East Asia Forum: Đã đến lúc Nhật Bản gia nhập AUKUS?

Nghiên cứu sinh Rena Sasaki tại Đại học John Hopkins (Mỹ) nhận định Nhật Bản sẽ gặt hái lợi ích khi gia nhập Hiệp ước đối tác an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), nếu có thể giải quyết một số thách thức đáng chú ý.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles từng đề cập tới vai trò của Nhật Bản một khi gia nhập AUKUS - Ảnh: Ông Marles trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 10. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Australia)

Nhiều lợi ích

Đầu tiên, trong báo cáo về Nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh tuyên bố Nhật Bản sẽ có nhiều lợi ích về công nghệ và an ninh hơn nếu Nhật Bản tham gia vào trụ cột 2 của AUKUS về hợp tác liên quan công nghệ tiên tiến như năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, mạng tiên tiến, vũ khí siêu thanh, chiến tranh điện tử, đổi mới và chia sẻ thông tin. Những lĩnh vực này rất quan trọng trong củng cố năng lực răn đe tổng hợp của các đồng minh Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản.

Với khuôn khổ hợp tác quốc phòng về nghiên cứu và phát triển chung sẵn có với Mỹ, Anh và Australia, Nhật Bản có đủ nền tảng để hợp tác với AUKUS. Song sự hợp tác trong các khuôn khổ hiện nay là dựa trên dự án, tập trung vào các công nghệ cơ bản hơn là một loạt năng lực ưu tiên, không giống như AUKUS. Ví dụ, hầu hết các nghiên cứu chung với Mỹ đều gắn với các công nghệ liên quan trực tiếp đến thiết bị, chẳng hạn như công nghệ lội nước thế hệ tiếp theo và hệ thống xe dẫn động điện hybrid.

Trên nền tảng này, Nhật Bản có thể hưởng lợi đáng kể khi tham gia trụ cột 2 trong AUKUS. Do đó, báo cáo kêu gọi Anh đề xuất với Australia và Mỹ để đưa Nhật Bản cùng Hàn Quốc tham gia hợp tác trong khuôn khổ AUKUS.

Thứ hai, trong Chiến lược quốc phòng 2022, Tokyo tuyên bố việc tận dụng các công nghệ tiên tiến cho quốc phòng đang ngày càng quan trọng. Với năng lực công nghệ cao, Nhật Bản cần hợp tác với đồng minh và huy động năng lực công nghệ để chuẩn bị cho cuộc đua lâu dài về công nghệ. Lợi thế trong các công nghệ quan trọng và mới nổi, được đề cập trong trụ cột 2 của AUKUS, sẽ trực tiếp chuyển thành lợi thế quân sự. Do đó, việc tiếp cận các công nghệ này sẽ ngăn chặn các đối thủ tiềm năng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều thách thức kinh tế có thể tác động tới đầu tư của Nhật Bản vào khoa học và công nghệ. Khi đó, nước này có thể tiếp thu các công nghệ quan trọng và mới nổi một cách hiệu quả hơn bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác. Hợp tác thông qua trụ cột 2 trong AUKUS mở rộng sẽ cho phép các thành viên bổ sung những khoảng cách năng lực của nhau và thúc đẩy tính kinh tế theo quy mô.

Thứ ba và quan trọng hơn cả, việc hợp tác này sẽ thúc đẩy quá trình quốc tế hóa công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản. Trong thời gian dài, khách hàng duy nhất của ngành này là Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Năm 2020, hoạt động mua sắm liên quan đến quốc phòng từ các nhà sản xuất trong nước chiếm chưa đến 1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngành này đang trải qua nhiều thay đổi lớn khi chính phủ dần nới lỏng các hạn chế về chuyển giao thiết bị quốc phòng. Do đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhật Bản và AUKUS là cơ hội tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất khí tài nước này. Sự mở rộng của hiệp ước này có thể tạo cơ hội cho các nhà sản xuất quốc phòng Nhật Bản học hỏi bí quyết tiếp thị và bán thiết bị quốc phòng từ các đối tác AUKUS.

Việc Nhật Bản tham gia vào trụ cột 2 trong AUKUS có thể góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của nước này - Ảnh: Các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF). (Nguồn: Japan Forward)

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, Nhật Bản cần vượt qua một số thách thức trước khi gia nhâp AUKUS.

Đầu tiên, nước này thiếu một hệ thống miễn trừ an ninh đầy đủ. Đạo luật bảo vệ bí mật được chỉ định đặc biệt, luật duy nhất hiện hành về an ninh thông tin ở Nhật Bản, giới hạn phạm vi thông tin được phân loại là bí mật nhà nước trong 4 lĩnh vực: ngoại giao, quốc phòng, phòng chống gián điệp và phòng chống khủng bố.

Tuy nhiên, đạo luật này không bao gồm thông tin về kinh tế và công nghệ. Thiếu vắng hệ thống miễn trừ an ninh này, các nhà sản xuất Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc truy cập thông tin mật trong các hoạt động phát triển chung. Do vậy, Nhật Bản cần một hệ thống miễn trừ an ninh trước khi gia nhập AUKUS.

Ngoài ra, Nhật Bản đang phấn đấu trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn như Mỹ và Anh. Do đó, một số ý kiến đã lo ngại về xung đột lợi ích tiềm ẩn. Trọng tâm của AUKUS gợi nhớ đến nỗ lực của Nhật Bản trong việc bán các tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường năm 2015. Song xét đến thời điểm cần xây dựng khả năng răn đe hiệu quả tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thời điểm hiện tại có lẽ chưa phù hợp cho cạnh tranh thương mại. Do vậy, Nhật Bản nên chấp nhận sự phân công về vai trò từng nước trong khuôn khổ AUKUS mở rộng.

Cuối cùng, AUKUS là thỏa thuận mang định hướng quân sự. Sự gia nhập của Nhật Bản sẽ báo hiệu cho Trung Quốc rằng nước này là một phần của mạng lưới “răn đe tổng hợp” của Mỹ. Trong bối cảnh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hợp tác để khôi phục kênh đối thoại thông qua hội nghị thượng đỉnh ba bên, Tokyo có thể cảm thấy rằng thời điểm này không phù hợp để tham gia AUKUS.

Tuy nhiên, môi trường an ninh ở Đông Á đang phức tạp hơn bao giờ hết. Việc phát triển công nghệ sẽ mất nhiều năm, đặc biệt là các công nghệ quan trọng và mới nổi then chốt. Mỹ cũng bày tỏ thái độ tích cực với việc mở rộng tư cách thành viên trụ cột 2. Liệu Nhật Bản sẽ đẩy mạnh nỗ lực gia nhập Hiệp ước trên, hay dừng chân trước ngưỡng cửa then chốt này? Quyết định sẽ nằm ở phía Tokyo.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/east-asia-forum-da-den-luc-nhat-ban-gia-nhap-aukus-252680.html