Duy trì ổn định tỷ giá, giảm tác động đáng kể đến nền kinh tế

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Lê Bích Ngọc - Quản lý Dự án và Nghiên cứu viên kinh tế - Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam cho rằng, việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần cố gắng duy trì ổn định tỷ giá, giảm các tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế. Mọi chính sách tiền tệ phải đảm bảo song song hai mục đích: hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

PV: Gần đây, sau khi FED tiếp tục tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các nước cũng có động thái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo bà, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lãi suất tại các ngân hàng này sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Bà Lê Bích Ngọc

Bà Lê Bích Ngọc: Sau khi FED tăng lãi suất, ngày đầu tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thêm 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp của ngân hàng này. Mục tiêu vĩ mô của lộ trình tăng lãi suất này được cho là để đảm bảo lạm phát ở mục tiêu trung hạn khoảng 2%. Nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát cao vẫn là giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục ở mức rất cao. Việc tăng lãi suất cơ bản tại các ngân hàng toàn cầu có tác động cả hai chiều đến nền kinh tế Việt Nam.

Về mặt tích cực, khi lạm phát tại các quốc gia điều chỉnh lãi suất được hạn chế, các cơ quan của Mỹ và châu Âu đang tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế nước họ. Nền kinh tế phục hồi cho thấy sức tiêu dùng của người dân tăng, từ đó các doanh nghiệp xuất khẩu vào lãnh thổ của Mỹ và châu Âu đều được hưởng lợi. Một lợi thế nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu này đó là giá trị quy đổi nội tệ cao do giá USD tăng. Lãi suất tăng giúp các tổ chức tín dụng thu hút thêm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất lần này của FED và ngân hàng trung ương các nước cũng có tác động tiêu cực tới Việt Nam. Trước hết, việc tăng lãi suất tạo áp lực tỷ giá với đồng nội tệ Việt Nam, buộc Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những chính sách điều chỉnh phù hợp để ổn định tỷ giá bằng cách bán dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất. Trong trường hợp tăng lãi suất thì doanh nghiệp ảnh hưởng rất nặng nề và gây tâm lý bất ổn trong đầu tư. Việc tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá, giá nhiên liệu và các mặt hàng khác sẽ tăng theo, từ đó các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào và nguồn năng lượng từ nước ngoài với giá cao. Do lãi suất tăng nên khả năng vay vốn của doanh nghiệp sẽ giảm, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ yếu đi, điều này ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển như Việt Nam.

Việc duy trì tỷ giá ổn định có tác động tích cực tới thu hút FDI vào Việt Nam.

Theo tôi, trong bối cảnh khó lường hiện tại, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế sẽ nhiều hơn do đồng Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ mất giá, lãi suất trong nước tăng và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có nhiều biện pháp điều chỉnh phù hợp.

PV: Bà có bình luận gì về việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua?

Bà Lê Bích Ngọc: Chủ động thích ứng với với thực tế thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương châu Âu để kiềm chế lạm phát, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có những điều hành linh hoạt để kiểm soát được tình hình lạm phát tăng cao hiện nay. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá bằng cơ chế thả nổi có điều tiết thông qua tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá.

Việc chủ động và can thiệp kịp thời để duy trì hoạt động ổn định và giải tỏa các điểm nghẽn cho thị trường tiền tệ và ngoại hối để ổn định kinh tế vĩ mô cũng là một hành động giúp hỗ trợ đạt được các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ban hành.

PV: Theo bà, trước các tác động từ việc FED và ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất cao như vậy, Việt Nam nên có động thái gì để có thể đảm bảo các cân đối vĩ mô?

Bà Lê Bích Ngọc: Trước các diễn biến khó lường của thị trường tiền tệ và các quyết định của FED cũng như ngân hàng trung ương các nước, Việt Nam cần cố gắng duy trì ổn định tỷ giá, giảm các tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế. Để tránh bị ảnh hưởng lớn, Việt Nam cần chủ động và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế và trong nước, dự báo lạm phát, đưa ra các kịch bản lãi suất có thể xảy ra để quyết định các chính sách cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế một cách hợp lý nhất. Đồng USD tăng giá mạnh đã gây áp lực tỷ giá rất lớn.

Các ngân hàng trung ương châu Á có thể tăng lãi suất

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, các ngân hàng trung ương châu Á có thể phải tăng lãi suất nếu lạm phát lõi chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Lời cảnh báo này được đưa ra khi ngân hàng trung ương ở nhiều nước phát triển chuyển sang lập trường tăng lãi suất nặng tay vì áp lực giá cả còn duy trì ở mức cao. Điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương khác phải nâng lãi suất thêm. Châu Á hiện đang hưởng lợi từ sự phục hồi của đồng nội tệ, sự hạ nhiệt của giá hàng hóa toàn cầu và chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng trở lại sẽ tạo ra mối đe dọa tới triển vọng của kinh tế châu Á.

Khi đồng USD tăng giá, doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ tăng khi quy đổi sang đồng nội tệ. Đối với các doanh nghiệp có các đơn hàng ổn định như da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản... với các đối tác quốc tế, cần lợi dụng lợi thế này bằng cách nhà nước cần tạo các điều kiện tháo gỡ các thủ tục và khuyến khích xuất khẩu để các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường Mỹ, châu Âu và các quốc gia đang được điều chỉnh tăng lãi suất.

Việc sử dụng công cụ chính sách vào điều tiết thị trường là cần thiết, tuy nhiên nếu điều chỉnh quá lớn hoặc quá nhiều lần sẽ khiến toàn bộ nền kinh tế khó thích ứng, bị ảnh hưởng nhiều và dễ tổn thương. Vì vậy, động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cần phù hợp theo từng giai đoạn, trong bối cảnh các quốc gia đều hạn chế cung tiền. Về thời gian điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh chính sách lãi suất cho phù hợp, tránh gây mất cân đối giữa các đối tượng và các nhóm ngành trong nền kinh tế. Mọi chính sách tiền tệ cần đảm bảo song song hai mục đích: hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tỷ giá ổn định tác động tích cực tới thu hút vốn FDI

Bà Lê Bích Ngọc cho rằng, việc duy trì tỷ giá ổn định có tác động tích cực tới thu hút FDI vào Việt Nam.

Theo bà Ngọc, tác động của tỷ giá là yếu tố quyết định đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư của các công ty đa quốc gia. Hiện tại các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Khi tỷ giá ổn định, hàng hóa nhập khẩu ổn định, các mặt hàng có tỷ trọng cao về sử dụng nhiều nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu,... cũng được đảm bảo ổn định về mặt giá. Điều này tạo lợi thế cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Hay nói cách khác, áp lực của nhập khẩu lạm phát được hạn chế.

Về mặt tâm lý đầu tư, tỷ giá ổn định phản ánh chính sách điều hành của Nhà nước tốt, đồng thời thị trường đầu tư của quốc gia đó đáng tin cậy và ít rủi ro. Ở góc độ tác động gián tiếp, tỷ giá thấp sẽ làm giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài và giảm bớt lạm phát. Khi lạm phát được kiềm chế cho toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI sẽ quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam vì tính ổn định và an toàn, ít bị tổn thương và tác động vĩ mô bởi tình hình khó lường của thế giới.

Ngược lại, nếu tỷ giá không được duy trì ở mức ổn định dẫn dến sự giảm giá Việt Nam đồng sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của các công ty nước ngoài. Điều này khiến các công ty nước ngoài giảm mức độ đầu tư và do đó, lượng vốn FDI vào Việt Nam sẽ giảm.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/duy-tri-on-dinh-ty-gia-giam-tac-dong-dang-ke-den-nen-kinh-te-122387-122387.html