm nghệ thuật và có sự từng trải) và qua lời thoại của nhân vật.

b.3. Kết bài: Khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật và giá trị của tác phẩm.

Ngọc Nhung

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gan-40-000-thi-sinh-o-nghe-an-canh-tranh-suat-vao-lop-10-35239.html