EU 'đoạn tuyệt' với dầu Nga, Moscow vẫn ung dung, quốc gia nào muốn 'theo chân' châu Âu?

Moscow tuyên bố sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác ngay sau khi Liên minh châu ÂU (EU), khối thương mại lớn nhất thế giới, đạt được nhất trí về việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu tới 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay.

Các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cấm hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. (Nguồn: Getty)

Các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cấm hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. (Nguồn: Getty)

Quyết định mang tính bước ngoặt

Ngày 30/5, tại Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo liên minh đã đồng ý cấm hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Đây là một phần của các biện pháp mới nhất nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Lệnh cấm vận trên sẽ không cho phép việc mua dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga nếu giao hàng cho các nước thành viên EU bằng đường biển, nhưng bao gồm một điều khoản miễn trừ tạm thời cho phép tiếp tục nhập khẩu dầu Nga qua đường ống. Theo Bloomberg, quyết định này sẽ khiến Nga mất 10 tỷ USD doanh thu xuất khẩu mỗi năm.

Gói trừng phạt thứ 6 này của EU đối với Nga đã bị trì hoãn từ lâu bởi trước đó nó chưa được sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU, Đại sứ Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, Áo, cho biết, lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga đã phản ánh sự chia rẽ trong EU.

Đề cập đích danh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, ngày 31/5, Đại sứ Ulyanov viết trên Twitter: “Như hôm qua bà ấy đã nói, Nga sẽ tìm kiếm các nhà nhập khẩu khác”.

Hoan nghênh thỏa thuận của khối về các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Nga, bà Von der Leyen cho biết, chính sách này sẽ cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào EU vào cuối năm nay và sớm quay trở lại với 10% dầu còn lại được vận chuyển bằng đường ống.

Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga - quốc gia đóng vai trò lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Chắc chắn, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sang các thị trường toàn cầu. Nga cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới.

Trong bối cảnh xung đột, các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi EU áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu và khí đốt của Nga.

Ngày 31/5, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã kêu gọi EU tiến xa hơn nữa và thảo luận về viễn cảnh cấm vận khí đốt của Nga trong vòng trừng phạt tiếp theo.

Tuy nhiên, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã đột ngột bác bỏ ý kiến trên và nói rằng, đây không phải là một chủ đề để thảo luận trong loạt biện pháp trừng phạt tiếp theo.

Sự chia rẽ diễn ra khi những người mua khí đốt của Hà Lan và Đan Mạch cảnh báo, tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt ngay sau khi có yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble.

'Điều tốt nhất có thể đạt được'

Trong bối cảnh EU đồng thuận về gói cấm vận dầu mỏ Nga, sáng 31/5, giá dầu thế giới đã tăng vọt.

Giá dầu thô Brent giao sau chuẩn quốc tế tăng 1,7% lên 123,76 USD/thùng trên thị trường London (Anh) trong khi giá dầu Brent tương lai của Mỹ tăng 3,5% lên 119,04 USD/thùng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, thỏa hiệp về các lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga đã tái khẳng định sự thống nhất của khối trước chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Trước đó, nhiều người cho rằng việc EU không đảm bảo được bất kỳ thỏa thuận nào có thể là một chiến thắng cho ông Putin.

Hôm 31/5, trong chương trình “Squawk Box Europe” của CNBC, Adi Imsirovic, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu năng lượng của Oxford, nhận định: “Tôi nghĩ, đó là điều tốt nhất có thể đạt được”.

Theo ông Imsirovic, quyết định của EU mở đường cho khối, cùng với Mỹ, gây áp lực lên các nước nhập khẩu năng lượng khác, chẳng hạn như Ấn Độ, áp đặt các biện pháp cấm vận tương tự đối với dầu của Nga.

Ông nói thêm: “Trước đây, điều đó là không thể bởi vì rất khó để yêu cầu Ấn Độ từ bỏ hàng nhập khẩu của họ nếu chính châu Âu không làm điều đó. Vì vậy, tôi nghĩ điều này rất quan trọng từ quan điểm chính trị”.

Reuters trích dẫn dữ liệu của dịch vụ giải pháp công nghệ Refinitiv Eikon cho thấy, Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, đã tăng mua dầu Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng Hai.

Nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á đã bác bỏ những lời chỉ trích về việc họ tiếp tục mua năng lượng của Nga, cho rằng việc ngừng đột ngột nhập khẩu dầu của Moscow cuối cùng sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng.

Cũng theo Reuters, Trung Quốc được cho là đang âm thầm tăng cường mua dầu từ Nga với giá chiết khấu. Dường như nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đang cố gắng lấp đầy khoảng trống do những người mua phương Tây để lại khi họ cắt đứt quan hệ với Nga.

Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga - quốc gia đóng vai trò lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. (Nguồn: Inquirier)

Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga - quốc gia đóng vai trò lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. (Nguồn: Inquirier)

Gói cấm vận thứ 6 còn gồm những gì?

Trong gói trừng phạt mới nhất, cùng với lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, EU đã đồng ý về các biện pháp nhằm loại Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, khỏi hệ thống nhắn tin toàn cầu SWIFT và cấm thêm ba đài truyền hình thuộc sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, theo bà von der Leyen, EU cũng áp đặt lệnh cấm các công ty của khối này thực hiện bảo hiểm và tái bảo hiểm các tàu Nga.

Chuyên gia Imsirovic nói: “Tôi nghĩ là chưa được đề cập nhiều, gói này gần như chắc chắn sẽ bao gồm cả lệnh cấm bảo hiểm vận chuyển. Tôi chưa thấy chi tiết về điều đó nhưng gần như chắc chắn rằng nó sẽ được đưa vào”.

Ông ước tính rằng khoảng 95% hợp đồng bảo hiểm vận chuyển đối với dầu của Nga được thực hiện ở châu Âu, chủ yếu ở London. “Vì vậy, điều đó thực sự không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga sang châu Âu mà còn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga ở mọi nơi khác”.

Trước đó, nhằm đáp trả Moscow vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU đã áp đặt 5 gói trừng phạt đối với Nga, bao gồm hạn chế quyền tiếp cận thị trường vốn, đóng băng tài sản ngân hàng trung ương Nga, loại trừ các tổ chức tài chính nước này khỏi SWIFT và cấm nhập khẩu than của Nga và các mặt hàng khác.

(theo CNBC)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-doan-tuyet-voi-dau-nga-moscow-van-ung-dung-quoc-gia-nao-muon-theo-chan-chau-au-185610.html