Ethiopia: Câu chuyện về một thị trấn biên giới bị tàn phá bởi xung đột Tigray

Cảm giác khi bước vào thị trấn Abala ở biên giới Tigray-Afar giống với một thị trấn ma trong phim khoa học viễn tưởng.

Nỗi thống khổ từ cuộc chiến Tigray

Vào tháng 12/2021, các chiến binh Tigray trung thành với Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) đã tấn công Abala. Những người sống sót ở lại thị trấn nói rằng các chiến binh Tigray đã đi từng nhà, cướp bóc và phá hủy bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy.

Một người lính ở Abala. Ảnh: GI

Bài liên quan

Xả súng trên xe bus ở Ethiopia làm 34 người thiệt mạng

Ai Cập, Ethiopia và Sudan học cách cùng chia sẻ dòng sông Nile

Ethiopia thừa nhận đứng sau vụ bắn rơi máy bay chở hàng cứu trợ Covid-19

Ethiopia: Hoãn bầu cử vì dịch Covid

Cuộc chiến Tigray bùng nổ vào ngày 4/11/2020, khi Thủ tướng Abiy Ahmed ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Ethiopia thực hiện một cuộc tấn công quân sự vào các lực lượng trong khu vực TPLF. Động thái của ông Abiy nhằm đáp trả cuộc tấn công của TPLF vào một căn cứ quân sự liên bang ở biên giới phía bắc.

Các cuộc đụng độ diễn ra sau nhiều tháng tranh chấp giữa chính phủ của ông Abiy và các nhà lãnh đạo TPLF, những người từng là đảng chính trị cầm quyền của Ethiopia. Kể từ đó, hàng nghìn người đã thiệt mạng và hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2021, theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Giám sát Dịch chuyển Nội bộ.

Ông Tahir Hassen, thị trưởng của Abala, nhớ lại ngày TPLF tiến vào thị trấn của ông: "Họ đã nã vũ khí hạng nặng vào thành phố", đồng thời cho biết kết quả là hơn 225 người đã chết. "Họ giết người già. Họ cũng hãm hiếp 5 phụ nữ", ông nói và cho biết thêm những người ở lại đã sống dưới sự chiếm đóng của TPLF trong bốn tháng.

Tại một nghĩa trang gần đó, ông Mohammed Hussein, một quan chức y tế địa phương, cho biết đã giúp chôn cất 58 thường dân, trong số đó có 8 trẻ em. "Những đứa trẻ này đã thiệt mạng do pháo kích từ TPLF. Chúng 4, 5 tuổi và đứa lớn nhất là 6 tuổi. Tôi sẽ không bao giờ quên điều này", ông kể.

"Vào thời điểm đó, tôi và con trai cũng như một người phụ nữ lớn tuổi khác đang ở đây cùng nhau. Tôi không thể chạy vì sức khỏe yếu, cũng không thể trả tiền đi lại vì tôi không có tiền", cô Abeba, một trong những người ở lại cho hay.

Các chiến binh TPLF đã giam cô hai ngày trong một trại tạm giam. Khi cô quay trở lại ngôi nhà của mình, cô thấy nó đã đổ nát. "Tôi chắc chắn họ sẽ quay lại. Họ nói với chúng tôi nếu họ cảm thấy bị đe dọa, họ sẽ quay lại", cô nói.

Kể từ tháng 3, một lệnh ngừng bắn mong manh giữa chính phủ và TPLF đã được đưa ra. Vào cuối tháng 4, các chiến binh TPLF đã rút khỏi Abala và các vùng lãnh thổ Afar khác, cho phép các đoàn xe viện trợ tiến vào khu vực Tigray.

Nhưng thị trưởng Abala Tahir Hassen nói rằng TPLF không bao giờ thực sự rời đi. "Họ sẽ quay lại sau khi đã có đủ lương thực viện trợ. Khi đó, họ sẽ sử dụng viện trợ cho chiến tranh", ông cho hay.

Cáo buộc thảm sát

Abala có một nhóm dân số hỗn hợp giữa các sắc tộc Tigray và Afar. Nhưng giờ đây, cả hai bên đều cáo buộc nhau thực hiện các hành vi tàn bạo.

Các chiến binh TPLF cướp phá một trường học địa phương và gây ra sự phá hủy đáng kể. Ảnh: DW

Các nhân chứng của Tigray nói rằng lực lượng dân quân Afar đã nhắm mục tiêu và giết một số người Tigray. "Lực lượng Afar cùng với cư dân Afar đã bắn người Tigray và đốt nhà của họ. Họ chỉ nhắm vào người Tigray", một nhân chứng muốn giấu tên cho biết.

Anh nói rằng anh chỉ sống sót vì hàng xóm của anh, một người dân tộc Afar, đã giấu anh trong nhà của mình. "Tôi đã được cứu trong khi những cư dân khác bị giết", anh kể lại.

Sau đó, họ được Lực lượng Đặc biệt Afar thông báo rằng, họ sẽ được đưa đến thủ phủ của khu vực Semera. Nhưng không phải như vậy, các chiến binh Afar đã vận chuyển hàng nghìn người trong số họ bằng xe tải đến Semera, nơi họ bị giam giữ trong hơn 5 tháng.

Ông Jean Bosco, Trưởng Văn phòng Thực địa tại UNHCR ở Semera, xác nhận rằng nhóm người di tản được chuyển từ Abala đến Semera đều là người Tigray. Còn theo một cựu tù nhân, họ chỉ có thể rời trại bằng cách trả hối lộ lên tới 20.000 đồng Birr Ethiopia (380 USD), số tiền mà hầu hết mọi người đều không có.

Quốc Thiên (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ethiopia-cau-chuyen-ve-mot-thi-tran-bien-gioi-bi-tan-pha-boi-xung-dot-tigray-post199063.html