Ðể điệu then mãi ngân vang

Hát then là di sản văn hóa phi vật thể, được bảo tồn và phát huy giá trị rộng rãi trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Song với những người Tày xa quê, sống ở xã Long Bình, huyện Phú Riềng thì việc bảo tồn di sản văn hóa dân gian độc đáo này đang là thách thức không nhỏ.

Truyền nhiệt huyết giữ gìn di sản

Năm 1988, gia đình ông Vi Văn Tằm và bà Lường Thị Viên từ tỉnh Lạng Sơn vào thôn 6, xã Long Bình làm kinh tế mới. Xa quê nên khi rảnh rỗi, ông bà lại lấy đàn tính ra gẩy và hát cho nhau nghe. Bà Viên cho biết, bà biết đánh đàn tính và hát then từ khi 5-6 tuổi, thời thanh niên đi chăn trâu hay tập trung lại đánh đàn. Tiếng đàn đã ăn sâu vào tiềm thức của bà và bà con dân tộc Tày từ nhỏ. Chỉ buồn là bà có 5 người con, nhưng các con đều không biết nói tiếng Tày và cũng không "mặn mà" với đàn tính, hát then.

Bà Vi Thị Nông (giữa) và các phụ nữ dân tộc Tày ở xã Long Bình thể hiện làn điệu then

Bà Vi Thị Nông (giữa) và các phụ nữ dân tộc Tày ở xã Long Bình thể hiện làn điệu then

Bà Lường Thị Hoa ở thôn 6, xã Long Bình cho biết, hát then là hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Tày xứ Lạng. Ra đời và gắn liền với đời sống dân gian, lời then là sự phản ánh chân thực tín ngưỡng, cuộc sống người dân. Hát then xứ Lạng có 2 loại hình là then cổ và then đặt lời mới. Then cổ còn rất ít, do vậy các bà, các chị ở đây hay tìm những bài then mới trên mạng để học theo. Tuy nhiên, điều bà Hoa lo ngại là một bộ phận người Tày không nói tiếng mẹ đẻ nên khó khăn trong việc bảo tồn hát then.

Để lưu giữ nét văn hóa của đồng bào mình, 11 năm trước, bà Vi Thị Nông ở thôn 6, xã Long Bình đã thành lập nhóm hát then. Hiện nhóm có 12 người tham gia sinh hoạt, hầu hết đã lớn tuổi, đều là dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn vào đây sinh sống. Vào mỗi buổi tối hoặc những ngày rảnh rỗi, mùa màng đã thu xong, các cô, các bà lại gọi nhau về tập hát. Người thuộc bài dạy cho người chưa thuộc, không thì lại lên mạng tìm bài hát mới và cùng nhau học. Cứ vậy mà gắn kết tình đồng bào, lưu giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc Tày.

Để giá trị di sản còn mãi với thời gian

Thực tế, đối với các gia đình dân tộc Tày vào xã Long Bình sinh sống, hầu hết lớp trẻ không biết nói tiếng Tày, cũng không biết hát then. Do vậy, mong muốn của các bà, các cô trong nhóm hát then ở xã Long Bình là sớm thành lập câu lạc bộ (CLB) để tập hợp những người cùng sở thích tham gia sinh hoạt, biểu diễn giao lưu, học hỏi, tranh tài với các CLB hát then khác trong huyện, tỉnh… “Bình Phước có một số CLB hát then ở các huyện nên chúng tôi mong muốn, vài năm tỉnh tổ chức thi hát then một lần để mọi người được giao lưu, học hỏi, góp phần bảo tồn di sản loại hình nghệ thuật hát then đặc trưng của đồng bào” - bà Vi Thị Nông chia sẻ.

Hát then là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Tày. “Then” có nghĩa là thiên, là trời và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Hát then còn được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, múa, tới hội họa và trình diễn. Người hát then trong những dịp lễ, tết, cầu an, cầu mùa, gọi hồn... là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Nhạc cụ chính được sử dụng trong hát then là đàn tính.

Ông Trịnh Văn Ngàn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Long Bình cho biết: Mặc dù chưa thành lập được CLB nhưng chị em dân tộc Tày ở thôn 6 vẫn thành lập nhóm để hát cho nhau nghe. Tôi sẽ tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và các cô, các chị trong nhóm cố gắng thành lập CLB để hoạt động nền nếp hơn, vừa phục vụ bà con trong xã vừa để tham gia thi đấu, biểu diễn ở huyện, tỉnh.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, trong đó có hát then không thể xem là việc một sớm, một chiều và cũng không chỉ là việc của riêng ngành văn hóa. Trước hết và tốt nhất mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân tộc phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc mình.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/138431/de-dieu-then-mai-ngan-vang