G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Tháp giải nhiệt tại nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh NPP ở Novovoronezh, Nga. Ảnh: Bloomberg

Văn phòng Năng lượng Hạt nhân Mỹ (ONE) khẳng định trong một thông cáo báo chí gần đây rằng chính quyền Tổng thống Biden đang làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo sự độc lập của đất nước về nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân an toàn cũng như để “tái thiết lập vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân”.

Cơ quan này nhấn mạnh chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang dẫn đầu nhóm "Sapporo 5", gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Canada, để hỗ trợ tăng cường triển khai năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới "không chịu ảnh hưởng của Nga".

Nhưng ONE buộc phải thừa nhận rằng Nga hiện cung cấp khoảng 44% dịch vụ làm giàu uranium toàn cầu và 20 - 30% sản phẩm uranium được làm giàu được sử dụng ở Mỹ và châu Âu. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa đối với Sapporo 5 khi Nga là quốc gia duy nhất bán uranium làm giàu thấp (HALEU), loại uranium không thể thiếu cho các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến, ở quy mô thương mại.

Ngày 19/4, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng một nhà máy của Mỹ đã sản xuất được 90 kg HALEU đầu tiên và sẽ sản xuất được gần một tấn nhiên liệu hạt nhân “mạnh mẽ” vào cuối năm 2024. Tuy nhiên vào năm 2020, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) dự kiến sẽ cần hơn 40 tấn HALEU vào cuối thập kỷ này để đáp ứng các mục tiêu cấp bách về khí hậu của Washington. Do đó số lượng 90kg là quá ít ỏi.

Chuyên gia Valery Menshikov, một quan chức Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Rosatom và ủy viên Hội đồng Trung tâm Chính sách Môi trường Nga, nói với Sputnik: "Không còn nghi ngờ gì nữa, những bài phát biểu mà ông Biden hiện đang trình bày chỉ là một đóng góp khác cho bộ sưu tập những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông ấy. Và vì Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu mới được làm giàu cho các nhà máy điện hạt nhân nên đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, kể cả về mặt chính trị".

Ông Menshikov nhấn mạnh, Nga vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong các dịch vụ làm giàu uranium toàn cầu và nói thêm rằng cả các nhà khoa học Mỹ và châu Âu đều không thể đạt được năng lực làm giàu uranium tương đương với các đồng nghiệp Nga của họ. Ông chỉ ra rằng nhiên liệu hạt nhân của Nga cũng tương đối rẻ hơn.

Chuyên gia này nhớ lại rằng hoạt động buôn bán nhiên liệu hạt nhân Nga - Mỹ đã bắt đầu ngay sau khi Liên Xô sụp đổ: Chương trình “Megaton to Megawatt” năm 1992 dự kiến tái chế uranium cấp độ vũ khí từ các đầu đạn hạt nhân của Nga đã được tháo dỡ thành uranium có độ giàu thấp dùng để sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy điện nhân của Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, Nga thường xuyên cung cấp khối lượng lớn uranium đã làm giàu cho Mỹ.

Công nhân làm việc trong nhà máy Khiagda, thuộc tập đoàn Rosatom, ở Bauntovsky, CH Buryatia, Liên bang Nga. Ảnh: Sputnik

Chuyên gia Nga bày tỏ nghi ngờ liệu Mỹ có thể ngừng hoàn toàn việc mua nhiên liệu hạt nhân của Nga vào năm 2028 như Tổng thống Biden đã cam kết hay không.

Ông Menshikov nói: “Vấn đề là quy trình [sản xuất nhiên liệu hạt nhân] rất phức tạp. Điều quan trọng nhất là mặc dù có thể khởi động các hoạt động sản xuất như vậy nhưng gần như không thể ngay lập tức tạo ra chúng với hiệu quả kinh tế như ở Nga. Nga phải mất hàng thập kỷ để thiết lập cơ sở sản xuất [nhiên liệu hạt nhân] của mình”.

Với Liên minh châu Âu (EU), tình hình còn phức tạp hơn bởi thực tế là có 19 lò phản ứng của khối này do Nga thiết kế. Danh sách các quốc gia có thiết bị hạt nhân do Nga sản xuất bao gồm Slovakia, Hungary, Phần Lan, Bulgaria và Cộng hòa Séc. Mặc dù một số nước châu Âu, như Phần Lan, gần đây đã ngừng hợp tác với Nga, nhưng những nước khác – như Hungary – vẫn đang tiến hành các dự án mới.

Trích dẫn dữ liệu từ Eurostat và chương trình dịch vụ thương mại quốc tế Comtrade của Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường Bellona cho biết EU đã tăng gấp đôi việc mua nhiên liệu hạt nhân của Nga vào năm 2023.

"Nếu các nước EU trả tổng cộng 280 triệu euro cho nhiên liệu hạt nhân của Nga vào năm 2022, thì con số đó đã tăng hơn gấp đôi lên 686 triệu euro vào năm ngoái. Về mặt vật lý, con số này thể hiện mức tăng từ 314 tấn nhiên liệu hạt nhân lên 573 tấn”, Quỹ Bellona cho hay.

Thậm chí, việc tăng cường mua vẫn diễn ra ngay khi G7 kêu gọi nỗ lực ngừng nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga.

Ông Menshikov nói: “Đây không chỉ là vấn đề đầu tư tài chính, bởi vì cần có các công nghệ mới. Chúng tôi có những công nghệ mới này. Liệu họ có thể bắt kịp chúng tôi không? Họ nhiều khả năng chỉ làm được trong vòng 8 đến 10 năm tới."

Trong khi đó, Nga vẫn đang tiếp tục phát triển các dự án hạt nhân dân sự và xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở các nước không thuộc phương Tây, vị chuyên gia lưu ý.

Ông nói: “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng rất nhiều nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài. Các quốc gia này là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh. Nhìn chung, các dự án rất đa dạng. Và quan trọng nhất, chúng tôi là những người dẫn đầu tuyệt đối ở đây. Và theo tất cả các hợp đồng xây dựng, chúng tôi sẽ cung cấp nhiên liệu hạt nhân hoàn toàn mới."

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/g7-co-the-mat-10-nam-moi-bat-kip-san-luong-nhien-lieu-hat-nhan-cua-nga-20240423124923884.htm