Đương đầu với phòng vệ thương mại - kinh nghiệm từ ngành thép

Các doanh nghiệp cần xác định biện pháp PVTM là không thể tránh khỏi trong thương mại quốc tế, nên nâng cao năng lực pháp lý của doanh nghiệp khi tham gia các vụ kiện là điều tối cần thiết.

“Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN và thậm chí cả Liên minh Kinh tế Á - Âu…”.

Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến: “Rủi ro phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA - Nhìn từ vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam” do Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM - Bộ Công Thương) tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội.

Mặt hàng thép là đối tượng điều tra thường xuyên

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, thời gian qua, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp PVTM cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Nhìn rộng ra, trong bối cảnh nhiều FTA Việt Nam tham gia và ký kết có hiệu lực, rủi ro bị điều tra PVTM cũng gia tăng theo. Đặc biệt trong khoảng 2 năm trở lại đây, sản phẩm thép trên thị trường quốc tế thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế suất áp dụng rất cao.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Từ tháng 10/2021, Mexico đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam, với quãng thời gian điều tra khá dài (khoảng 10 tháng - tương đương 210 ngày). Đây là vụ kiện PVTM đầu tiên của Mexico nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cũng là vụ việc PVTM đầu tiên một nước thành viên Hiệp định CPTPP điều tra Việt Nam sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Tại diễn đàn, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ khi CPTPP có hiệu lực (14/1/2019), kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam sang thị trường Mexico tăng trưởng mạnh mẽ. Đối với sản phẩm thép, trong 3 năm gần đây, đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép sang Mexico đã vượt con số 700.000 tấn, với giá trị gần 800 triệu USD cho thấy Mexico là điểm đến, là một thị trường rất tiềm năng cho xuất khẩu thép Việt Nam.

“Với năng lực xuất khẩu và khả năng tiếp nhận mạnh mẽ, khi thép Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Mexico cũng như các thị trường FTAs, việc đối mặt với các vụ kiện PVTM là điều dễ hiểu. Các DN Việt Nam đã sẵn sàng cuộc chơi này mặc dù khả năng thép Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu sang thị trường này, ảnh hưởng đến hiệu quả, công ăn việc làm của doanh nghiệp xuất khẩu thép”, ông Đa nhìn nhận.

Theo ông Đa, VSA đã phối hợp cùng Cục PVTM hướng dẫn cho DN chuẩn bị số liệu, sổ sách, tài liệu để trả lời, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra Mexico. VSA cũng khuyến cáo các DN mở rộng chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước, thực hiện đạo đức kinh doanh, công khai, minh bạch trong quản trị để hạn chế thấp nhất những cáo buộc dẫn đến các cuộc điều tra PVTM.

TS. Hoàng Ngọc Thuận – Đại học Ngoại Thương.

TS. Hoàng Ngọc Thuận – Đại học Ngoại Thương.

Nâng cao năng lực pháp lý cho DN

Đánh giá về năng lực pháp lý của DN Việt Nam cùng những khuyến cáo cụ thể, TS. Hoàng Ngọc Thuận – Đại học Ngoại Thương cho rằng, các DN Việt Nam nói chung cần xác định, các biện pháp PVTM là không thể tránh khỏi trong thương mại quốc tế và năng lực pháp lý của DN khi tham gia vào các vụ kiện rất quan trọng. Hiện nay không nhiều DN trong nước có bộ phận pháp chế riêng, nhất là cán bộ am hiểu về PVTM. Bên cạnh đó, nguồn lực về tài chính cũng là vấn đề.

“Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải có nguồn lực tài chính để ứng phó với các cuộc điều tra PVTM cũng như các rủi ro pháp lý khi tham gia vào thị trường mới. Nguồn lực tài chính này dành cho thuê luật sư, công ty tư vấn nước ngoài. Ví dụ như vụ điều tra thép của Mexico, các DN không chỉ sử dụng luật sư trong nước mà cần thuê đội ngũ tư vấn từ Mexico. Ngoài ra là hệ thống sổ sách của DN phải rõ ràng, minh bạch, nhất là hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực quốc tế”, TS. Hoàng Ngọc Thuận lưu ý.

Đánh giá mức độ rủi ro của vụ việc cũng như khả năng ứng phó của DN và sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho rằng, đây là vụ kiện thứ 19 của các nước đối với thép mạ Việt Nam, nên các DN đã làm quen với quy trình của một vụ kiện. Ngành thép luôn chủ động thu thập thông tin và chủ động hợp tác với cơ quan điều tra.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM - Bộ Công Thương.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM - Bộ Công Thương.

Theo bà Giang, với mục tiêu hỗ trợ DN chủ động ứng phó với các cuộc điều tra PVTM, chủ động sử dụng công cụ PVTM bảo vệ sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đề ra 5 trụ cột chính trong nhiệm vụ của mình. Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lý để DN có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn trong bảo vệ sản xuất trong nước; Hai là, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác PVTM ở các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Ba là, tăng cường đào tạo cho các ngành hàng, với từng thị trường cụ thể; Bốn là, tăng cường năng lực cho các trường Đại học, Viện nghiên cứu - nơi đào tạo đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý; Năm là, tăng cường đối thoại với các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam, thường xuyên sử dụng biện pháp PVTM cũng như những đối tác mà Việt Nam nhập khẩu nhiều, nhằm tăng cường vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực PVTM./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/duong-dau-voi-phong-ve-thuong-mai-kinh-nghiem-tu-nganh-thep-911344.vov