EU thống nhất tăng cường hỗ trợ phòng không cho Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hôm qua (18/4) đã ra tuyên bố tái khẳng định ưu tiên hỗ trợ quân sự, cải thiện năng lực phòng không cho Ukraine và thúc đẩy việc thành lập liên minh thị trường vốn chung châu Âu.

Trong thông cáo đưa ra sau Hội nghị, lãnh đạo 27 nước thành viên EU tiếp tục nhấn mạnh sự ủng hộ tuyệt đối về quân sự dành cho Ukraine. EU sẽ thúc đẩy hợp tác nội khối và với Ukraine trong các lĩnh vực phòng thủ mạng, an ninh biên giới cũng như cung cấp đạn dược, vũ khí phòng thủ và nhất là tăng cường liên minh phòng không do Pháp và Đức dẫn đầu.

Phát biểu tại phiên họp báo, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo phương Tây sẽ cung cấp thêm cho Ukraine 7 tổ hợp phòng không Patriot.

“Chúng tôi dự kiến sẽ chuyển thêm cho Ukraine 7 tổ hợp phòng không Patriot. Một trong số này sẽ là do Đức cung cấp và số còn lại sẽ đến từ các nước thành viên NATO khác”.

EU sẽ hướng tới thành lập một liên minh thị trường vốn hay một thị trường tài chính chung với mục tiêu giữ chân các nhà đầu tư tại châu Âu. Ảnh: Euractiv

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết ngoài tổ hợp phòng không Patriot, Đức cũng sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không IRIS-T et Skynex cùng đạn dược tương thích đi kèm.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố EU sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối Nga, ủng hộ đề xuất sử dụng các nguồn thu từ tài sản bị phong tỏa của Nga để chuyển cho Ukraine. Ngoài ra, EU sẽ thiết lập một cơ chế trừng phạt mới đối với những thực thể có ý đồ thao túng thông tin và tạo ra các hình thức gây bất ổn hoặc can thiệp chính trị tại châu Âu trong bối cảnh cuộc bầu cử châu Âu chuẩn bị diễn ra trong 2 tháng nữa.

Các nhà lãnh đạo châu Âu thống nhất cần thúc đẩy một “Hiệp ước cạnh tranh mới” để thu hẹp khoảng cách về kinh tế trước các đối thủ lớn là Mỹ và Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 300 tỷ euro tiền đầu tư châu Âu chảy ra nước ngoài và phần nhiều là hướng đến Mỹ.

Theo đó, EU sẽ hướng tới thành lập một liên minh thị trường vốn hay một thị trường tài chính chung với mục tiêu giữ chân các nhà đầu tư tại châu Âu cũng như huy động được một phần trong tổng số ước tính lên đến 33 nghìn tỷ euro tiền tiết kiệm của người dân châu Âu để chuyển đổi thành các khoản đầu tư cần thiết cho các doanh nghiệp phục vụ các mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, một số thành viên nhỏ như Ireland và Luxembourg bày tỏ lo ngại rằng liên minh thị trường vốn chung sẽ tập trung quyền lực điều tiết vào các nước lớn như Đức và Pháp.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh cũng bộc lộ bất đồng trong nội bộ EU xung quanh biện pháp vay nợ chung từng được áp dụng để phục hồi kinh tế hậu Covid-19 để thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng chung châu Âu và hỗ trợ Ukraine giữa bên ủng hộ gồm các thành viên Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ với bên phản đối do Đức đứng đầu cùng Hà Lan và các nước Bắc Âu.

Liên quan đến tình hình Trung Đông, các nước EU nhất trí mở rộng các biện pháp trừng phạt Iran với mục tiêu ngăn chặn việc sản xuất và chuyển giao tên lửa và máy bay không người lái của Iran cho Nga và các lực lượng ủy nhiệm tại Trung Đông. EU cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, tái khẳng định cam kết ủng hộ một nền hòa bình lâu dài và bền vững dựa trên giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại.

Mạnh Hà/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/eu-thong-nhat-tang-cuong-ho-tro-phong-khong-cho-ukraine-post1090152.vov