F-35 của Mỹ được chứng nhận mang bom hạt nhân

Máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ F-35A Lightning II chính thức được chứng nhận mang bom hạt nhân rơi tự do B61-12.

Ảnh: Viện Nghiên cứu Quốc gia Los Alamo//Wikimedia Commons.

F-35 mang "khả năng kép"

Các máy bay chiến đấu F-35A Lightning II do Mỹ sản xuất đã được chứng nhận mang bom rơi tự do B61-12 và trên thực tế đã được chứng nhận từ ngày 12 tháng 10 năm 2023.

Thông báo này được người phát ngôn của Văn phòng Chương trình chung F-35, Russ Goemaere, đưa ra trong một tuyên bố với tạp chí Breaking Defense hôm 8/3. Người phát ngôn tiết lộ, chương trình chứng nhận kéo dài 10 năm đã được hoàn thành trước thời hạn.

Điều này đồng nghĩa với việc máy bay F-35A từ nay sẽ được coi là mang “khả năng kép”, có thể được sử dụng trong cả chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân – và trong chiến tranh hạt nhân, máy bay này sẽ được trang bị hai bom B61-12, sử dụng các cảm biến quét mặt đất và liên kết dữ liệu để thả loại bom này chính xác hơn rất nhiều so với các loại máy bay trang bị B61 khác.

Dù Không quân Mỹ từ lâu đã sử dụng máy bay F-15E và F-16 với chế độ “N-wiring” để triển khai vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, máy bay F-35A là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên có khả năng này.

Khác với máy bay chiến đấu tàng hình không-đối-không F-22 Raptor, máy bay F-35A đã luôn được thiết kế để đảm nhiệm vai trò tấn công hạt nhân chiến thuật của máy bay F-16, một máy bay mà F-35A được thiết kế để thay thế. Tuy nhiên, quá trình triển khai tính năng này – cùng với những hệ thống điện và hệ thống liên kết dữ liệu cần thiết để phục vụ những tính năng của bom hạt nhân B61-12 – gắn liền với một chương trình nâng cấp quy mô lớn (và đắt đỏ) mang tên Block 4.

Chứng nhận lần này đồng nghĩa với việc quá trình phát triển và thử nghiệm các tính năng trang bị B61-12 đã được hoàn thiện sau “hơn 10 năm cố gắng”.

Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng cho biết tính năng tấn công hạt nhân được coi là không phụ thuộc vào việc được nâng cấp gói Block 4, và chứng nhận này sẽ được áp dụng cho toàn bộ máy bay F-35 của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, máy bay F-35 không được chứng nhận có khả năng vận hành những bom phi chiến lược B61-3 và B61-4 mà bom B61-12 được thiết kế để thay thế.

Ảnh: Viện Nghiên cứu Quốc gia Los Alamo//Wikimedia Commons.

Không quân Mỹ đã đạt được một phương pháp triển khai bom hạt nhân trọng lực mới nhờ vào khả năng xuyên thủng không phận của F-35 với rủi ro bị phát hiện sớm và bị tấn công bằng các tên lửa đất-đối-không thấp hơn nhiều của máy bay này. F-35 cũng là máy bay thứ hai (bên cạnh F-15E) tương thích với B61-12, một loại bom có tính chính xác và khoảng cách lớn hơn nhiều so với các loại vũ khí tiền nhiệm.

Mặc dù tính năng tàng hình không phải là bất khả xâm phạm – vì có tồn tại những chiến thuật chống lại máy bay tàng hình – một máy bay tàng hình vẫn có tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều trong áp sát mục tiêu để triển khai bom trọng lực cũng như quay trở lại căn cứ so với những máy bay không tàng hình, những máy bay chắc chắn sẽ bị phát hiện từ xa hơn rất nhiều (trừ khi radar của đối phương đã bị phá hoại).

Không quân Mỹ vốn đã vận hành máy bay B-2, một máy bay đánh bom tàng hình tầm xa có khả năng phóng vũ khí hạt nhân bắt đầu được trang bị B61-12 từ tháng 12 năm 2023. Họ cũng đang xúc tiến phát triển loại máy bay kế vị B-21 Raider, được cất cánh lần đầu tiên trong tháng 11 vừa rồi. Bên cạnh đó, họ cũng đã từng vận hành máy bay F-117 Nighthawk có khả năng thả bom B61. Tuy nhiên máy bay F-117 không phải là máy bay chiến đấu, mặc cho ký hiệu ‘F’ trong tên của mình, vì máy bay này chỉ có khả năng đánh bom và hoàn toàn không có khả năng chiến đấu không-đối-không.

Cặp đôi F-35A và B61-12

B61-12 là một phiên bản nâng cấp của những loại bom B61 cũ, cải thiện mạnh mẽ khả năng của các bom này thông qua việc tận dụng các cánh đuôi, tên lửa điều hướng xoay và hệ thống điều hướng thông qua GPS và quán tính. Bản nâng cấp này biến loại bom cũ trở thành một loại bom lượn vừa vô cùng chính xác, vừa có khả năng lượn qua khoảng cách khoảng 24km (trong trường hợp được phóng tại độ cao tối đa).

Tính chính xác được cải thiện khiến loại bom này có tỉ lệ phá hủy thành công cơ sở vũ khí hạt nhân được gia cố trong một đợt tấn công duy nhất cao hơn rất nhiều. Và ngay cả tầm tấn công từ cự ly an toàn khá khiêm tốn của chúng cũng khiến chúng an toàn hơn rất nhiều cho những máy bay trang bị chúng so với các loại bom trọng lực truyền thống. Những mẫu bom cũ hơn được thả trực tiếp từ phía trên mục tiêu, khiến máy bay gặp phải rủi ro bị tấn công bởi hệ thống phòng không cao hơn rất nhiều và thậm chí còn bị phá hủy do vụ nổ hạt nhân từ chính quả bom mà những máy bay này thả.

Yếu tố này cũng áp dụng cho những máy bay chiến đấu tàng hình dễ dàng bị phát hiện bởi cảm biến hồng ngoại và thậm chí radar ở tầm gần. Hơn nữa, máy bay chiến đấu tàng hình có thể bay ở độ cao cao hơn để tận dụng tầm lượn tối đa của B61-12.

Vụ nổ từ một bom B61-12 có thể được tùy chỉnh với đương lượng nổ từ 0.3 kiloton tới 50 kiloton. Để so sánh, bom hạt nhân Little Boy kích nổ tại Hiroshima, Nhật Bản có đương lượng nổ ở mức 15 kiloton.

Bom B61-13 với đương lượng cao lên tới 360 kiloton vẫn đang được phát triển và được dự kiến sẽ được sản xuất ở mức hạn chế. Bom này sẽ kết hợp những tính năng mới của B61-12 với tính năng xuyên đất của phiên bản B61-11, nhưng sẽ được trang bị đặc biệt cho các máy bay đánh bom và sẽ không được tích hợp vào F-35.

230 quả bom hạt nhân chiến thuật B61 của Mỹ là ít hơn nhiều so với số lượng tên lửa hạt nhân chiến thuật tầm xa của họ – và đồng thời, vì là bom trọng lực, chúng không được thiết kế để tấn công từ cự ly an toàn một cách nhanh chóng và dễ dàng, so với tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình.

Ngay cả khi được sử dụng một cách vô cùng hạn chế, vũ khí hạt nhân vẫn có thể mang lại hậu quả khôn lường. May mắn thay, những quan điểm cấm kỵ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân từ sau Thế Chiến II tới nay vẫn hiệu quả, và bất kỳ vũ khí hạt nhân nào – ngay cả những vũ khí hạt nhân “chiến thuật” – được sử dụng cũng sẽ chỉ được sử dụng làm lựa chọn cuối cùng. Kho vũ khí chiến thuật này có vai trò chủ yếu là ngăn ngừa khả năng các quốc gia khác sử dụng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ. Ví dụ như Nga sở hữu tới 1,800 vũ khí hạt nhân phi chiến thuật và coi việc đe dọa sử dụng hoặc sử dụng hạn chế những vũ khí này là một lựa chọn phù hợp để ngăn ngừa bị đánh bại.

Mặc dù vũ khí hạt nhân “chiến thuật” đôi khi được sử dụng nhằm ám chỉ việc tấn công các mục tiêu trên chiến trường, rất ít có khả năng đây là cách Không quân Mỹ sẽ sử dụng chúng. Thay vào đó, chúng có khả năng sẽ được sử dụng để phá hủy cơ sở trang bị vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học và những hệ thống điều hành và kiểm soát liên quan nhằm đáp trả cho một vụ tấn công hạt nhân, hay tấn công đáp trả sớm cho một vụ tấn công hạt nhân sắp xảy ra.

Ngay cả trong trường hợp này, vì Mỹ vốn đã có vũ khí phá hầm trú ẩn phi hạt nhân có hiệu quả cao đối với các cơ sở vũ khí được gia cố, những vũ khí hạt nhân này có thể chỉ trở thành lựa chọn phù hợp khi đối mặt với lượng lớn các bệ phóng vũ khí hủy diệt hàng loạt không thể bị phá hủy kịp thời bằng các cuộc tấn công bằng vũ khí truyền thống.

Khả năng hạt nhân của F-35 đã dẫn tới những nhóm vận động địa phương phản đối xây dựng căn cứ F-35 mới, đặt biệt là tại Vermont, vì lý do chúng sẽ đưa khu vực này vào tầm ngắm tấn công hạt nhân của Nga và Trung Quốc. Lầu Năm Góc không hề tiết lộ những phi đội máy bay chiến đấu nào của họ được huấn luyện và trang bị để sẵn sàng cho sứ mệnh triển khai hạt nhân. Tuy nhiên, cũng đáng lưu tâm rằng hàng trăm máy bay chiến đấu phi tàng hình F-15 và F-16 có khả năng tấn công hạt nhân được rải rác trên toàn nước Mỹ, do đó, F-35 không hề đề ra thay đổi nào trên phương diện này.

Nguyễn Quang Minh (theo Popular Mechanics)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/f-35-cua-my-duoc-chung-nhan-mang-bom-hat-nhan-a653539.html