FED cắt giảm lãi suất đầy khó khăn khi nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ thúc đẩy niềm tin vào việc các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tính toán cắt giảm lãi suất tại cuộc họp đầu tiên của năm 2024, diễn ra vào ngày 31/1. Tuy nhiên, Ủy ban Thị trường mở Liên bang gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu để giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm là 5,25 - 5,5%, sau nỗ lực trong thời gian dài nhằm kiềm chế lạm phát cao kỷ lục. Sự quan tâm hiện tại là ở mức độ mà Chủ tịch FED Jay Powell sẽ gợi ý về phương án cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng trong các quyết định cắt giảm lãi suất của FED. Ảnh: Spencer Platt/Getty Images

Lạm phát giảm tạo dư địa để FED hạ lãi suất

Khi họp vào tuần này, có rất ít khả năng ủy ban ấn định lãi suất của FED sẽ thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Họ có thể sẽ duy trì lãi suất qua đêm ở mức 5,25% đến 5,5% và tiếp tục thu hẹp quy mô trái phiếu kho bạc trị giá 7,7 nghìn tỷ USD, thế chấp và các tài sản khác trị giá khoảng 80 tỷ USD mỗi tháng, tiếp tục chương trình thắt chặt định lượng đã bắt đầu từ tháng 6/2022. Nhưng, tuyên bố chính sách của FED và cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell sau khi phiên họp kết thúc vào thứ Tư (31/1) có thể sẽ báo hiệu những thay đổi đang diễn ra.

Khoảng một nửa số nhà đầu tư đang đặt cược cho động thái giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo của FED vào tháng 3, nhưng thay vào đó, nhiều nhà kinh tế lại nghiêng về thời điểm vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè.

Các nhà giao dịch lãi suất đang đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất một phần tư điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách của FED vào tháng 3. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ đến muộn hơn một chút: Ví dụ, dự báo của Morgan Stanley là cho tháng 6.

Mối lo ngại của những người ấn định lãi suất là việc cắt giảm sớm có thể khiến áp lực giá tăng trở lại. Những người đặt cược vào động thái sau này cho rằng nền kinh tế Mỹ đủ ổn để FED giảm thiểu rủi ro này bằng cách giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

GDP của nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ hàng 3,3% trong quý IV/2023, đánh dấu sự kết thúc tốt đẹp cho một năm mà nhiều nhà kinh tế cho rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, đưa tốc độ tăng trưởng cả năm là 3,1% - thành tích tốt nhất so với bất kỳ nền kinh tế tiên tiến lớn nào. Krishna Guha - cựu quan chức FED hiện đang làm việc tại Evercore ISI cho biết: “Không có dữ liệu nào kể từ đầu năm cho thấy nền kinh tế đang gặp nguy hiểm”.

Tháng trước, Thống đốc FED Christopher Waller cho biết, ông tin tưởng ngân hàng trung ương đang ở trong “khoảng cách đáng kể” để đạt được mục tiêu lạm phát 2%, sau khi áp lực giá giảm mạnh vào nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, ông lập luận rằng tăng trưởng mạnh mẽ và thị trường lao động ổn định có nghĩa là các quan chức không cần phải hành động quá vội vàng. Waller nói: “Tôi thấy không có lý do gì để tăng trưởng nhanh hoặc cắt giảm lãi suất nhanh như trước đây”.

Seth Carpenter - nhà kinh tế học tại Morgan Stanley, người tin rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6, cho biết những đặt cược khác nhau về thời điểm cắt giảm phản ánh những quan điểm khác nhau về triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Carpenter nói: “Một số người vẫn nghĩ rằng sẽ có một cuộc suy thoái vào năm 2024. Những người khác cho rằng lạm phát hiện đã hoàn toàn được kiểm soát”. Ông nói thêm: “Chúng tôi mong đợi một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng, nhưng chúng tôi không ở vị trí khác với thị trường. Nếu chúng tôi sai vào tháng 6, tôi cho rằng đó là do việc cắt giảm sẽ diễn ra sớm hơn chứ không muộn hơn so với mức cơ bản của chúng tôi”.

FED có thể sẽ chọn phương án nới lỏng kép

Những người theo dõi FED cho rằng, để ngăn chặn một thảm họa kinh tế, những người ấn định lãi suất sẽ muốn truyền đi thông điệp rằng việc cắt giảm lãi suất đang diễn ra. Guha, người dự báo tháng 5 hoặc tháng 6 là thời điểm có nhiều khả năng nhất cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, cho biết: “Tôi kỳ vọng rằng, nếu họ lên kế hoạch vào tháng 3, thì chúng tôi sẽ nhận được gợi ý khá rõ ràng về điều đó từ ông Powell vào tháng 1”.

FED có thể muốn tính toán cẩn thận để hạ lãi suất vì không chắc liệu việc hạ nhiệt lạm phát gần đây có kéo dài hay không. Ảnh: Farrah Skeiky/WSJ

Tuy nhiên, một số người cho rằng sẽ khó để Chủ tịch FED Jerome Powell’s đưa ra dấu hiệu chắc chắn về động thái như vậy trong tuần này, vì lạm phát chung của Mỹ đã tăng từ 3,1% trong tháng 11 lên 3,4% vào tháng trước. Nhưng biện pháp mà FED đang theo dõi chặt chẽ nhất, lạm phát PCE cốt lõi, đã giảm xuống mức 2,9% trong tháng 12.

Chủ tịch FED cũng có thể miễn cưỡng loại trừ dứt khoát việc cắt giảm lãi suất vào ngày 20/3, vì hai bộ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp, chỉ số quan trọng về sức khỏe của thị trường việc làm của Mỹ, sẽ được công bố trong thời gian tới. Một báo cáo lạm phát PCE cho tháng 1 và hai bộ số liệu lạm phát chung dự kiến được công bố trước cuộc họp tháng 3, cũng như các bản cập nhật dữ liệu cho thấy mức độ điều chỉnh theo mùa ảnh hưởng đến mức tăng CPI của tháng 12/2023.

Bình luận gần đây từ các nhà hoạch định chính sách cho thấy, ngân hàng trung ương đang xem xét liệu có nên giảm số lượng tài sản mà họ cho phép rút khỏi bảng cân đối kế toán mỗi tháng hay không. Seth Carpenter - nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Morgan Stanley và là cựu quan chức FED hy vọng, các nhà hoạch định chính sách của FED tại cuộc họp tháng 5 sẽ công bố kế hoạch giảm dần tỷ lệ lãi suất bắt đầu từ tháng 6.

Carpenter cho biết: “Luồng dữ liệu sẽ cực kỳ quan trọng. Một vấn đề khác được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của FED là liệu có nên làm chậm quá trình thắt chặt định lượng hay không. Ngân hàng trung ương Mỹ đã sử dụng tới 60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 35 tỷ USD trái phiếu khác mỗi tháng.

Tuy nhiên, biên bản cuộc họp tháng 12 lưu ý rằng một số thành viên cảm thấy nhịp độ thắt chặt định lượng cần sớm được xem xét lại. Họ cho biết, việc các quỹ thị trường tiền tệ sử dụng phương tiện mua và bán trái phiếu từ ngân hàng trung ương giảm mạnh có thể đánh dấu mức khởi đầu cho sự kết thúc của thời kỳ thanh khoản dồi dào.

Lorie Logan - Chủ tịch của FED Dallas đã lưu ý rằng việc làm chậm tốc độ của chương trình thắt chặt định lượng có thể làm giảm nguy cơ tăng chi phí huy động vốn. Bà nói, việc tránh những bước nhảy vọt đó sẽ cho phép FED tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình mà không bị gián đoạn lâu hơn.

Nate Wuerffel, cựu giám đốc thị trường nội địa tại FED New York và hiện tại là chuyên gia của BNY Mellon, cho biết chi phí huy động vốn tăng mạnh trong các đợt thắt chặt tiền tệ trước đó vào năm 2019 sẽ thúc đẩy các quan chức đưa ra quyết định sớm hơn.

“Các nhà hoạch định chính sách đang nói về điều này bởi vì một số người trong số họ có những ký ức rất sâu sắc về trải nghiệm năm 2019 và họ muốn cho hệ thống ngân hàng có thời gian để điều chỉnh mức dự trữ thấp hơn. Họ biết rằng có những giới hạn đối với những gì dữ liệu có thể cho chúng ta biết về cách thị trường tiền tệ sẽ vận hành” - Wuerffel nói./.

Hoàng Lê (theo The Financial Times/WSJ)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/fed-cat-giam-lai-suat-day-kho-khan-khi-nen-kinh-te-my-van-manh-me-144569.html