EU chính thức xác nhận phương pháp tiếp cận 'kết hợp' về vắc xin

Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (ECDC) ra thông cáo báo chí cho biết, hai cơ quan này đã chính thức khuyến nghị phương pháp tiếp cận “kết hợp các loại vắc xin” đối với việc tiêm chủng ngừa COVID-19 và liều tăng cường.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Bỉ, đã bắt đầu sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 khác với vắc xin ban đầu để tiêm liều tăng cường. Phương pháp này hiện đã được EMA và ECDC chính thức khuyến nghị.

Nhà virus học người Bỉ, Steven Van Gucht nói: “Những cơ quan chuyên môn về y tế của EU luôn thận trọng hơn một chút trước khi chấp nhận một cách chính thức, thực tế đã cho thấy đây là một chiến lược rất tốt”.

Để cung cấp cơ sở khoa học và tính linh hoạt hơn nữa cho các chương trình tiêm chủng, EMA và ECDC đã xem xét các bằng chứng thực tế có sẵn và phát hiện ra rằng vắc xin vectơ virus (chẳng hạn như vắc xin của các hãng AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson) kết hợp với vắc xin mRNA (của Pfizer hoặc Moderna) tạo ra “Mức độ kháng thể tốt” và phản ứng tế bào T cao hơn so với việc chỉ sử dụng cùng một loại vắc xin.

Điều này đã được xác nhận đối với liệu trình vắc xin ban đầu (sử dụng các loại vắc xin khác nhau cho liều thứ nhất và thứ hai) cũng như đối với mũi tiêm nhắc lại.

Theo chuyên gia Van Gucht, việc sử dụng các loại vắc xin khác nhau đều an toàn và thậm chí có thể cung cấp khả năng miễn dịch cao hơn. Bởi mỗi loại vắc xin sẽ có ưu thế riêng của chúng và khi kết hợp với nhau, sẽ tạo ra khả năng miễn dịch tốt hơn nữa, đặc biệt khi đó là liều tăng cường.

Trong diễn biến khác cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết hạn chế người nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) vẫn cần thiết cho đến khi các nhà khoa học biết thêm về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Phát biểu khi dự cuộc họp của Bộ trưởng Y tế các nước EU tại Brussels (Bỉ), ông Spahn nhấn mạnh: "Cho đến khi chúng ta biết nhiều hơn về biến thể Omicron, chúng ta cần thận trọng và do đó hạn chế đi lại là cần thiết để giữ cho việc nhập cảnh vào châu Âu nói chung và Đức nói riêng ở mức thấp nhất có thể".

Các nguồn tin EU ngày 6/12 cũng xác nhận không có kế hoạch sớm nới lỏng hạn chế đi lại này. Trước cuộc họp ngày 7/12, quan chức phụ trách y tế EU Stella Kyriakides nhận định EU đang đối mặt với tình hình dịch bệnh rất thách thức tại tất cả các quốc gia thành viên với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Bà cho biết sẽ kêu gọi các Bộ trưởng Y tế thúc đẩy việc tiêm vắc xin và nếu cần thì tăng cường các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Y tế Malta Christopher Fearne kêu gọi các công ty dược rút ngắn thời gian sản xuất phiên bản sửa đổi của vắc xin xuống dưới 100 ngày, thời hạn mà Pfizer/BionTech, nhà cung cấp chính vắc xin ngừa COVID-19 cho EU, đưa ra trước đó để sản xuất vắc xin đối phó với biến thể Omicron.

Cuối tháng 11, các nước EU nhất trí áp đặt hạn chế đi lại đối với 7 nước Nam châu Phi sau khi các nước này thông báo một số ca nhiễm biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao.

Trong khi đó, tại Áo, những người chưa tiêm vắc xin vẫn sẽ bị hạn chế đi lại khi lệnh phong tỏa của nước này được dỡ bỏ vào ngày 12/12 tới.

Tân Thủ tướng Karl Nehammer ngày 7/12 đã xác nhận quy định này, đồng thời cho biết sẽ có cuộc tham vấn về cách thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 8/12.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268374/eu-chinh-thuc-xac-nhan-phuong-phap-tiep-can-ket-hop-ve-vac-xin.html