Đường dưới cầu Rạch Chiếc lại bị chặn, ôtô buộc phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội

Đường dưới cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, TP HCM) lại bị chặn, khiến cho người dân 2 bên cầu nếu đi ôtô vào trung tâm thành phố buộc phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội.

Trạm BOT xa lộ Hà Nội. Ảnh: Lê Xuân Thọ

Theo người dân, trước khi đường này bị chặn, người dân ở đây khi cần lái ôtô vào trung tâm thành phố, chỉ cần theo lối này, đi dưới dạ cầu rồi theo đường dẫn để quẹo phải lên cầu Rạch Chiếc, sau đó theo xa lộ Hà Nội đi thẳng về hướng trung tâm thành phố.

Cụ thể, đối với người dân sống ở phường Phước Long A (bên phải cầu Rạch Chiếc theo hướng nam - bắc), họ có thể đi theo đường Nam Hòa rồi nhập vào đường song hành Xa lộ Hà Nội, đến khúc cua gần dạ cầu Rạch Chiếc, sẽ rẽ phải để nhập vào đường dẫn cầu, sau đó đi dưới dạ cầu và theo đường dẫn lên cầu Rạch Chiếc và rẽ phải để lên cầu.

Đối với người dân sống ở phường Trường Thọ (bên trái cầu Rạch Chiếc theo hướng nam - bắc), thì họ đi theo đường Nguyễn Văn Bá rồi nhập vào đường song hành Xa lộ Hà Nội. Khi vừa qua khỏi dạ cầu, rẽ trái để nhập vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc, sau đó đi dưới dạ cầu và theo đường dẫn và rẽ phải để lên cầu.

Hai hướng tuyến này sẽ giúp cho người đi ôtô không phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội.

Lối rẽ (tô màu đỏ) bị chặn. Ảnh: Lê Xuân Thọ

Tuy nhiên, kể từ khi bị chặn, ôtô từ đường song hành xa lộ Hà Nội không thể rẽ vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc, mà phải theo đường Nguyễn Văn Bá để rẽ phải vào xa lộ Hà Nội và phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội trước khi thẳng hướng vào trung tâm thành phố.

Hoặc có thể đi theo đường song hành xa lộ Hà Nội để tìm lối rẽ ra xa lộ Hà Nội, nhưng cũng phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội nếu muốn vào trung tâm thành phố.

Theo người dân, việc chặn đường này mới diễn ra trong khoảng thời gian gần đây. Theo quan sát của phóng viên, lối rẽ từ đường song hành xa lộ Hà Nội vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc bị chặn bởi 2 dải bê tông hình tam giác nằm nối nhau, ngoài ra, còn có thêm đất đá,…

Người điểu khiển xe gắn máy gặp khó khi đi qua chỗ chặn này. Ảnh: Lê Xuân Thọ

Anh Võ Quốc Bình, một người dân sống gần cầu Rạch Chiếc, cho rằng con đường vòng cung chữ U, là đường phía dưới dạ cầu (đường dẫn cầu Rạch Chiếc-PV) là đường dân sinh, không liên quan gì đến BOT, nhưng không có đường vô vì một đầu cắm biển một chiều, đầu kia biển cấm nên không có xe nào vô được.

“Nếu như anh chặn con đường này, thì ít nhất anh phải mở một con đường bên hông cho người ta đi. Bây giờ tôi hỏi vầy, tôi ở trong này, tôi có việc phải trung tâm, không lẽ tôi phải vòng xe đến trạm thu phí rồi chạy ngược lại, rất vô lí! Tôi đâu có nhu cầu đi ra, tôi chỉ có nhu cầu đi vô trung tâm”, anh Bình bức xúc.

Cũng theo anh Bình, từ việc chặn đường này, không biết bao nhiêu xe của dân bị hư. Đồng thời anh này khẳng định, việc buộc những người như anh phải “đi vòng” đến trạm thu phí rồi đóng 28.000 đồng để qua trạm thu phí là vô lí.

Xe gắn máy gặp nhiều khó khăn khi rẽ vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Lê Xuân Thọ

Ông Lê Văn Quân, chủ một xưởng sửa chữa máy móc bên cầu Rạch Chiếc cho biết chặn đường vầy khiến cho việc lên xuống xưởng của ông không được thuận lợi. Mỗi ngày ông phải tốn ít nhất 2 lần tiền để qua trạm thu phí.

Việc chặn đường ngoài khiến ôtô không thể đi, còn khiến cho những người điều khiển xe gắn máy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Bà Nguyễn Thị Vân, một người dân ở gần đây cho biết có rất nhiều xe máy bị trượt bánh, ngã.

Không thể rẽ xuống dạ cầu, ôtô này đành phải qua đầu về hướng đường Nguyễn Văn Bá. Ảnh: Lê Xuân Thọ

Thời gian phóng viên ghi nhận sự vụ vào ngày 3/7, cũng chứng kiến rất nhiều trường hợp xe gắn máy bị trượt bánh, suýt ngã, phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác mới đi được.

Phóng viên đã liên hệ với các cơ quan chức năng, đơn vị để làm rõ việc chặn đường này, và sẽ thông tin đến bạn đọc khi có thông tin mới nhất.

Cuối tháng 5/2022, chủ đầu tư Trạm BOT Xa lộ Hà Nội đặt dải bê tông chặn đường, cũng ngay tại vị trí từ đường song hành xa lộ Hà Nội rẽ vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc, khiến cho người dân buộc phải qua trạm thu phí nếu muốn lái ôtô vào trung tâm thành phố.

Bị phản ứng, chủ đầu tư Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội nói rằng chỉ đặt tạm để đảm bảo an toàn thi công phần đường song hành xa lộ Hà Nội thuộc phường Phước Long A. Sau đó, “rào chắn” này đã được chủ đầu tư dỡ bỏ.

Lê Xuân Thọ

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tieu-dung-ban-doc/duong-duoi-cau-rach-chiec-lai-bi-chan-oto-buoc-phai-qua-tram-bot-xa-lo-ha-noi-178217.html