EU cảnh báo COP28 phải đạt thỏa thuận về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Sau 1 năm thiên tai khắc nghiệt khắp thế giới, các nhà lãnh đạo EU cảnh báo sẽ không chấp nhận kết quả Hội nghị thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) khai mạc tại Dubai vào cuối tháng này nếu hội nghị không giải quyết được vấn đề gai góc nhất là dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài vấn đề nhiên liệu hóa thạch, EU cũng cảnh báo, bối cảnh tình hình địa chính trị hiện nay sẽ ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ Trái Đất tăng lên do sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay và Trái Đất đang trên đà ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. EU về cơ bản nhất trí quan điểm đàm phán chung của khối này tại COP28 là thúc đẩy mục tiêu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu. Khoảng 10 trong số 27 quốc gia thành viên EU bao gồm Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan và Slovenia muốn khối này yêu cầu loại bỏ dần tất cả các nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà lãnh đạo EU cảnh báo sẽ không chấp kết quả COP 28 (Ảnh: AP).

Các nhà lãnh đạo EU cảnh báo sẽ không chấp kết quả COP 28 (Ảnh: AP).

Bộ trưởng Khí hậu Đan Mạch Rob Jetten nêu ý kiến: “Nếu bạn lắng nghe tất cả các nhà khoa học, thì rõ ràng là chúng ta cần loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch và chúng ta cần đạt được nhiều tiến bộ hơn về vấn đề đó ở mọi nơi trên thế giới. Và chúng ta có thể đạt được các thỏa thuận về lộ trình hướng tới tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo, hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giúp các nước khác đầu tư vào các kỹ thuật sạch này, nhưng cuối cùng, mọi người vẫn cần phải loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”.

Đặc phái viên về Khí hậu của Đức Jennifer Morgan cũng đồng quan điểm: "Đức cho rằng trước hết chúng ta cần tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Rõ ràng về mặt khoa học chúng ta cũng phải loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta sẽ cần các công nghệ giảm ô nhiễm, nhưng đó không phải là trọng tâm của chúng tôi ngày hôm nay. Trọng tâm của chúng ta là vào năm 2030 chỉ sử dụng năng lượng tái tạo và đạt hiệu quả sử dụng năng lượng."

Trong khi đó, một số quốc gia khác, trong đó có Cộng hòa Séc, Hungary, Italia, Malta, Ba Lan và Slovakia tỏ ra thận trọng hơn, để ngỏ cơ hội cho các quốc gia tiếp tục đốt than, khí đốt và dầu khí nếu họ sử dụng công nghệ để thu giữ lượng khí thải phát sinh. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, quốc gia đăng cai Hội nghị COP28 hôm qua kêu gọi không chỉ EU mà tất cả các thành viên Liên hợp quốc tìm kiếm lập trường chung để giải quyết những bất đồng về tương lai của nhiên liệu hóa thạch.

Ủng hộ việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đặc phái viên về khí hậu Mỹ John Kerry nêu đề xuất ràng buộc các công ty nhiên liệu hóa thạch phải thực hiện trách nhiệm cắt giảm lượng khí thải CO2 gây biến đổi khí hậu. Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber cho biết hơn 20 công ty dầu khí lớn đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông về hạn chế lượng khí thải carbon trước thềm Cop28, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời loại bỏ lượng khí thải metan.. ..Trên thực tế, các công ty dầu khí lớn cũng đang khuyến khích đầu tư vào công nghệ loại bỏ carbon, thu hồi và lưu trữ carbon, sản xuất năng lượng tái tạo và hydro như một phần của kế hoạch đưa phát thải ròng về 0.

Theo các chuyên gia, loại bỏ dần hay vẫn duy trì nhiên liệu hóa thạch sẽ là chủ đề chi phối COP28 và dự báo khó đạt được sự đồng thuận, nhất là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay với cuộc chiến ở Gaza, Ukraine.

Phát biểu bên lề cuộc họp trù bị diễn ra hôm qua tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) trước thềm COP28, Cao ủy EU về Khí hậu Wopke Hoekstra cảnh báo, sự đồng thuận quốc tế ngày càng khó, nhưng việc đạt được một thỏa thuận về khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết.

Trần Nga/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/eu-canh-bao-cop28-phai-dat-thoa-thuan-ve-loai-bo-nhien-lieu-hoa-thach-post1056490.vov