FBI lo nguy cơ khủng bố ở Mỹ, tương tự ở Moscow

FBI và các quan chức cấp cao Mỹ liên tục cảnh báo về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố tại nước này tương tự vụ ở Moscow, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông ngày càng phức tạp.

Hơn 20 năm trước, Tướng John Abizaid - khi đó là chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Đông - đã cảnh báo rằng Mỹ phải đối mặt với một “cuộc chiến lâu dài” hàng thập niên chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Gần đây, mối đe dọa khủng bố có dấu hiệu gia tăng với các căng thẳng ở Trung Đông, khiến các quan chức cấp cao ở Mỹ liên tục bày tỏ sự quan ngại.

Báo động nguy cơ tấn công khủng bố

Chỉ trong cuối tuần qua, ít nhất ba giáo đường Do Thái và một bảo tàng ở bang New York đã bị dọa đánh bom dù phía cảnh sát cho rằng không có trường hợp nào đáng tin cậy, theo hãng tin AP.

Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho biết các quan chức bang này đang “tích cực theo dõi” những địa điểm đã bị đe dọa. “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho những cá nhân gieo rắc nỗi sợ hãi và chủ nghĩa bài Do Thái. Những kẻ thực hiện hành vi như vậy phải chịu trách nhiệm về hành động hèn hạ của mình” - bà Hochul nhấn mạnh.

Tháng trước, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng nói rằng cơ quan này lo ngại về nguy cơ xảy ra hiện tượng tấn công có tổ chức ở Mỹ tương tự vụ tấn công khủng bố do nhóm ISIS-K - một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - thực hiện tại Nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 3.

“Khi nhìn lại sự nghiệp thực thi pháp luật của mình, tôi thật khó có thể nghĩ đến thời điểm nào mà tôi chứng kiến rất nhiều mối đe dọa khác nhau, tất cả đều tăng cao, cùng một lúc như hiện nay” - ông Wray nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Thẩm định Hạ viện Mỹ hôm 11-4.

 Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray. Ảnh: GETTY IMAGES

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Wray cho biết ông lo lắng rằng những cá nhân cực đoan hoặc các nhóm nhỏ có thể được truyền “cảm hứng lệch lạc” từ các sự kiện ở Trung Đông, làm gia tăng nguy cơ xảy ra một vụ tấn công khủng bố có tổ chức.

Cộng đồng tình báo Mỹ đặc biệt lo ngại nguy cơ khủng bố từ nhóm ISIS-K. Theo các quan chức Mỹ, ISIS-K có thể lợi dụng cộng đồng nhập cư người Trung Á để thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu và Mỹ, tương tự cách nhóm này đã sử dụng người Tajikistan trong vụ tấn công ở Moscow.

Một quan chức tình báo Mỹ nói với tờ The Washington Post rằng ISIS-K “đang định hình lại hoạt động tuyên truyền để tiếp cận mục tiêu” là người di cư. Tướng Michael Erik Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ hôm 7-3 đã cảnh báo rằng “việc thiếu áp lực từ bên ngoài đã cho phép ISIS-K hồi sinh và củng cố mạng lưới nhằm chỉ đạo, kích hoạt và truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công”.

Một nguy cơ khác đối với an ninh Mỹ khiến giới chức ở Washington lo lắng đó là “trục kháng chiến của Iran”, vốn là mối đe dọa hàng thập niên với Mỹ và đang được đẩy lên cao do những căng thẳng gần đây ở Trung Đông.

Mối lo ngại lớn đến mức Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ hôm 20-3 đã tổ chức phiên điều trần với chủ đề “xem xét tình hình hiện tại của Trục kháng chiến của Iran và những tác động đối với an ninh nội địa và lợi ích Mỹ”.

“Các mối đe dọa an ninh từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran thậm chí còn lan rộng hơn. Những mối đe dọa này bao gồm âm mưu ám sát các cựu quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhắm mục tiêu và tấn công lực lượng Mỹ ở nước ngoài, cũng như làm gián đoạn thương mại Mỹ” - Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ Mark Green nói tại phiên điều trần.

Theo giới quan sát, căn cứ vào tình hình hiện tại trên chiến trường Gaza, khi Israel vẫn quyết tâm đánh vào thành trì cuối cùng của Hamas ở TP Rafah, cộng với những căng thẳng vừa qua giữa Iran và Israel, mối đe dọa từ “trục kháng chiến” Iran với Mỹ chắc chắn không thể xem nhẹ.

Trong một báo cáo hồi tháng 4, Liên đoàn Chống phỉ báng (một tổ chức giám sát có trụ sở tại Mỹ) cho biết số vụ tấn công, phá hoại và quấy rối chống Do Thái ở Mỹ trong năm 2023 đã tăng hơn gấp đôi, lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh tâm lý bài Do Thái tăng vọt sau xung đột Israel - Hamas.

Giải pháp ứng phó với mối đe dọa khủng bố

 Cảnh sát bang Chicago (Mỹ) theo dõi các cuộc biểu tình phản đối xung đột Israel - Hamas hôm 3-5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cảnh sát bang Chicago (Mỹ) theo dõi các cuộc biểu tình phản đối xung đột Israel - Hamas hôm 3-5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi cảnh giác, ngày 5-5, Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết sẽ bổ sung thêm 400 triệu USD vào quỹ liên bang để đảm bảo an ninh tại các địa điểm tôn giáo trên toàn nước Mỹ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ để không giáo đường hay tổ chức tôn giáo nào phải hoạt động trong nỗi sợ hãi” - ông Schumer nói, cho biết thêm rằng các cơ sở tôn giáo có thể sử dụng khoản tài trợ để thuê bảo vệ hoặc lắp đặt camera an ninh.

Về lâu dài, các chuyên gia khuyến nghị Mỹ theo dõi chặt chẽ các mối đe dọa khủng bố tiềm ẩn, nhất là khi Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến sẽ có nhiều sự kiện tập trung người.

Theo bà Catrina Doxsee, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), để giải quyết nguy cơ khủng bố, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ nên tập trung xem xét sự lan rộng toàn cầu của các hệ tư tưởng cực đoan cực hữu, sự hồi sinh của các tổ chức thánh chiến cũng như khả năng các tổ chức này áp dụng công nghệ mới vào hoạt động khủng bố, và cũng cần lưu tâm đến mối đe dọa khủng bố đến từ những kẻ cực đoan trong nước.

Bà Doxsee cũng lưu ý rằng không phải chỉ có vấn đề tôn giáo cực đoan mới đủ sức “truyền cảm hứng” cho hoạt động khủng bố.

“Kể từ vụ tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas vào Israel, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng bạo lực cực đoan nhắm vào người Do Thái, người Hồi giáo và người Palestine ở Mỹ và các quốc gia khác. Điều quan trọng là phải hiểu phản ứng của quốc tế đối với cuộc xung đột này có thể làm trầm trọng thêm một số thái độ cực đoan bạo lực dựa trên chủng tộc và sắc tộc ở Mỹ. Đây cũng không phải là hiện tượng độc nhất hay riêng biệt mà đã xuất hiện trong các khủng hoảng quốc tế trước đây. Sau sự bùng phát của đại dịch COVID-19, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng tấn công bạo lực và phân biệt chủng tộc nhằm vào người Mỹ gốc Á” - bà Doxsee nói thêm.

Nga tiếp tục phát hiện âm mưu khủng bố mới

Đến nay, Nga đã bắt giữ tổng cộng 12 nghi phạm liên quan vụ tấn công khủng bố tại Nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow (Nga), theo hãng thông tấn TASS.

Nghi phạm thứ 12, cũng là một công dân Tajikistan, bị bắt hôm 27-4 và sẽ bị tạm giam đến ngày 22-5.

Vụ tấn công khủng bố tại Moscow hôm 22-3 đã cướp đi sinh mạng của 144 người và khiến 551 người bị thương. Dù nhóm ISIS-K đã đứng ra nhận trách nhiệm nhưng Nga cho rằng Ukraine đứng sau vụ việc.

Mới đây, ngày 5-5, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết đã ngăn chặn một âm mưu khủng bố ở tỉnh Tambov (Nga).

Theo FSB, nghi phạm là một người đàn ông Nga, được cho là đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công theo lệnh từ “các cơ quan đặc biệt của Ukraine”.

Ukraine chưa bình luận về thông tin.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/fbi-lo-nguy-co-khung-bo-o-my-tuong-tu-o-moscow-post789375.html