Đường đến tăng trưởng xanh, đi nhanh sẽ chiếm ưu thế

Trong phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều đặt ra mục tiêu phải sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn để tăng trưởng xanh. Theo đó, các nước đều đặt ra lộ trình cho từng ngành, từng lĩnh vực phải tham gia vào sản xuất xanh, cắt giảm phát thải nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, thời gian qua, sản xuất xanh trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, tiêu dùng… đã được quan tâm và triển khai ở các bộ, ngành, địa phương.

Vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, thành và diện tích chỉ chiếm 9% của Việt Nam nhưng lại đóng góp hơn 30% GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách của cả nước. Vì thế, đây là đầu tàu kinh tế của Việt Nam nên trong mọi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vùng đều đặt ra mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Đồng thời, Đông Nam Bộ cũng luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ để từng bước tham gia vào sản xuất xanh, đảm bảo tăng trưởng xanh.

Khoảng 5-6 năm trở lại đây, các nhãn hàng quốc tế ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. Trong đó, yêu cầu các nhà máy sản xuất phải sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng sạch cho quá trình sản xuất để đảm bảo các tiêu chí xanh. Những doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất xanh thường chiếm được nhiều lợi thế về đơn hàng, thị trường tiêu thụ. Hiện hàng trăm nhãn hàng quốc tế đưa ra lộ trình để các nhà máy gia công, liên kết phải tham gia vào sản xuất xanh. Vì thế, ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ muốn tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các nước thì buộc phải nhanh chóng tái cơ cấu, tham gia vào sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh. Theo các chuyên gia kinh tế, con đường này nếu doanh nghiệp, quốc gia nào đi nhanh sẽ chiếm được nhiều ưu thế. Vì xu hướng của người tiêu dùng trong nước, thế giới sẽ chọn những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Ở Đồng Nai, sản xuất xanh đã được quan tâm triển khai từ nhiều năm trước. Cụ thể, hơn 10 năm trước tỉnh đã có quy định thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) để triển khai thí điểm mô hình Khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí thế giới. Dự kiến, sau khi thành công, mô hình này sẽ nhân rộng ra cả nước. Thực tế, hiện nay nhiều khu công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ đang chuyển đổi công nghệ để hướng đến sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Theo quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 thì đây sẽ là đầu tàu kinh tế mạnh, phát triển bền vững, tăng trưởng nhanh và xanh.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/duong-den-tang-truong-xanh-di-nhanh-se-chiem-uu-the-4f344ef/