Dứt điểm tồn đọng do cấp đất trái thẩm quyền

Với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và điều hành linh hoạt của chủ tọa, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng cử tri và Nhân dân. Nhiều vấn đề 'nóng' liên quan đến việc tích tụ, tập trung ruộng đất; tình trạng mua bán thuốc bảo vệ thực vật tràn lan; xử lý rác thải; cấp đất trái thẩm quyền... được các sở, ngành tiếp thu, giải trình làm rõ và đề ra hướng giải quyết.

Xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm

Trả lời chất vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tích tụ, tập trung ruộng đất… của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy, Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết: thời gian qua, Nghị quyết số 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo đã được triển khai và kết quả bước đầu khá tốt; toàn tỉnh có khoảng 200ha tích tụ tập trung và 200ha liên kết tích tụ... Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương, hợp tác xã trong chuyển giao khoa học kỹ thuật; xử lý vướng mắc về thủ tục đất đai, hoàn thiện hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất sau khi thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, làm cơ sở thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định...

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: H. Phong

Về tình trạng mua bán thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh cho biết: Ngành tiếp tục phối hợp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở hoạt động có phép; kiên quyết xử lý các trường hợp không đủ điều kiện, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Từ Thị Hòa về mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Văn Việt khẳng định: Đây là nội dung được ngành và nhiều địa phương quan tâm, là xu hướng tất yếu trong sản xuất, luôn được tỉnh quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực vào đầu tư… "Thời gian tới, ngành tiếp tục duy trì chuỗi liên kết hiện có trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực sản xuất khác. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp mới vào tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ; Thực hiện theo hướng xây dựng mối liên kết từng khâu để tiến tới liên kết toàn diện" - ông Việt chia sẻ.

15.544 trường hợp cấp, cho thuê đất trái thẩm quyền

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Tấn Linh về phương án giải quyết xử lý rác thải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Ngọc Huấn cho biết: dù tỉnh đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy điện rác, nhưng quá trình này gặp khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư dự án lớn. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết số 97/2022 ngày 16.12.2022 về “Một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023 - 2025”, trong đó, có chính sách hỗ trợ phân loại rác tại nguồn.

Tuy nhiên, theo ông Huấn, với 80% nguồn rác thải từ nông thôn, và tới 70% là rác thải hữu cơ, nếu việc phân loại rác tại nguồn được xử lý tốt, rác thải hữu cơ được phân loại, xử lý thành phân bón, sẽ tiết kiệm nguồn kinh phí lớn cho hộ gia đình, địa phương… Do vậy, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và người dân cần chủ động trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.

Trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề đất đai của các đại biểu Nguyễn Tiến Hùng và Trần Thị Hoa, Giám đốc Lê Ngọc Huấn cho biết: Tháng 6.2023, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh việc xử lý đối với khu đất xã quản lý mà không phải giải phóng mặt bằng, có hạ tầng kết nối giao thông thuận lợi, đủ điều kiện chuyển sang đất ở, tỉnh không phải thu hồi thì giao lại cho huyện để lồng vào đề án phát triển quỹ đất. Tuy nhiên, do vướng quy định pháp luật, việc xử lý vấn đề này chậm, kéo dài... “Sở đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi có ý kiến trả lời của bộ, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có hướng dẫn các địa phương thực hiện, cố gắng trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ có hướng xử lý vấn đề này”, ông Huấn khẳng định.

Về phương án giải quyết dứt điểm vấn đề tồn đọng do cấp đất trái thẩm quyền, Giám đốc Sở cho biết: qua thanh, kiểm tra, phát hiện 15.544 trường hợp được cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền. Đến nay, các địa phương đã xử lý xong 14.066 trường hợp (đạt 90,5%); các trường hợp tồn đọng còn lại chủ yếu do không phù hợp quy hoạch, vướng mắc liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính, cơ chế hoàn trả tiền sử dụng đất, giá trị tài sản còn lại trên đất sau thu hồi hoặc do hộ gia đình không phối hợp với chính quyền địa phương… Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã thu hồi được 2.275 trường hợp và đang giao cho UBND cấp xã quản lý, còn 580 trường hợp chưa thu hồi được. Việc thực hiện các giải pháp giải quyết tồn đọng sau thu hồi chưa triệt để. Sở giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan trong tham mưu xử lý tài sản trên đất cũng như thủ tục đưa đất vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp thu hồi đất của người sử dụng đất đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng thuộc diện giao đất hoặc thuê đất trái thẩm quyền, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng số tiền người dân đã nộp vào ngân sách Nhà nước phải được hoàn trả, trong đó mức hoàn trả phải tương ứng với thiệt hại thực tế của người dân… Đồng thời, có cơ chế tài chính bố trí nguồn ngân sách Nhà nước từ nguồn thu từ đất hằng năm để hoàn trả theo nguyên tắc: cấp ngân sách nào sử dụng tiền thu của người dân thì bố trí ngân sách để hoàn trả, trường hợp ngân sách xã không đủ khả năng thì ngân sách cấp huyện phải bố trí để hoàn trả hoặc đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần trong từng trường hợp cụ thể nếu ngân sách huyện không đủ khả năng.

Châu San

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/dut-diem-ton-dong-do-cap-dat-trai-tham-quyen-i353656/