Duy trì thói quen rửa tay xà phòng để phòng bệnh

Rửa tay xà phòng thường xuyên được khuyến cáo là hình thức phòng các bệnh truyền nhiễm có hiệu quả cho trẻ nhỏ, nhất là thời điểm giao mùa hiện nay.

Cô giáo Trường Mầm non Trung Môn đang hướng dẫn học sinh cách rửa tay xà phòng đúng cách.

Cô giáo Trường Mầm non Trung Môn đang hướng dẫn học sinh cách rửa tay xà phòng đúng cách.

Bác sỹ Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu vi khuẩn (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay). Trong quá trình hoạt động hàng ngày, mỗi người sẽ thường xuyên va chạm, tiếp xúc vào đồ vật và mọi người xung quanh, dẫn đến tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay. Khi đó, bàn tay trở thành vật trung gian chuyên chở các mầm bệnh, điển hình như: Bệnh chân tay miệng, cúm, tiêu chảy... vào cơ thể bằng các hành động vô tình như chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc rửa tay bằng xà phòng trong phòng, chống dịch bệnh… Đồng thời, ngành Y tế tỉnh thường xuyên phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền cho học sinh cách rửa tay đúng quy định, đảm bảo vệ sinh.

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp để xây dựng môi trường học tập an toàn, hiệu quả cho học sinh, trong đó điển hình là việc thực hiện trường học an toàn với mô hình “Học sinh rửa tay bằng xà phòng mỗi khi đến trường”. Cô giáo Nguyễn Thúy Lan, Hiệu trưởng trường Mầm non Trung Môn cho biết, toàn trường hiện có 3 bồn nước rửa tay bố trí tại các vị trí dễ tìm kiếm, nhà trường còn tuyên truyền, yêu cầu tất cả các học sinh ngay khi đến trường sẽ phải rửa tay bằng xà phòng trước khi vào lớp học. Việc rửa tay bằng xà phòng sẽ được triển khai và duy trì mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên trong suốt quá trình học.

Cô giáo Lê Thị Len, giáo viên lớp 5 – 6 tuổi, Trường Mầm non Hoa Mai, thị trấn Na Hang (Na Hang) cho biết: Để phòng chống bệnh truyền nhiễm, hàng tuần các cô giáo đều có trách nhiệm tẩy rửa phòng học, đồ chơi của học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các buổi hướng dẫn các cô giáo dạy học sinh cách rửa tay với xà phòng đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tại các bồn rửa tay đều có đầy đủ xà phòng diệt khuẩn, từ đó tạo thói quen tốt cho rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để chung tay đẩy lùi dịch bệnh liên quan đến vi khuẩn, rửa tay thường xuyên với xà phòng đúng cách là biện pháp phòng chống hiệu quả. Tuy nhiên rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây mới có tác dụng và cũng nên rửa tay nhiều lần trong ngày. Cũng theo bác sỹ Bác sỹ Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trẻ nhỏ thường xuyên chạm tay vào bất cứ vật gì có thể chứa vi khuẩn dễ nhìn thấy như: đồ chơi, chổi, bàn chải, tay nắm cửa... rồi sau đó đưa tay vào mắt, mũi và miệng. Cho nên khi bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ, đó là nguồn chứa các loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh khác nhau, điển hình như: tay chân miệng, cúm, tiêu chảy... Những bệnh này thường lây lan rất nhanh, chỉ cần một học sinh mắc thì hôm sau nhiều bạn khác cũng bị, nên việc rửa tay đúng cách sẽ giúp phòng bệnh, ngăn bệnh phát triển thành dịch lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh việc chủ động vệ sinh môi trường, đảm bảo điều kiện vui chơi, sinh hoạt an toàn cho trẻ, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng công tác giáo dục thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, phối hợp với phụ huynh thực hiện tốt việc chủ động phòng bệnh ở trường và ở nhà cho học sinh. Chị Đinh Thị Huyền Trang, Tổ 12, Phường Phan Thiết (TP. Tuyên Quang) chia sẻ, gia đình chị có 2 cháu nhỏ đang học mầm non, hàng ngày chị đều tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn cho các cháu mỗi khi đi học về và trước khi ăn cơm. Đây là thói quen tốt sẽ mang lại hiệu quả cao trong phòng bệnh lây nhiễm nhất là thời điểm giao mùa.

Khi trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng sẽ loại bỏ được rất nhiều vi khuẩn, phòng được các bệnh dễ lây lan. Ngược lại, nếu các bạn nhỏ không rửa tay thường xuyên thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 1,5 lần so với các bạn có thói quen rửa tay và sau mỗi đợt mắc bệnh, sức khỏe, thể chất của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể còi cọc, việc học ở trường cũng bị ảnh hưởng.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/duy-tri-thoi-quen-rua-tay-xa-phong-de-phong-benh-165735.html