ECOWAS sẵn sàng can thiệp vào Niger

Báo Vanguard của Nigeria ngày 11-8 cho biết Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã đặt lực lượng dự phòng của mình trong trạng thái sẵn sàng can thiệp để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger.

Toàn cảnh cuộc họp của ECOWAS về tình hình Niger ở Abuja, Nigeria ngày 2-8. Ảnh: AFP

Kích hoạt lực lượng ứng phó

Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí phát động một chiến dịch quân sự ở Niger càng sớm càng tốt. Đây là tuyên bố của Tổng thống Côte d'Ivoire Alassane Ouattara ngày 10-8 sau khi ông trở về từ cuộc họp cùng với các nhà lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS khác tại Abuja, Nigeria. "Các tham mưu trưởng sẽ tổ chức một vài cuộc họp nữa để hoàn thiện các chi tiết, nhưng các nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận để bắt đầu chiến dịch càng sớm càng tốt", hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời ông Ouattara.

Tổng thống Côte d'Ivoire cho biết nước này sẽ cử một lực lượng gồm 850 - 1.100 người tham gia chiến dịch quân sự tại Niger - đất nước đang chịu bất ổn do quân đội đảo chính vào cuối tháng 7. Các quốc gia khác, trong đó có Nigeria và Benin, cũng sẽ tham gia. Theo ý kiến của Tổng thống Côte d'Ivoire, tình hình bây giờ phụ thuộc vào lực lượng nổi dậy đang nắm quyền điều hành ở Niger. Ông nói thêm rằng ECOWAS sẽ không can thiệp quân sự nếu quân đội Niger chịu rút lui và trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum.

Trước đó, tại cuộc họp bất thường ngày 10-8 của ECOWAS ở Abuja, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Alieu Touray đã đọc nghị quyết về cuộc đảo chính ở Niger trong đó có chỉ đạo: "Tổng Tham mưu trưởng Quốc phòng kích hoạt ngay lập tức tất cả các bộ phận trong lực lượng dự phòng ECOWAS," tuy nhiên cũng đồng thời nhấn mạnh "tiếp tục cam kết khôi phục trật tự hiến pháp thông qua các biện pháp hòa bình". Trước đó trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cũng khẳng định lãnh đạo các quốc gia Tây Phi cần thử mọi biện pháp ngoại giao để đảm bảo lập lại trật tự hiến pháp ở Niger, coi đây là đường hướng và cách tiếp cận cơ bản của ECOWAS.

Cuộc họp trên diễn ra sau khi thời hạn của tối hậu thư do ECOWAS đưa ra đối với chính quyền quân sự ở Niger đã trôi qua. Trong tối hậu thư này, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS cảnh báo sẽ có biện pháp can thiệp quân sự nếu các tướng lĩnh tiến hành vụ đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum trước ngày 6-8. Cho đến nay, giới lãnh đạo đảo chính ở Niger chưa sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán do cộng đồng quốc tế thúc đẩy.

Phe đảo chính dọa giết Tổng thống nếu bị can thiệp

Chính quyền quân sự Niger nói với quan chức Mỹ rằng họ có thể giết Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum nếu các nước can thiệp quân sự.

Hai quan chức thạo tin hôm 10-8 cho biết giới chức quân đội Niger đã đưa ra lời cảnh báo với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland trong chuyến thăm của bà tới Niger hồi tuần này. Cựu quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề châu Phi Aneliese Bernard nhận định chính quyền quân sự Niger đã leo thang căng thẳng nhanh tới mức có thể dẫn tới hành động cực đoan.

Sau khi xảy ra cuộc đảo chính hôm 26-7, Tổng thống Niger bị lật đổ không xuất hiện trước công chúng. Đảng PNDS-Tarayya của ông Bazoum cho biết ông cùng gia đình đang sống trong điều kiện không có điện, nước máy và sắp cạn thực phẩm. Phát ngôn viên chính phủ Mỹ và Liên Hợp Quốc sau đó đều bày tỏ lo ngại về tình trạng của Tổng thống Niger. Chính quyền quân sự Niger không cung cấp thông tin nào về tình hình của ông Bazoum.

Nhiều hệ lụy

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 10-8 lên tiếng ủng hộ các nỗ lực của ECOWAS trong vấn đề Niger. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng và can thiệp quân sự nên chỉ là phương án cuối cùng. Bởi hành động quân sự có thể châm ngòi khủng hoảng nhân đạo và bất ổn khu vực.

Theo cựu giám đốc phụ trách châu Phi thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Cameron Hudson, chiến dịch can thiệp quân sự của ECOWAS vào Niger sẽ làm bùng phát xung đột giữa các lực lượng tương đối yếu và thiếu kinh nghiệm. Một số chính trị gia tại Nigeria và Ghana lại lo ngại rằng hành động can thiệp quân sự vào Niger sẽ dẫn tới thảm họa nhân đạo, khiến khu vực vốn đã mất ổn định này tiếp tục chìm trong hỗn loạn.

Giới quan sát đánh giá bất kỳ cuộc chiến nào ở Niger đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến miền bắc Nigeria, nơi vốn đã rất căng thẳng bởi các cuộc nổi dậy của phiến quân. Bên cạnh đó, 7 bang của Nigeria có chung biên giới với Niger. Một cuộc tấn công vào Niger sẽ khiến dòng người tị nạn lớn đổ vào Nigeria. Ngoài phiến quân Hồi giáo Boko Haram đã tàn phá vùng đông bắc đất nước, các cuộc đụng độ giữa nông dân và những người chăn thả gia súc cũng gây bất ổn cho những khu vực khác ở miền bắc Nigeria. Ngoài ra, một cuộc xung đột tại Niger sẽ là kịch bản mà các nhóm khủng bố rất mong đợi.

Giới chuyên gia nhận định việc điều quân can thiệp vào Niger sẽ là một quyết định khó khăn đối với ECOWAS và sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Cách tiếp cận này chỉ nên được coi như biện pháp cuối cùng, khi mọi cánh cửa ngoại giao đều đã đóng.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ecowas-san-sang-can-thiep-vao-niger-post281782.html