EU 'đau đáu' nghĩ cách trừng phạt Nga, tiền của châu Âu đang 'đổ' vào Điện Kremlin theo cách này

Bất chấp một loạt lệnh trừng phạt hiện đang được áp dụng đối với Nga, các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đổ hàng tỷ USD vào các công ty khai thác mỏ có liên hệ với Điện Kremlin.

Từ tháng 3/2022 đến tháng 7 năm nay, châu Âu đã nhập khẩu nguyên liệu thô quan trọng trị giá 13,7 tỷ Euro từ Nga. (Nguồn: TASS)

Từ tháng 3/2022 đến tháng 7 năm nay, châu Âu đã nhập khẩu nguyên liệu thô quan trọng trị giá 13,7 tỷ Euro từ Nga. (Nguồn: TASS)

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng 11 gói trừng phạt, nhắm vào các nguyên liệu thô bao gồm dầu, than, thép và gỗ. Tuy nhiên, các loại khoáng sản mà EU coi là nguyên liệu thô quan trọng - tổng cộng có 34 loại - vẫn được tự do chảy từ Nga sang châu Âu với số lượng lớn.

Trong khi một số đồng minh phương Tây nhắm mục tiêu vào lĩnh vực khai thác mỏ của Nga, đơn cử như Vương quốc Anh gần đây đã cấm đồng, nhôm và niken của Nga, thì EU vẫn tiếp tục nhập khẩu. Airbus và các công ty châu Âu khác đang mua titan, niken và các mặt hàng khác từ các công ty thân cận với Điện Kremlin, hơn một năm sau chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cậy nhờ bên thứ ba

Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) và Trung tâm nghiên cứu chung của EU cho thấy từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, châu Âu đã nhập khẩu nguyên liệu thô quan trọng trị giá 13,7 tỷ Euro từ Nga.

7 tháng đầu năm nay, hơn 3,7 tỷ Euro từ EU đã chảy sang Nga, trong đó có 1,2 tỷ Euro dùng để mya niken. Có tới 90% loại niken được sử dụng ở châu Âu đến từ các nhà cung cấp của Moscow.

Tại một hội nghị diễn ra hồi tháng 9, Đặc phái viên của EU về các biện pháp trừng phạt David O'Sullivan nhấn mạnh: "Tại sao các nguyên liệu thô quan trọng không bị cấm? Bởi vì chúng rất quan trọng".

Khối 27 thành viên đang khao khát có được những nguyên liệu thô quan trọng để đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050. Những mặt hàng này rất cần thiết đối với thiết bị điện tử, tấm pin mặt trời và ô tô điện, cũng như đối với các ngành công nghiệp truyền thống như hàng không vũ trụ và quốc phòng.

Tuy nhiên, tất cả những mặt hàng này nguồn cung khan hiếm, không đồng đều trên toàn cầu.

Phân tích dữ liệu hải quan Nga cho thấy, Vsmpo-Avisma - nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới - đã bán ít nhất 308 triệu USD titan vào EU thông qua các chi nhánh ở Đức và Anh trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2023. Công ty này thuộc sở hữu một phần của tập đoàn quốc phòng Nga.

Trong số các khách hàng châu Âu lớn nhất của Vsmpo-Avisma có Airbus, gã khổng lồ hàng không vũ trụ thuộc sở hữu một phần của các quốc gia Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đến tháng 3/2023, Airbus đã nhập khẩu titan trị giá ít nhất 22,8 triệu USD từ Nga; giá trị và tấn tăng gấp 4 lần so với 13 tháng trước.

Người phát ngôn của Airbus cho biết: “Airbus hiện đang tăng cường sản xuất máy bay thương mại và điều này đang có tác động đến tổng khối lượng mua titan của hãng. Mặc dù sẽ mất thời gian nhưng tập đoàn đang giảm sự phụ thuộc vào Nga".

Công ty nhôm khổng lồ Rusal cũng sử dụng các thiên đường thuế để đưa khoáng sản sang châu Âu. Các công ty thương mại có trụ sở tại Jersey và Thụy Sỹ đã mang ít nhất 2,6 tỷ USD nhôm vào khối trong 16 tháng sau xung đột Nga-Ukraine. Vào tháng 8/2023, Rusal cho biết, châu Âu vẫn chiếm 1/3 doanh thu của công ty này.

Tờ Financial Times của Anh nhận định, nguồn cung cấp qua các nước thứ ba đã che giấu sự phụ thuộc thực sự của EU vào nguyên liệu thô từ Nga. Một minh chứng cho điều này là Công ty Glencore của Thụy Sỹ đã cung cấp hàng nghìn tấn đồng của Nga sang Italy thông qua Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2023.

Theo các tài liệu hải quan và ảnh chụp mà Financial Times thu thâp được, một nhà kinh doanh kim loại và dầu mỏ niêm yết ở London đã mua ít nhất 5.000 tấn đồng tấm do Công ty Khai thác và Luyện kim Ural (UMMC) của Nga sản xuất. Những sản phẩm này đã được xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang cảng Livorno của Italy vào tháng 7.

"Những thỏa thuận như vậy nêu bật sự phụ thuộc của châu Âu vào hàng hóa quan trọng của Nga, cũng như vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ như một trung tâm trung chuyển. Một số quan chức châu Âu cho rằng thương mại với Nga thông qua các nước thứ ba như Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ làm giảm hiệu quả các biện pháp trừng phạt của phương Tây", báo Anh nhấn mạnh.

Vsmpo-Avisma - nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới - đã bán ít nhất 308 triệu USD titan vào EU thông qua các chi nhánh ở Đức và Anh trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2023. (Nguồn: Getty Images)

Vsmpo-Avisma - nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới - đã bán ít nhất 308 triệu USD titan vào EU thông qua các chi nhánh ở Đức và Anh trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2023. (Nguồn: Getty Images)

Trừng phạt giảm "sức nặng"

Theo Investigate Europe, các biện pháp trừng phạt của EU đòi hỏi sự nhất trí giữa tất cả các quốc gia thành viên, vì vậy, các gói trừng phạt của khối sẽ giảm "sức nặng". Tháng 12/2022, EU ban hành gói trừng phạt thứ 9 cấm đầu tư mới vào lĩnh vực khai thác mỏ của Nga và việc miễn đầu tư vào một số hoạt động khai thác đối với một số nguyên liệu thô quan trọng. Kết quả là các công ty châu Âu vẫn đổ tiền vào các mỏ của Nga để khai thác niken, titan và các kim loại quan trọng khác.

Việc EU "từ mặt" các nguyên liệu thô quan trọng của Nga là hành trình khó khăn. Khối 27 thành viên rất khó để tìm được đối tác mới. Tìm kiếm một nguyên liệu thô có chất lượng và giá cả tương tự như nguyên liệu từ Nga cũng là một thách thức lớn.

Investigate Europe nhận thấy, không giống như khí đốt, EU không thể áp dụng thuế quan ngay lập tức hoặc dừng nhập hàng từ Nga quá nhanh. Điều này có thể dẫn đến sự tăng giá toàn cầu, gây tổn hại cho người mua châu Âu và mang lại lợi ích cho Moscow.

Ông Tymofiy Mylovanov, hiệu trưởng Trường Kinh tế Kyiv cho rằng, lệnh cấm nói trên sẽ khó thực hiện do những thách thức về nhu cầu toàn cầu và sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga.

Hiện tại, EU đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của mình. Vào tháng 3, Ủy ban châu Âu đã trình bày Đạo luật Nguyên liệu thô Quan trọng (CRMA), một đạo luật mới nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào các nước thứ ba đối với các nguyên liệu thô quan trọng.

Khối cũng sẽ đề xuất gói trừng phạt thứ 12 nhắm vào Nga trong những tuần tới. Brussels hy vọng, gói này sẽ gây áp lực mới lên nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, những hạn chế đối với các nguyên liệu thô quan trọng dường như không được cân nhắc trong gói trừng phạt này.

(theo Investigate Europe, FT)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-dau-dau-nghi-cach-trung-phat-nga-tien-cua-chau-au-dang-do-vao-dien-kremlin-theo-cach-nay-248388.html