Đường Trần Trọng Liêu tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về dân cư, quản lý đô thị, giao dịch hành chính, văn hóa xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Hà Nội đã đặt tên 41 đường, phố mới và điều chỉnh độ dài 4 tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố năm 2022.

Theo đó, huyện Thường Tín có 3 đường mới được đặt tên trong dịp này gồm: Đường Trần Trọng Liêu, đường Ngô Hoan và đường Nguyễn Vĩnh Tích. Trong đó, đường Trần Trọng Liêu nằm ở đoạn từ ngã ba giao đường Trần Lư-Hùng Nguyên tại cửa ga Thường Tín đến ngã tư giao cắt đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ tại nút giao Khê Hồi. Đường có chiều dài 1.580m; rộng 19,5-23,5m (lòng đường 16,5m, vỉa hè mỗi bên 3-7m).

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Huệ ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội cho biết: “Đường Trần Trọng Liêu đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông của các phương tiện kết nối Quốc lộ 1A với đường Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Nhờ có con đường này mà tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm bớt so với trước đây, giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn”.

Ông Trần Bá Lạn (hậu duệ của danh nhân Trần Trọng Liêu), nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, việc công bố gắn tên đường mang tên Trần Trọng Liêu là một vinh dự rất lớn cho dòng họ, quê hương. Con đường này góp phần mở ra cánh cửa cho sự phát triển về kinh tế-xã hội của đất nước. Đại tá Trần Trọng Dũng (hậu duệ đời thứ 17 của danh nhân Trần Trọng Liêu), Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Bộ Quốc phòng tự hào: “Tôi hình dung cụ Trần Trọng Liêu luôn dõi theo và soi đường chỉ lối để các thế hệ họ Trần đi theo hướng chính đạo, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện công tác để phát huy được truyền thống vẻ vang của dòng tộc, gia đình. Rất vinh dự là trong dòng họ chúng tôi có nhiều bậc tiền nhân có khả năng về thơ, phú, dịch thuật, đặc biệt là việc dịch chữ Hán cổ. Từ đó để lại cho thế hệ sau những tài liệu rất quý, có giá trị".

 Ông Trần Bá Lạn (đứng bên trái) và Đại tá Trần Trọng Dũng (đứng bên phải) chụp ảnh lưu niệm trên đường Trần Trọng Liêu.

Ông Trần Bá Lạn (đứng bên trái) và Đại tá Trần Trọng Dũng (đứng bên phải) chụp ảnh lưu niệm trên đường Trần Trọng Liêu.

Tiến sĩ Trần Trọng Liêu (1696-1746) là danh nhân văn võ song toàn, quê ở xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Sinh thời, ông học rất giỏi, đỗ Tiến sĩ năm 1733, được ghi danh trên bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Trần Trọng Liêu được biết đến như một bậc tướng tài thời Hậu Lê. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh dẹp loạn, nhờ vậy được phong chức Quận công. Tháng Hai năm Nhâm Tuất (1742) ông phụng chiếu Thiên sứ. Năm Ất Sửu (1745) ông nhậm chức Tứ thành quân vụ. Cùng năm ấy ông được phong tước Bá và thăng tới chức Đông Các học sĩ.

Danh nhân Trần Trọng Liêu mất ngày 18 tháng 3 năm Bính Dần (1746), được Triều đình truy phong là: Hiển cung Đại phu. Gian thờ của ông tại Văn Từ Thượng Phúc, trương bức hoành phi, ghi: “Hiển thân dương danh” (Phiên âm Hán Việt), dịch nghĩa là “Cha mẹ vinh hiển, tên tuổi nêu cao”. Vế đối ghi: “Huấn đạo vương môn, văn tinh võ lược, đức rạng ngàn năm”, dịch nghĩa là “Dạy bảo trong vương phủ, văn tinh võ lược, đức tỏa nghìn năm”.

Theo Ban Quản lý di tích Văn Từ Thượng Phúc, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Trần Trọng Liêu còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn, thơ, bút ký, tiêu biểu, thể hiện quan điểm “Dân là gốc” như: “Thượng Phúc huyện, Văn Hội đẳng hạ, Văn Giáp xã, Trần Quý Hầu đăng tiến sĩ đệ gia môn vinh thịnh tự”; các bài thơ: “Thiên hạ bình bách tính ninh thi - Thơ ngẫm về trăm họ trong thiên hạ”; “Chiêm bảng mai thi - Thơ ngắm miệt mai”... Danh nhân Trần Trọng Liêu là Hiền tài quốc gia, văn tinh võ lược, đức tỏa nghìn năm, một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn, nhà thơ, là người thầy được lịch sử ghi nhận, tôn kính, thờ phụng, lưu truyền mãi mãi tới các thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: HỒNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/duong-tran-trong-lieu-tao-thuan-loi-cho-nhu-cau-di-lai-cua-nguoi-dan-727980