Elon Musk tài năng nhưng có thể là sếp tồi

Elon Musk là tiêu biểu của kiểu sếp độc hại, rất thô lỗ trong quản lý con người, thiếu tôn trọng nhân viên và không có sự hỗ trợ để nhân sự phát triển.

Nếu đi ngang qua trụ sở của Twitter ở San Francisco (Mỹ) vào hôm 17/11, nhiều người sẽ bắt gặp hàng loạt lời lăng mạ được chiếu trên mặt bên của tòa nhà.

Bên trong tòa nhà, các nhân viên nhận được tin nhắn yêu cầu lựa chọn ký cam kết làm việc "nhiều giờ với cường độ cao" hoặc nghỉ việc. Đây là khởi đầu cho cuộc sa thải quy mô lớn, với email được gửi toàn công ty lúc 2h30 sáng - tuyên bố rằng "rất có thể Twitter sẽ không sống sót qua đợt suy thoái kinh tế sắp tới".

Chủ nhân mới của Twitter nghĩ rằng chiến lược mới sẽ giúp ông giữ lại được những nhân viên tận tâm. Bằng chứng thực tế đang cho thấy điều ngược lại, theo The Guardian.

Những câu chuyện về hành xử của Musk nghe có vẻ kỳ lạ song kiểu hành vi của sếp tồi như trên tại nơi làm việc như vậy không hiếm.

Theo một cuộc khảo sát của Amanda Goodall, khoảng 13% các nhà quản lý ở châu Âu bị xếp vào loại "sếp tồi". Đó là những người sếp không đưa ra phản hồi, thiếu tôn trọng, không khen ngợi và công nhận, cản trở hoàn thành công việc, làm suy yếu sự phát triển cá nhân, ngăn cản các nhóm làm việc hiệu quả, không giúp đỡ và hỗ trợ nhân viên khi họ cần.

Sếp độc hại

Sự thô lỗ của Elon Musk trong cách quản lý con người đã được ghi nhận trước đây rất lâu.

Trước đó, tỷ phú công nghệ bị cáo buộc về hành vi tại Tesla, khi Musk được cho đã hét vào mặt một kỹ sư rằng "Mày là một thằng ngu. Cút đi và đừng quay lại", theo Wired.

Nhiều nhân viên khác nói rằng Musk thường công khai làm bẽ mặt và giáng chức cấp dưới, mọi người được khuyến cáo không đi lại quá gần bàn làm việc của ông vì Musk dễ "nổi cơn thịnh nộ khó lường".

"Ông ấy hét lên rằng tôi không biết mình đang làm gì, tôi là một kẻ ngốc và ông ta chưa bao giờ làm việc với một người kém cỏi như vậy", một cựu nhân viên chia sẻ về lý do cô bị sa thải.

 Elon Musk bị coi là tiêu biểu của "sếp tồi". Ảnh: Dado Ruvić/Reuters.

Elon Musk bị coi là tiêu biểu của "sếp tồi". Ảnh: Dado Ruvić/Reuters.

Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng nhiều ông chủ lạm dụng thực sự nghĩ rằng chiến thuật mạnh mẽ của họ phục vụ lợi ích lớn hơn, và Musk chắc chắn tin nhân viên của mình phải làm việc nhiều giờ nếu họ muốn đạt được điều tuyệt vời.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện ra chiến lược trên không hiệu quả: những người làm việc cho các ông chủ tồi hoặc kiểu người ngược đãi có xu hướng làm việc kém hiệu quả, đồng thời có sức khỏe thể chất và tinh thần kém hơn.

Một điều dường như đang thay đổi là nhân viên không còn tự nguyện chịu đựng những ông chủ tồi tệ. Sau tối hậu thư của Musk trong tuần này, hàng trăm nhân viên của Twitter được cho là sẽ nghỉ việc.

Nhìn chung trên toàn bộ thị trường lao động Mỹ, công ty tư vấn McKinsey đã ước tính có tới 40% người lao động đang có kế hoạch nghỉ việc.

Tính kinh tế của thị trường việc làm đưa một phần cho lời giải thích: chúng ta thường gắn bó với những người giám sát lạm dụng khi có rất ít lựa chọn khác và sau đại dịch, thị trường việc làm đã trải qua một thời kỳ lành mạnh hóa. (Ở chiều ngược lại, một nghiên cứu gần đây của một nhóm các nhà kinh tế cho thấy khi thị trường lao động trở nên tồi tệ hơn).

Lý do nhân viên vẫn ở lại với ông chủ tồi

Tất nhiên, nhiều người vẫn gắn bó với ông chủ tồi, song những lý do tại sao họ có thể ở lại không mang đến nhiều hy vọng cho Musk và tương lai của Twitter .

Một số người làm việc dưới quyền của kiểu sếp ngược đãi trở thành nạn nhân của cái mà các nhà tâm lý học gọi là "sự bất lực học được".

Khi mọi người đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, ban đầu họ đấu tranh để trốn thoát hoặc chống trả, nhưng theo thời gian, họ bắt đầu coi việc lạm dụng là bình thường. Họ ngày càng cảm thấy không thể thay đổi bất cứ điều gì và trở nên thụ động. Điều này có nghĩa là họ bỏ lỡ các cơ hội để thay đổi, ngay cả khi có thể.

 Nhiều người dù bị lạm dụng vẫn không thể rời khỏi kiểu sếp độc hại.

Nhiều người dù bị lạm dụng vẫn không thể rời khỏi kiểu sếp độc hại.

Một lý do khác khiến mọi người không rời bỏ những ông chủ tồi là vì bắt đầu đồng cảm với họ. Đây là một loại "hội chứng Stockholm" nơi làm việc, theo đó mọi người hình thành tâm lý ngưỡng mộ những ông chủ bạo hành của mình, và thậm chí noi gương họ.

Lý do cuối cùng khiến một số người chọn ở lại với kiểu sếp độc hại là vì bản thân họ có dấu hiệu của bệnh thái nhân cách (một dạng rối loạn nhân cách nghiêm trọng).

Về phía Musk, ông có thể nghĩ rằng mặc dù có một lượng lớn người rời đi, nhưng nhiều nhân viên giỏi nhất của ông có khả năng sẽ gắn bó với công ty.

Đánh giá từ nghiên cứu về chủ đề này, có khả năng nhiều người không bị sa thải cũng sẽ rời đi. Những người ở lại có khả năng làm việc kém năng suất hơn, kém khỏe mạnh hơn, thụ động hơn, yêu mến Musk hơn và nhiều khả năng bản thân họ cũng "hơi tâm thần".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/elon-musk-tai-nang-nhung-co-the-la-sep-toi-post1376771.html