Fed nỗ lực trên hai mặt trận

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phải 'chiến đấu trên hai mặt trận' khi họ vừa muốn đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% sau hơn 2 năm, nhưng cũng không muốn đẩy lãi suất quá cao đến mức đè bẹp nền kinh tế. Do vậy cuộc họp tháng 6, diễn ra trong hai ngày 13 - 14.6 (giờ Mỹ) sẽ là sự cân nhắc khó khăn của Fed.

Những chỉ số tích cực

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13.6 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 chỉ tăng 0,1%, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4. Trên cơ sở hàng năm, CPI tháng vừa qua tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 4,9% trong tháng 4. Tháng 5 cũng ghi nhận mức tăng CPI so với cùng kỳ thấp nhất kể từ tháng 3.2021, thời điểm lạm phát vừa bắt đầu tăng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đang nỗ lực cân bằng mục tiêu lạm phát và tăng trưởng. Ảnh: New York Times

Tuy nhiên, chỉ số lạm phát lõi - loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng thì không quá lạc quan. Lạm phát lõi đã tăng 0,4% so với tháng trước và vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy dù giá cả đã hạ nhiệt phần nào, nhưng áp lực lên người tiêu dùng vẫn còn đó.

Liz Young, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại SoFi ở New York, cho biết, nếu Fed đang tìm kiếm dữ liệu để chỉ ra rằng: "tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6" thì tôi nghĩ họ đã có nó ngày hôm nay”.

Các nhà kinh tế tin rằng lạm phát dần được kiểm soát và thị trường lao động chậm lại cho phép Fed bỏ qua đợt tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 3.2022, khi ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong hơn 40 năm.

Jamie Cox, thành viên ban quản trị của Harris Financial Group cho hay, số liệu CPI lần này, có xu hướng giảm ở một số hạng mục, đủ để cho thấy Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất. Nếu quỹ đạo này được giữ nguyên vào tháng 6, thì việc Fed thắt chặt mạnh tay hơn sẽ không còn.

Kể từ tháng 3.2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp từ mức gần bằng 0 lên mức 5 - 5,25%, mức cao nhất kể từ giữa năm 2007. Hai lần tăng gần đây nhất được đưa ra sau vụ sụp đổ của 4 ngân hàng Mỹ.

Tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã báo hiệu, Fed có thể sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, nhưng vẫn để ngỏ khả năng thắt chặt hơn nữa trong năm nay. Theo phần lớn các nhà kinh tế học hàng đầu được thăm dò bởi Financial Times, Fed sẽ cần phải hành động cứng rắn hơn dự kiến để giải quyết tận gốc lạm phát. Cuộc họp diễn ra vào 13 - 14.6 của Fed được coi là một trong những cuộc họp khó khăn nhất trong chiến dịch kiểm soát lạm phát kéo dài suốt 15 tháng qua.

Quyết định khó khăn

Giờ đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số đồng nghiệp của ông muốn “tạm nghỉ” để đánh giá tác động của những động thái trong quá khứ và cả những thất bại gần đây của ngành ngân hàng đối với các điều kiện tín dụng và nền kinh tế, dù báo cáo hàng quý cho thấy lạm phát vẫn cao hơn so với dự kiến 3 tháng trước. “Lý do Fed muốn tạm dừng là quản lý rủi ro. Có rất nhiều điều không chắc chắn và họ muốn thu thập thêm dữ liệu”, cựu Thống đốc Fed Laurence Meyer cho biết.

Một nguyên nhân nữa giải thích cho việc ngừng tăng lãi suất là Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đang cố gắng "chiến đấu trên hai mặt trận". Họ muốn đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% sau hơn 2 năm, nhưng cũng không muốn đẩy lãi suất quá cao đến mức đè bẹp nền kinh tế.

Fed đã tăng lãi suất hơn 5% trong vòng chưa đầy 1 năm, một trong những chiến dịch tăng lãi suất nhanh nhất trong lịch sử gần 110 năm của ngân hàng trung ương Mỹ. “Việc bỏ qua một đợt tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới sẽ cho phép FOMC xem xét thêm dữ liệu trước khi đưa ra quyết định về mức độ củng cố chính sách bổ sung”, Thống đốc Fed Philip Jefferson cho biết ngày 31.5.

Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh hơn so với dự đoán của nhiều quan chức trước những đợt tăng lãi suất nhanh chóng. Một báo cáo mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 339.000 việc làm trong tháng 5, gần gấp đôi so với dự đoán các nhà kinh tế dù chi phí đi vay cao hơn, lạm phát vẫn kéo dài và tăng trưởng kinh tế suy giảm. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng từ 3,4% lên 3,7%, mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động không thay đổi trong tháng 5.

Tuy nhiên, lạm phát lại giảm không đủ nhanh. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ ở mức 4,4%, và lạm phát lõi (không tính giá của những mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng) ở mức 5,3% trong tháng 5, cao gấp 2,5 lần so với mức mục tiêu của Fed là 2%. “Những hành động của Fed trong 2 tháng qua cho thấy, họ đã quan tâm hơn đến nguy cơ suy giảm tăng trưởng hơn những lo ngại về lạm phát. Dữ liệu lạm phát chắc chắn sẽ chưa tạm ngừng ở thời điểm này”, bà Anna Wong, chuyên gia kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics nhận định.

Tình trạng chia rẽ

Trước thực tế là lạm phát vẫn còn cách xa mục tiêu và tỷ lệ thất nghiệp đang ở gần mức thấp lịch sử, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng lãi suất ít nhất 2 lần nữa để chống lại áp lực giá cả mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng, theo bà Anna Wong.

Một số quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee, đã chỉ ra tác động lâu dài của việc tăng lãi suất và khả năng thắt chặt tín dụng trên diện rộng của các ngân hàng, do đó khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách nên theo dõi dữ liệu sắp tới một cách cẩn trọng.

Ông Jeff Fuhrer, cựu giám đốc nghiên cứu của Fed chi nhánh Boston cho biết, nếu nguồn cung tiếp tục giảm trong những tháng tới như dự kiến, thì việc tạm dừng tăng lãi suất là điều hợp lý. “Tôi không nghĩ rằng lạm phát sẽ tăng lên, bởi vì chúng ta có nhu cầu vượt trội”, ông Fuhrer nhận định.

Tuy nhiên, việc bỏ qua đợt tăng lãi suất vào tháng 6 có thể khiến các quan chức Fed gặp khó khăn trong việc khởi động lại nếu cần. Để tránh kết quả đó, ông Powell sẽ cần nói rõ trong cuộc họp báo sau cuộc họp rằng có thể cần nhiều nỗ lực hơn để giảm lạm phát.

Các quan chức Fed đang lo ngại rằng công chúng có thể mất niềm tin vào khả năng của Fed trong việc đưa lạm phát trở lại mức 2% nếu lạm phát tiếp tục ở trên mức mục tiêu lâu hơn nữa. “Sự bất hòa trong FOMC đang gia tăng. Những người muốn bỏ qua đợt tăng lãi suất vào tháng 6 muốn chờ xem liệu mức lãi suất 5% tăng lên suốt thời gian qua có giúp hạ nhiệt nền kinh tế hay không. Trong khi đó, các thành viên diều hâu hơn lại tin rằng lãi suất vẫn chưa đủ cao để hạn chế lạm phát, và Fed không nên mạo hiểm tụt lại phía sau”, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch nhận thấy 94% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức 5,00 - 5,25%, trong khi đánh giá 60% khả năng tăng lãi suất vào tháng 7.

Còn theo một cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 2 - 7.6 trên 86 chuyên gia kinh tế, có 78 người (hơn 90%) cho rằng FOMC sẽ giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức 5 - 5,25% vào cuối cuộc họp ngày 13 - 14.6. Những người còn lại cho rằng lãi suất sẽ tăng lên 0,25%.

Hơn 30% số chuyên gia trong cuộc khảo sát (32/86) cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất một lần nữa trong năm nay, trong đó có 8 người cho rằng lãi suất sẽ tăng trong tháng 6 và 24 người dự kiến tăng trong tháng 7, sau khi tạm dừng. Có 1 người dự đoán lãi suất sẽ tăng trong cả tháng 6 và tháng 7.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/fed-no-luc-tren-hai-mat-tran-i332540/