Gần 100.000 chiếc iPhone tái chế bị đánh cắp

Theo một báo cáo chuyên sâu, thay vì tiêu hủy sản phẩm, một công ty đã đánh cắp gần 100.000 chiếc iPhone tái chế và chuyển sang Trung Quốc.

Apple đã nhiều lần quảng bá về việc bảo vệ môi trường khi tái chế iPhone cũ và các sản phẩm khác do khách hàng bàn giao thông qua chương trình thu cũ đổi mới. Bằng cách gỡ bỏ các thiết bị cũ của khách hàng, Apple có thể tháo rời các chi tiết phần cứng và tái sử dụng một số vật liệu trong các sản phẩm trong tương lai.

Do các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Apple, các công ty tái chế được giám sát liên tục để giảm thiểu nguy cơ bị đánh cắp sản phẩm.

Tái chế mọi thứ, không có ngoại lệ

Về mặt lý thuyết, chương trình tái chế iPhone khá đơn giản. Một khách hàng đưa cho Apple một chiếc iPhone cũ, sau đó chiếc iPhone này được chuyển đến bộ phận xử lý rác thải điện tử để tháo rời các linh kiện.

Sau khi pin và một số bộ phận khác được tháo ra, các bộ phận còn lại sẽ được đưa vào máy phá hủy để biến tất cả thành các mảnh vật liệu. Quá trình này cũng được thực hiện với sự giám sát chặt chẽ và bí mật, với máy dò kim loại và camera giám sát theo dõi hành động của nhân viên tại các cơ sở như GEEP Canada.

iPhone tái chế bằng robot Daisy. Ảnh: Apple

Trong hai năm đầu tiên của hợp đồng, Apple đã gửi cho GEEP hơn 530.000 iPhone tái chế, 25.000 iPad và 19.000 Apple Watch. Tuy nhiên, một cuộc kiểm toán của Apple đã phát hiện ra rằng gần 100.000 chiếc iPhone lẽ ra phải được tái chế lại đang hoạt động ở Trung Quốc.

Apple cũng phát hiện ra sự khác biệt trong thủ tục giấy tờ, cũng như hai thùng chứa các bộ Apple Watch còn nguyên vẹn được giấu cách xa camera.

GEEP đã bị Apple kiện vào năm 2020 với số tiền 22,6 triệu USD vì vi phạm hợp đồng, cáo buộc rằng nhân viên của công ty đã lên kế hoạch dàn dựng cẩn thận để bán lại phần cứng cho thị trường chợ đen. Mặc dù GEEP thừa nhận vấn đề nhưng họ đổ lỗi cho nhân viên gây ra sự cố.

Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn không có thêm động thái nào và có khả năng nó sẽ tự động bị bác bỏ trong vòng vài tháng.

Vụ việc này không chỉ gây ngạc nhiên vì mức độ trộm cắp mà còn khiến các nhà quan sát ngạc nhiên khi thấy Apple đang buộc các đối tác tái chế phải cắt nhỏ hàng ngàn chiếc iPhone tái chế mà lẽ ra có thể dễ dàng tân trang lại.

Ngoài GEEP, các đối tác tái chế khác cũng phải đối mặt với áp lực tương tự từ Apple để đảm bảo mọi thứ đi qua cửa đều được tái chế, ngay cả khi chúng trông vẫn còn có thể sử dụng được.

Từ năm 2014, khi Apple trở thành khách hàng của GEEP, đã có hàng ngàn sản phẩm được đưa đến cơ sở của hãng này để tái chế. Apple đã yêu cầu GEEP phải lắp đặt máy dò kim loại, ngăn chặn việc nhân viên đánh cắp linh kiện, nhưng việc “thất lạc” linh kiện vẫn xảy ra.

Apple cho rằng việc băm nhỏ thiết bị là cần thiết

Apple đã chọn cách nghiền nát các thiết bị cũ thành nhiều mảnh thay vì nấu chảy tất cả (làm tăng lượng khí thải carbon). Công ty cho rằng việc băm nhỏ thiết bị sẽ bảo vệ dữ liệu của khách hàng không bị rò rỉ ra ngoài, quá trình này cũng khiến các thành phần như module camera, chip… không được tái sử dụng.

Apple trước đây đã từng xử lý một vụ gian lận sửa chữa iPhone quy mô lớn ở Trung Quốc, liên quan đến việc kẻ trộm mua iPhone từ các cửa hàng, lấy linh kiện và thay thế bằng phiên bản bị hỏng hoặc giả, sau đó trả lại iPhone để thay thế.

Người phát ngôn của Apple cho biết việc tái chế thiết bị điện tử ngày nay đã có những bước tiến nhảy vọt kể từ khi vụ kiện GEEP được đệ trình, và công ty đang tạo ra các sản phẩm có tuổi thọ lâu hơn để phục vụ khách hàng.

Một trong những thay đổi đó là sự ra mắt của robot tái chế iPhone cải tiến, Daisy, thay thế cho phiên bản đầu tiên - Liam. Nhưng trang Apple Insider cho rằng đây có thể là một động thái PR, với một câu chuyện rất khác đằng sau hậu trường.

Vào khoảng thời gian Apple giới thiệu Daisy ở Hà Lan, một người lúc đó đang làm việc tại Re-Teck (một đối tác tái chế khác của Apple) đã chứng kiến hàng tấn AirPods, Mac và Apple Watch bị nghiền nát, phần nhiều trong số đó dường như vẫn hoạt động tốt. Trong một số trường hợp, nhân viên này cho biết, công nhân sẽ dùng búa đập vỡ thiết bị.

Người đồng sáng lập iFixit, Kyle Wiens, tin rằng việc băm nhỏ các thiết bị hoạt động có thể được sửa chữa hoặc sử dụng làm phụ tùng là bất hợp pháp.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/gan-100000-chiec-iphone-tai-che-bi-danh-cap-post786373.html