Gần 1 năm mở luồng, kênh đào 'Panama Nam Định' hiện ra sao?

Sau gần 1 năm mở luồng, kênh đào dài 1km nối sông Đáy và sông Ninh Cơ ở địa phận huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định mỗi ngày có hàng chục lượt tàu chở hàng, sà lan đi qua rút ngắn thời gian đi lại từ 8 tiếng xuống còn 20 - 30 phút.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 25/7/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố mở luồng đường thủy nội địa Quốc gia - kênh Nghĩa Hưng (cụm công trình kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ) thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6), nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ luồng đường thủy kênh Nghĩa Hưng, Âu tàu Nghĩa Hưng. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa khác. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo thẩm quyền đối với hoạt động giao thông thủy nội địa, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy định.

Ngày 28/4, theo ghi nhận của phóng viên, toàn bộ khu vực thuộc kênh đào hiện được rào xung quanh bằng thép sơn xanh. Bên trong dự án ngay cạnh các âu tàu là hệ thống nhà điều hành.

Bên trong nhà điều hành là hệ thống máy tính quan sát ra vào. Khi có tàu đi qua hoặc đang chờ nhân viên nhìn qua màn hình quan sát rồi thông báo cho các chủ tàu chuẩn bị. Máy điều khiển đón, mở cửa ngày ở 2 bên đầu âu tàu. Cùng với máy điều khiển đóng, mở, bơm nước vào âu tàu.

Kênh đào này được vận hành tương tự kênh đào nổi tiếng Panama.

Anh Hưng một thuyền viên đang chờ sà lan đi qua cho biết, từ khi có kênh đào mỗi lần vận chuyển hàng hóa đi qua tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền dầu. Trước kia, các tàu đi vòng phải mất 8 tiếng mới đến được, bây giờ chỉ cần 20 phút là có thể qua.

Các sà lan, tàu hàng đang đi vào âu tàu. Kênh đào sông Đáy - sông Ninh Cơ có một âu tàu rộng 17m, dài 179m và sâu 7m.

Âu tàu nằm giữa hai sông, khi có tàu vào, một bên đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua, và ngược lại.

Mỗi chu kỳ một tàu qua kéo dài khoảng 15 phút, trong đó 2 phút bơm nước để cân bằng phía trong và ngoài sông. Để vận hành an toàn, chiều rộng của tàu phải dưới 16 m. Tàu nhỏ khi qua âu tàu không cần kiểm tra kỹ lưỡng trọng tải. Thế nhưng với tàu lớn, khi di chuyển đến khu vực neo đậu ngoài âu tàu, chủ tàu mang theo đăng kiểm lên âu tàu để nhân viên điều hành kiểm tra.

Kênh đào được xây dựng nhằm phục vụ phương tiện thủy chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông, để phát triển vận tải thủy từ ven biển đi qua sông Ninh Cơ vào sông Đáy và ngược lại. Mỗi lần đi qua có thể là 3 tàu tùy theo khối lượng và kích thước.

Với tàu lớn, sẽ có thiết bị đo tự động độ mớm nước, chiều sâu của luồng… để đánh giá tàu đó có đạt tiêu chuẩn trọng tải qua âu tàu hay không.

Các cửa đóng xả có trọng lượng năng hàng chục tấn. Những tấm vật liệu ở cửa xả làm bằng thép theo tiêu chuẩn Nhật. Khi có tàu, cửa lớn vẫn đóng và chỉ mở hai cửa xả nhỏ phía dưới.

Khi nước phía trong và ngoài sông cân bằng, cửa mới mở để cho tàu qua. Ngoài ra, cửa này còn có nhiệm vụ ngăn nước mặn từ sông Đáy.

Hệ thống vận hành cánh cửa âu tàu.

Hai bên âu tàu là những địa điểm neo đậu của các tàu chờ đến lượt đi qua.

Mỗi bên có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành.

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, kênh đào nối sông Đáy - sông Ninh Cơ đã đưa hàng nghìn tàu chở hàng, vận tải dầu, than,... đi qua giúp rút ngắn thời gian đi lại giúp phát triển kinh doanh giao thương thuận tiện ở các vùng lân cận.

Rút ngắn đáng kể lộ trình đường thủy từ cụm cảng Ninh Phúc đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc các tỉnh duyên hải phía Nam. Đi qua kênh đào, tàu trọng tải lớn tiết kiệm được 8h di chuyển, tương ứng chi phí khoảng 20 triệu đồng.

Được biết, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ được động thổ ngày 19/11/2020. Chiều ngày 25/7/2023, tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lễ công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng.

Cụm công trình nằm trong dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ - Dự án WB6, nhằm đào một tuyến kênh dài khoảng 1km, rộng 90-100m nối thông giữa sông Đáy và Ninh Cơ (tỉnh Nam Định). Dự án có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước.

Kênh đào được xây dựng nhằm phục vụ phương tiện thủy chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông, để phát triển vận tải thủy từ ven biển đi qua sông Ninh Cơ vào sông Đáy và ngược lại. Trên tuyến kênh đào được xây dựng một âu tàu rộng 17m, dài 179m và sâu 7m để phục vụ tàu thuyền lưu thông qua, kết hợp điều tiết thủy lợi, ngăn mặn.

Video: Những điều thú vị về cách vận hành kênh đào nghìn tỷ ở Nam Định

Video: Những điều thú vị về cách vận hành kênh đào nghìn tỷ ở Nam Định

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/gan-1-nam-mo-luong-kenh-dao-panama-nam-dinh-hien-ra-sao-17224042917152556.htm