FED giữ nguyên lãi suất cơ bản: Bước đi trợ giúp nền kinh tế

Lạm phát gia tăng, tốc độ phục hồi việc làm còn chậm được cho là lý do khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ vững lập trường về chính sách tiền tệ. Theo đó, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày (kết thúc ngày 16-6) của cơ quan hoạch định chính sách thuộc FED là Ủy ban Thị trường mở liên bang, FED thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 0-0,25% hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế.

Thị trường việc làm Mỹ vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch Covid-19 là một lý do khiến FED giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục như hiện nay.

Như vậy, đây là lần thứ 10 liên tiếp FED không điều chỉnh lãi suất sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang. Bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất cơ bản, FED cũng đã điều chỉnh dự báo về tỷ lệ lạm phát và triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Theo đó, FED dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm nay tăng từ 2,4% lên 3,4%, song sẽ giảm xuống còn 2,1% vào năm 2022. FED cũng đồng thời nâng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ từ 6,5% lên 7%. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 4,5%.

Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đạt bước tiến lớn trong triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng những tháng gần đây cùng với các chương trình kích thích kinh tế lớn, nền kinh tế xứ Cờ hoa đã phục hồi mạnh mẽ từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, con đường phục hồi còn nhiều gập ghềnh trong đó có việc nhiều nước khác không bắt kịp tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ. Điều này dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung và nhân công, góp phần khiến giá cả tăng vọt, với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5-2021 đạt mức cao nhất trong 13 năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Với lạm phát tăng nhanh hơn dự báo và nền kinh tế khởi sắc mạnh mẽ, thị trường tài chính Mỹ thời gian qua đã tìm kiếm những dấu hiệu về thời điểm mà FED có thể siết lại chính sách tiền tệ đã triển khai suốt 2 năm qua để vực dậy tăng trưởng. Chính sách siêu nới lỏng của FED, ngoài mức lãi suất gần 0%, còn có chương trình mua tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, sau cuộc họp lần này, FED nhắc lại cam kết sẽ đợi cho tới khi “có thêm bước tiến quan trọng” về phục hồi tăng trưởng và thị trường lao động rồi mới bắt đầu chuyển sang chính sách tiền tệ phù hợp với một nền kinh tế hoàn toàn mở cửa.

Trưởng khoa Kinh tế Đại học Howard Omari Swinton chỉ ra rằng, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động khi họ mở cửa trở lại. Lạm phát và tiền lương là những mối lo chính đáng. Vấn đề "mang tính hệ thống" của tình trạng thiếu hụt lao động là mục tiêu quan trọng trong các cuộc họp về chính sách của FED, nhất là khi nguồn cung lao động có thể bị thu hẹp vĩnh viễn sau đại dịch. Do đó, so với nguy cơ lạm phát, FED ưu tiên vấn đề việc làm hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống 5,8% vào tháng 5. Tuy nhiên, hơn 7 triệu việc làm bị mất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua vẫn chưa được khôi phục. FED vẫn duy trì chương trình mua trái phiếu khổng lồ trị giá 120 tỷ USD/tháng và lãi suất thấp cho đến khi các số liệu phản ánh sự cải thiện dài hạn trên thị trường lao động. Điều này sẽ giúp dòng tiền dễ dàng lưu thông, thúc đẩy nhu cầu và tăng tốc độ tăng trưởng.

Trong cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách FED phát đi tín hiệu rằng có thể bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2023. Theo dự báo của giới chuyên gia, việc FED rút ngắn lộ trình tăng lãi suất (cuối năm 2023) cộng với những thảo luận về việc hạn chế nới lỏng định lượng cho thấy cơ quan này đang thận trọng với lạm phát.

Các nhà kinh tế nhận định, khi nền kinh tế thế giới còn chưa hồi phục hoàn toàn từ đại dịch Covid-19, việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ vào lúc này có thể dẫn tới sự đảo chiều của các dòng vốn trên toàn cầu. Do đó, những tuyên bố của FED đã thể hiện một lá phiếu niềm tin rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1003181/fed-giu-nguyen-lai-suat-co-ban-buoc-di-tro-giup-nen-kinh-te