EU tiến thêm một bước để luật hóa tài sản mã hóa!

Cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban châu Âu, Hội đồng Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận 'tạm thời' đặc biệt quan trọng, liên quan tới công nghiệp tiền mã hóa (cryptocurrency) ở Liên minh châu Âu.Thỏa thuận MICA cùng với Luật về luân chuyển tài sản đang đặt Liên minh châu Âu vào vị trí hàng đầu thế giới trong việc quản lý tài sản mã hóa. MICA đối với lĩnh vực tiền mã hóa có thể được so sánh với RGPD – quy chế của châu Âu nhằm tăng cường, củng cố bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thỏa thuận này được gọi tắt là MICA (Markets in crypto – assets – thị trường tài sản mã hóa), và nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng trước những nguy cơ liên quan tới đầu tư vào tài sản mã hóa, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực còn mới mẻ này.

Thỏa thuận này bắt nguồn từ đề xuất của Malte, Pháp và Luxembourg, ba quốc gia châu Âu đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng luật quản lý thị trường tài sản mã hóa. MICA là kết quả một dự án xây dựng luật bắt đầu từ năm 2019, khi Ủy ban châu Âu tổ chức tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực tiền mã hóa và blockchain, về việc xây dựng các quy định pháp lý quản lý tài sản mã hóa. Đến năm 2020, một dự thảo xây dựng luật đã được Ủy ban châu Âu đưa ra.

Thỏa thuận MICA của năm 2022, cùng với Luật về luân chuyển tài sản (TFR – Transfer of Funds Regulation) đang đặt Liên minh châu Âu (EU) vào vị trí hàng đầu thế giới trong việc quản lý tài sản mã hóa. MICA đối với lĩnh vực tiền mã hóa có thể được so sánh với RGPD – quy chế của châu Âu nhằm tăng cường, củng cố bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Xin nhắc lại rằng, sự ra đời của công nghệ blockchain và tiền mã hóa cùng với vô số các ứng dụng thực tế của nó dẫn đến nhu cầu có khung pháp lý quản lý thị trường này. Hiện nay, ở phần lớn các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Canada, tiền mã hóa được coi là hợp pháp (trong khi đó, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định điều chỉnh tiền mã hóa hay thừa nhận tính pháp lý của tiền mã hóa). Tuy nhiên, ở phần lớn các quốc gia hiện nay, tiền mã hóa chưa được quy định cụ thể.

Những quan ngại về thiếu an toàn dữ liệu, lừa đảo, rửa tiền… liên quan tới tiền mã hóa ngày càng tăng. Ví dụ, năm 2017, một nhà nghiên cứu của Đại học Cornell đã phát hiện lỗ hổng an ninh của blockchain Ethereum, có thể giúp các tin tặc (hacker) lấy cắp tiền mã hóa giá trị hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Tương tự, Công ty Ledger của Pháp chuyên về ví bảo vệ tài sản mã hóa cũng bị lộ cả triệu địa chỉ e-mail sau một vụ tấn công an ninh. Theo công ty chuyên về phân tích blockchain Chainalysis, các hoạt động giao dịch tài sản mã hóa phi pháp có giá trị lên tới 2,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019, tăng gần 2 tỉ đô la so với năm 2018.

Hiện nay, chưa có cơ quan tập trung hóa nào quản lý tiền mã hóa. Giá trị của loại tài sản này phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị quyết định bởi chủ tài sản, cũng như bởi các nhà đầu tư. Khi có rắc rối hay tranh chấp xảy ra, các nhà đầu tư thường khó viện dẫn các điều luật hiện hành để bảo vệ lợi ích của bản thân.

Trong lĩnh vực này, để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhà đầu tư cũng như để khuyến khích phát triển thị trường tài sản mã hóa, EU nỗ lực đưa loại hình tài sản này, cũng như các nhà phát hành và nhà cung cấp dịch vụ liên quan tới tiền mã hóa vào một khuôn khổ pháp lý hợp lý và linh động.

Ở thời điểm này, một số quốc gia trong EU cũng đã thông qua một số quy định pháp lý về tài sản mã hóa, vì thế tổ chức này càng có nhu cầu sớm thông qua một đạo luật chung cho cả liên minh.

Một số điểm nổi bật của MIRA sẽ được phân tích dưới đây.

ICO (Initial Coin Offering – đợt phát hành coin đầu tiên). MICA cho phép thực hiện ICO khi nhà phát hành tiền mã hóa đáp ứng được hai tiêu chí. Thứ nhất, nhà phát hành phải là tổ chức có tư cách pháp nhân tại một trong các nước thành viên của EU. Thứ hai, nhà phát hành phải chuẩn bị và gửi Sách trắng (white paper) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để cơ quan này nắm được các thông tin căn bản của ICO.

Người mua tiền mã hóa cũng sẽ có quyền rút lại quyết định mua trong vòng 14 ngày kể từ ngày mua, và nhà phát hành phải hoàn trả lại tiền mà không được thu bất cứ khoản phí nào khác.

Stablecoin. Stablecoin – “đồng tiền ổn định” cũng là một loại tiền mã hóa được phát triển trên blockchain và có giá trị ổn định. MICA phân biệt hai loại stable coin: ART (asset-referenced token) – loại token neo giá trị vào tiền pháp định (fiat), vào mặt hàng thiết yếu hay vào tài sản mã hóa) và EMT (electronic money token – e-money token) – loại token có mục đích chính là phương thức thanh toán, và neo giá trị vào tiền pháp định.

MICA đặt ra giới hạn đối với việc phát hành loại tiền này, nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính châu Âu. Người mua EMT được quyền yêu cầu nhà phát hành hoàn tiền mua EMT ở bất cứ thời điểm nào – bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Nhà phát hành EMT vì thế phải có nghĩa vụ có lượng tiền giá trị tương ứng, nếu không sẽ bị cơ quan chức năng áp dụng tiền phạt tới 15% tổng doanh thu hàng năm.

Việc phát hành loại tiền ART neo giá vào đồng euro sẽ phải được sự cho phép của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Các nhà phát hành sẽ buộc phải có tư cách pháp nhân đặt ở trong lãnh thổ EU và còn phải được sự cho phép của cơ quan chức năng, sau khi cơ quan này thẩm tra Sách trắng miêu tả mô hình công ty, bộ phận quản lý cũng như danh tính của các thành viên trong ban quản lý công ty. Người mua loại tiền ART cũng được hưởng khả năng yêu cầu hoàn trả, theo một thủ tục cụ thể.

Nhà cung cấp dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ liên quan tới tiền mã hóa, theo quy định của MICA, sẽ phải được sự cho phép trước đó của cơ quan chức năng quốc gia, để có thể tham gia vào thị trường châu Âu. Cơ quan Thị trường và Chứng khoán châu Âu (ESMA) sẽ giám sát hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ quy mô lớn (có khoảng từ 15 triệu người dùng trở lên).

Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải tuân thủ theo Luật về luân chuyển tài sản của EU (TRF). Theo đó, họ có nghĩa vụ lưu giữ dữ liệu liên quan tới người nhận tài sản mã hóa được luân chuyển, nhằm giúp các cơ quan chức năng chống lại các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.

NFT. NFT không được đề cập đến trong MICA, vì loại token này gắn với các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc. Theo Ủy ban châu Âu, NFT chỉ được quy định bởi MICA khi nó thuộc vào một trong các loại tài sản mã hóa theo quy định của MICA.

Trong thời hạn là 18 tháng, Hội đồng EU sẽ đánh giá lại vấn đề này một cách toàn diện hơn, và quyết định có cần thiết xây dựng một khung pháp lý riêng cho NFT hay không.

Blockchain và bảo vệ môi trường. Các công ty tham gia vào thị trường tài sản mã hóa sẽ phải công bố các thông tin liên quan tới tác động của tài sản mã hóa tới môi trường và biến đổi khí hậu. Trong vòng hai năm tới, Hội đồng EU sẽ phải đưa ra một báo cáo về chủ đề này và ấn định các quy định cụ thể để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Qua MICA, có thể thấy nỗ lực của EU quản lý chặt chẽ thị trường tiền mã hóa, nhưng đồng thời khuyến khích thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực mới mẻ này.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/eu-tien-them-mot-buoc-de-luat-hoa-tai-san-ma-hoa/