G20 thành lập Cơ quan hợp tác toàn cầu ứng phó với COVID-19

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 17/9. Ảnh: AFP/ TTXVN

* Trung Quốc quyết định nới lỏng một số hạn chế

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Diễn đàn y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thiết lập Cơ quan hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) để tích hợp hợp tác giữa các bên liên quan nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Ngày 10/11, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết trong đại dịch vừa qua, thế giới gặp khó khăn trong việc thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, phân phối các công cụ chẩn đoán, thuốc men và vắc xin do có quá nhiều cơ quan khác nhau tham gia.

Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tập hợp tất cả các cơ quan này vào diễn đàn ACT-A không chính thức.

ACT-A quy tụ một số cơ quan và tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Bill and Melinda Gates, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI), Quỹ Toàn cầu, WHO và các cơ quan liên quan khác.

Bộ trưởng Budi cho rằng ACT-A là một tổ chức toàn diện và đã thành công trong việc khắc phục các vấn đề của thế giới, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng cơ quan này sẽ giúp tăng cường hợp tác toàn cầu giữa các chính phủ, nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp, xã hội dân sự, các tổ chức y tế và từ thiện toàn cầu nhằm tăng tốc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng ngừa COVID-19.

Trước đó, hoạt động ngoại giao thành lập ACT-A đã được thảo luận tại Nhóm công tác y tế (HWG) lần thứ ba của G20 diễn ra vào ngày 22-23/8 tại Bali.

Cuộc họp đã đạt được một số thỏa thuận và cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế - yếu tố được coi là quan trọng đối với việc tăng năng lực nghiên cứu và sản xuất trong thời kỳ đại dịch.

Theo Bộ trưởng Budi, quan hệ đối tác với khu vực tư nhân cũng là yếu tố cần thiết đối với việc chuyển giao công nghệ và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp cần chủ động đóng góp cho công tác này. Một nỗ lực khác cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là việc mở rộng sản xuất và nghiên cứu vắc xin, các phương pháp điều trị và chẩn đoán (VTD).

Ông Budi cho biết các tổ chức quốc tế đã thiết lập các nền tảng và mạng lưới cho phép tiếp cận tốt hơn với VTD để ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

HWG lần thứ ba cũng nhất trí về sự cần thiết tăng cường đầu tư và phối hợp giữa lĩnh vực tài chính và lĩnh vực y tế nhằm hỗ trợ cho VTD.

Nhà chức trách y tế Trung Quốc ngày 11/11 thông báo nới lỏng một số hạn chế liên quan đến phòng dịch COVID-19, theo đó rút ngắn thời gian cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần và người nhập cảnh, đồng thời bãi bỏ biện pháp phạt các hãng hàng không chở hành khách nhiễm COVID-19.

Theo quy định mới, thời gian cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 sẽ giảm xuống 5 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung và 3 ngày theo dõi tại nhà, so với quy định trước đây cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi tại nhà 3 ngày.

Việc rút ngắn thời gian cách ly tương tự cũng được áp dụng đối với những người nhập cảnh Trung Quốc. Trong khi đó, một số địa phương ở Trung Quốc tiến hành phong tỏa và tăng cường các biện pháp hạn chế khác để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm, khi số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh, trong đó thủ đô Bắc Kinh và thành phố Trịnh Châu chứng kiến số ca mắc kỷ lục tính theo ngày.

* Theo số liệu của Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHC), ngày 10/11 Trung Quốc đại lục ghi nhận 10.535 ca mắc mới trong cộng đồng, mức cao nhất kể từ ngày 19/4, khi Thượng Hải - trung tâm thương mại của nước này - chứng kiến đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất.

Thành phố Quảng Châu, hiện đang là tâm dịch, ghi nhận 2.824 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng - ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới vượt mốc 2.000.

Quận Hải Châu đông dân nhất Quảng Châu, với 1,8 triệu người, ngày 11/11 thông báo sẽ tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt cho tới ngày 13/11, sau nhiều ngày mở rộng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn COVID-19.

Chính quyền quận Hải Châu yêu cầu toàn bộ người dân ở trong nhà và hằng ngày mỗi hộ gia đình cử một người đi mua hàng thiết yếu; tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thông công cộng và tiến hành xét nghiệm PCR bắt buộc đối với từng người và từng hộ gia đình.

Một số thành phố lớn khác như Bắc Kinh, Trịnh Châu và Trùng Khánh tuần này cũng đã thắt chặt các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 khi số ca mắc mới hằng ngày cao kỷ lục.

T.LÊ (tổng hợpTTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/289134/g20-thanh-lap-co-quan-hop-tac-toan-cau-ung-pho-voi-covid-19.html