EU trừng phạt Nga nhưng kim cương trở thành ngoại lệ

Để có thể nhanh chóng tung ra các gói trừng phạt nhằm vào Nga, châu Âu phải chấp nhận để một số lĩnh vực nằm ngoài danh sách cấm vận, bất chấp nỗ lực của phe cứng rắn trong khối.

 Kim cương tại một cơ sở của công ty Alrosa (Nga), doanh nghiệp do nhà nước Nga sở hữu. Ảnh: New York Times.

Kim cương tại một cơ sở của công ty Alrosa (Nga), doanh nghiệp do nhà nước Nga sở hữu. Ảnh: New York Times.

Khi cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài gần 8 tháng, bản danh sách trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã dài hàng trăm trang, bao gồm 1.236 cá nhân, 155 doanh nghiệp và gần 1.000 lĩnh vực kinh doanh.

Dù vậy, một số mặt hàng và dịch vụ vẫn vắng mặt một cách kỳ lạ trong danh sách - từ kim cương, nhiên liệu hạt nhân tới dịch vụ vận chuyển dầu của Nga trên biển - New York Times chỉ ra. Đây là kết quả của 8 vòng đàm phán giữa các nước thành viên EU, vốn vừa muốn trừng phạt Moscow, vừa muốn bảo vệ nền kinh tế của mình.

Khó có thể đánh giá chính xác cán cân lợi ích - chi phí của những mặc cả này. Dù vậy, nếu không có chúng, các nước thành viên EU khó có thể tung ra các gói cấm vận với tốc độ nhanh như vậy.

Từ kim cương tới uranium

Thành công của Bỉ trong việc giữ kim cương nằm ngoài danh sách trừng phạt - bất chấp mong muốn của phe cứng rắn trong EU - là biểu tượng của sự đánh đổi mà khối này phải thực hiện để đảm bảo sự thống nhất.

Xuất khẩu kim cương thô là một trong những nguồn cung ngoại tệ quý báu của Nga. Trong đó, cảng Antwerp của Bỉ từ lâu đã là một trạm trung chuyển quan trọng.

Ngành kinh doanh trị giá khoảng 1,75 tỷ USD này đã né tránh thành công 8 gói trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga, bất chấp các ý kiến được đưa ra ngay sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” hồi cuối tháng 2.

 Thành phố Antwerp (Bỉ) là trung tâm buôn bán kim cương nổi tiếng thế giới. Ảnh: New York Times.

Thành phố Antwerp (Bỉ) là trung tâm buôn bán kim cương nổi tiếng thế giới. Ảnh: New York Times.

Chính phủ Bỉ cho biết họ chưa bao giờ yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa kim cương ra khỏi danh sách cấm vận. Brussels tuyên bố sẽ tuân thủ nếu mặt hàng này được thêm vào danh sách.

Chia sẻ với New York Times, một số nhà ngoại giao giấu tên cho biết Ủy ban châu Âu hồi tháng 9 đã không coi kim cương là mặt hàng bị cấm vận khi soạn thảo gói trừng phạt. Dù vậy, cơ quan đối ngoại châu Âu vẫn đưa công ty kim cương Alrosa của Nga vào danh sách của họ.

Điều này sớm được Ba Lan và các nước thuộc phe “cứng rắn” với Nga nhận ra. Ban đầu, họ cố gắng đảm bảo Alrosa vẫn sẽ bị trừng phạt. Dù vậy, nhu cầu thống nhất và tốc độ cuối cùng đã thắng thế. Gói cấm vận thứ 8 đã được thông qua vào ngày 5/10, Reuters cho biết.

Tuy nhiên, Warsaw và các đồng minh vẫn không bỏ cuộc. Họ tiếp tục đề xuất đưa kim cương vào danh sách gói cấm vận thứ 9 của EU với Nga. Quá trình đàm phán chính thức vẫn chưa bắt đầu.

Nếu hoãn trừng phạt ngành kim cương chỉ đem lại lợi ích chính cho Bỉ, lĩnh vực nhiên liệu hạt nhân phức tạp hơn vì ảnh hưởng tới nhiều quốc gia.

Các nhà máy điện hạt nhân tại Pháp, Hungary, Slovakia, Phần Lan và một số nước khác vẫn dựa vào nguồn xuất khẩu uranium dân sự từ Nga để hoạt động. Theo tổ chức phi chính phủ Greenpeace, tổng kim ngạch nhập khẩu lên tới gần 200 triệu USD.

 Nhà máy điện hạt nhân Tricastin ở Đông Nam nước Pháp. Pháp là một trong số các nước châu Âu vẫn nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân dân sự từ Nga. Ảnh: New York Times.

Nhà máy điện hạt nhân Tricastin ở Đông Nam nước Pháp. Pháp là một trong số các nước châu Âu vẫn nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân dân sự từ Nga. Ảnh: New York Times.

Đức và một số nước thành viên EU khác đã lên tiếng ủng hộ cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân dân sự của Nga - do đó vấn đề này nhiều khả năng sẽ được đưa ra khi đàm phán về gói trừng phạt sắp tới.

Trong khi đó, những người ủng hộ tiếp tục nhập khẩu chỉ ra việc đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân vận hành giữa cuộc khủng hoảng năng lượng quan trọng hơn nhiều so với lợi ích về chính trị của lệnh trừng phạt, ít nhất là vào lúc này.

EU không thể làm khác

Một trong những vấn đề phức tạp nhất liên quan đến các lệnh cấm vấn từng được các nước châu Âu bàn thảo là đội tàu của Hy Lạp, vốn thường xuyên chở dầu của Nga đến các địa điểm bên ngoài châu Âu. Theo dữ liệu của MarineTraffic, hơn một nửa số tàu chuyên chở dầu Nga nằm dưới quyền sở hữu của Hy Lạp.

Theo ngành hàng hải Hy Lạp, nếu họ dừng chở dầu Nga, các công ty khác sẽ nhảy vào giành thị phần. Trong khi đó, phe phản đối cho rằng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng khi đội tàu Hy Lạp đang nắm quyền kiểm soát quá lớn.

Theo các nguồn tin tham gia đàm phán, trong các cuộc thảo luận gay go hồi giữa năm nay, giới ngoại giao Hy Lạp đã thành công khi giúp ngành vận tải biển nước này được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận liên quan tới dầu Nga.

Kể từ thời điểm đó, EU cũng đã tham gia sáng kiến của Mỹ nhằm đảm bảo việc vận chuyển dầu khí của Nga để tránh cuộc khủng hoảng trên thị trường dầu thế giới. Đổi lại, Brussels và Washington mong muốn áp đặt giá trần để hạn chế nguồn thu mà Moscow có được.

 Tàu chở dầu Minerva Virgo của Hy Lạp. Giới chức Hy Lạp đã vận động để đội tàu nước này vẫn có thể vận chuyển dầu Nga. Ảnh: Reuters.

Tàu chở dầu Minerva Virgo của Hy Lạp. Giới chức Hy Lạp đã vận động để đội tàu nước này vẫn có thể vận chuyển dầu Nga. Ảnh: Reuters.

Theo thỏa thuận, để nhận được nhượng bộ của EU, Hy Lạp đồng ý cấm chở các lô dầu Nga được bán với mức giá cao hơn giá trần. Một cuộc điều tra của các nhà báo Hy Lạp hồi cuối tháng 9 cho thấy đội tàu nước này thậm chí còn đang vận chuyển dầu của Nga nhiều hơn thời điểm EU ban hành lệnh cấm, theo DW.

“Đây là cái giá phải trả cho sự thống nhất - điều giúp liên minh này gắn kết. Nhìn rộng ra, các lệnh trừng phạt đang thực sự có hiệu quả”, ông Jacob Kirkegaard, nhà nghiên cứu tại quỹ Marshall Đức (GMF), nhận định về thỏa thuận giữa các nước thành viên EU.

“Chúng ta muốn mọi thứ có tên, từ kim cương tới mọi lợi ích đặc biệt khác. Tuy vậy, theo quan điểm của tôi, bỏ qua chúng là cách giúp giữ các nước lại với nhau, nên là điều cần làm”, vị chuyên gia nói.

Trong khi lợi ích kinh tế của các biện pháp miễn trừ khó có thể được xác định chính xác, chúng chắc chắn khiến một số nước thành viên EU không hài lòng - nhất là những quốc gia chấp nhận hy sinh nguồn thu và việc làm của người dân để các đối tác có thể bảo vệ lợi ích của mình.

Điều này cũng khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa phe cứng rắn - thường là những nước nhận thấy mối đe dọa từ Nga lớn hơn - và phe ôn hòa trong khối. Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng EU có thể phải nhận lấy hậu quả trong tương lai.

“Đây có thể chỉ là tính toán về lợi ích quốc gia, nhưng sẽ còn để lại tác động lâu dài”, ông Kirkegaard nói. “Đối với những ai không muốn hy sinh để đóng góp, khi có cuộc tranh luận về ngân sách hay điều gì khác, quyết định này sẽ quay trở lại ám ảnh họ”.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/eu-trung-phat-nga-nhung-kim-cuong-tro-thanh-ngoai-le-post1366568.html