Đường 20 Quyết thắng - Tuyến đường của ý chí, quyết tâm

Đường 20 Quyết thắng là tuyến đường đã có công rất lớn trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.

Cựu lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình ôn lại kỷ niệm mở đường 20 Quyết Thắng 65 năm về trước. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Cựu lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình ôn lại kỷ niệm mở đường 20 Quyết Thắng 65 năm về trước. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tỉnh Quảng Bình có 4 con đường cắt ngang dãy Trường Sơn hùng vĩ nối với nước bạn Lào gồm: Đường 12, 20, 10 và 16.

Đường 20 Quyết thắng là tuyến đường đã có công rất lớn trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đây cũng là tuyến đường trục ngang có mức độ khốc liệt nhất, mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn.

Tuyến đường phá thế độc đạo

Tuyến đường 20 Quyết thắng có chiều dài 125km, xuất phát từ Km số 0 (thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, nay là thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Bùm (Lào). Đây là tuyến đường chi viện huyết mạch cho chiến trường miền Nam, phá thế độc đạo nối liền Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên “đất lửa” Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Từ cuối năm 1964, bộ đội Trường Sơn bắt đầu chuyển từ gùi thồ sang vận chuyển cơ giới.

Tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất lúc này là đường 12 từ Khe Ve, Mụ Giạ, nối với đường 128 trên đất Lào, qua Seng Phan, Lùm Bùm... nhập vào đường 9 tại Na Bo.

Tuy nhiên, tuyến đường này trở thành “tử huyệt” đánh phá của đế quốc Mỹ khiến việc tiếp tế vũ khí, lương thực, đạn dược cho chiến trường miền Nam không thể thông suốt.

Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 trình và được Quân ủy Trung ương chuẩn y kế hoạch mở trục đường ngang mới (đường 20) xuất phát từ Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Ông Lê Công Phú, nguyên chiến sỹ Đại đội 7, Thanh niên xung phong Quảng Bình (sau là Đại đội 3, Đội 25 Thanh niên xung phong) nhớ lại, cuối tháng 12/1965, Đại đội 7 với 227 nam, nữ cùng đơn vị thanh niên xung phong quê Nam Hà, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và các đơn vị bộ đội, khoảng 8.000 người được lệnh cùng tập hợp mở đường 20.

Đúng 17 giờ ngày 30 Tết Bính Ngọ năm 1966, Phó Tư lệnh Đoàn 559 Nguyễn Tường Lân đã ra lệnh nổ đợt bộc phá đầu tiên hưởng ứng chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường Quyết thắng.” Đại đội 7 được phân công mở đoạn đường từ Km13-16.

 Ông Lê Công Phú, nguyên Chiến sỹ Đại đội 7 Thanh niên xung phong Quảng Bình, kể về quá trình gian khó mở đường 20 Quyết Thắng năm xưa. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Ông Lê Công Phú, nguyên Chiến sỹ Đại đội 7 Thanh niên xung phong Quảng Bình, kể về quá trình gian khó mở đường 20 Quyết Thắng năm xưa. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Theo ông Lê Công Phú, trong chiến dịch mở đường 20 Quyết thắng, đơn vị của ông cùng các lực lượng đã nổ mìn, phá đá, đào cây, san đèo, bạt núi với quyết tâm sớm nhất chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Đại đội 7 luôn dẫn đầu về năng suất cao, chất lượng tốt. Sau khi tuyến đường hoàn thành, Đại đội 7 (Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình) được Ban Chỉ huy công trường 20, Đoàn 559 đánh giá là đơn vị dẫn đầu, được Trung ương Đoàn tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi.

Ngày 31/5/1966 là dấu mốc lịch sử đáng nhớ, ngày cửa khẩu đường 20 được mở tuyến.

Cũng từ đó đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, vượt lên hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ, các đoàn xe từ Bắc vào Nam vẫn đêm đêm lăn bánh băng qua các trọng điểm của đường 20 Quyết thắng đưa hàng hóa, đạn dược vào tiền tuyến miền Nam.

Các chiến sỹ cầu đường, thanh niên xung phong bám trụ ngày đêm, bảo vệ mạch máu giao thông.

Có thể nói, tuyến đường 20 thể hiện ý chí quyết tâm “phá thế độc tuyến” trên mặt trận giao thông vận tải của bộ đội ta. Đây là con đường được hoàn thành từ công sức của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phung, anh chị em công nhân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật... hầu hết đều ở lứa tuổi 20 nên Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đặt tên đường là đường 20 Quyết thắng, nguyên chiến sỹ Đại đội 7 (Thanh niên xung phong Quảng Bình) Lê Công Phú nhớ lại.

Để chia cắt tuyến đường 20 Quyết thắng chiến lược này, đế quốc Mỹ đã rải xuống đây hàng triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học… nhiều rừng cây bị chết cháy, sông suối nhiễm độc.

Tuy nhiên, lực lượng bộ đội Trường Sơn, lực lượng thanh niên xung phong của ta vẫn kiên cường bám trụ; hàng trăm tọa độ lửa và hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường huyết mạch này.

Nhớ về những ngày tháng bám trụ tại đường 20 Quyết thắng, bà Lê Thị Xuân Thu, nguyên chiến sỹ Đại đội 7, Thanh niên xung phong Quảng Bình sau chuyển lên Cục Tham mưu vận chuyển (Đoàn 559) chia sẻ địch điên cuồng ném bom hòng chặn đứt tuyến đường 20 Quyết thắng, ta lợi dụng vào hang đá, các hầm chữ A được đào cạnh trọng điểm ngay bên lề đường, sẵn sàng chuẩn bị dụng cụ để địch đánh tắc đường là kịp thời thông đường cho xe lăn bánh.

Bà Xuân Thu còn nhớ sau những trận bom dội xuống, trời mưa to đất đá đổ ngổn ngang, các chiến sỹ, thanh niên xung phong đã thức suốt đêm trong mưa rét, bằng mọi giá để thông đường và dẫn dắt từng chiếc xe qua trọng điểm an toàn.

Có thể nói, tất cả mọi suy nghĩ, hành động lúc đó đều tập trung cao độ cho con đường, cho sự nghiệp cao cả chi viện cho chiến trường miền Nam, bà Lê Thị Xuân Thu chia sẻ thêm.

Theo thống kê ghi chép, trên tuyến đường 20 Quyết thắng, những địa danh như: Km số 0, dốc Đồng tiền, ngầm Trạ Ang, cua chữ A..., địch đã đánh phá trên 3.000 trận, trong đó 270 trận bằng B52.

Nối tiếp cua chữ A là ngầm Ta Lê và đèo Phu La Ních dài 8km, địch đánh hơn 10.000 lần, trong đó, 2.450 lần bằng B52.

Trung bình mỗi chiến sỹ tại tuyến đường 20 Quyết thắng chịu đựng 1.000 quả bom các loại. Qua đó có thể thấy trên tuyến đường 20 Quyết thắng, biết bao mồ hôi, xương máu của bộ đội Trường Sơn, công binh, pháo binh, lái xe, thanh niên xung phong đã đổ xuống, đổi lại là những chuyến xe thông suốt đưa hàng hóa, đạn dược ra tiền tuyến với mục tiêu “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.”

Sức sống hồi sinh trên tuyến đường huyền thoại

Dọc tuyến đường 20 Quyết Thắng hôm nay, rừng cây chết cháy, đất trống đồi trọc do bom đạn cày xới đã không còn, thay vào đó là những cánh rừng bạt ngàn hùng vĩ một màu xanh đầy sức sống.

Tỉnh Quảng Bình đầu tư, nâng cấp dọc theo tuyến đường 20 Quyết thắng để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Đây cũng là con đường của tình hữu nghị giữa nhân dân hai tỉnh Quảng Bình và Khammouane (Lào).

 Tặng quà ông Lê Công Phú (bên trái), nguyên Chiến sỹ Đại đội 7, Thanh niên xung phong Quảng Bình. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tặng quà ông Lê Công Phú (bên trái), nguyên Chiến sỹ Đại đội 7, Thanh niên xung phong Quảng Bình. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa, song trên tuyến đường 20 Quyết thắng huyền thoại có rất nhiều tượng đài, đền tưởng niệm, bia đá khắc ghi chiến công và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ.

Con đường mang khát vọng của niềm tin và ý chí năm xưa, nay đã trở thành điểm đến của bao thế hệ, nối gần lại khoảng cách của vùng biên viễn với đồng bằng tỉnh Quảng Bình.

Chỉ dài 125km nhưng con đường lịch sử 20 Quyết thắng là “điểm hẹn” của nhiều di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Trong đó, phải kể đến Đền thờ Di tích Lịch sử Hang 8 Cô, bia tưởng niệm Hang Cô Y tá, Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn - đường 20 Quyết thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP (nơi tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến... đã từng tham gia chiến đấu và giữ gìn tuyến đường).

Đầu năm 2024, Công ty Oxalis Holiday đã xây dựng và đưa vào khai thác tour du lịch “Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại.” Đây là tour du lịch nối liền những điểm đến thiên nhiên giữa Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và những di tích lịch sử trên con đường 20 Quyết thắng.

Qua đó, góp phần bồi đắp niềm tự hào, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; nơi gặp gỡ, ôn lại những năm tháng hào hùng của các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu và bảo vệ con đường huyết mạch này.

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Du (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch) chia sẻ thăm lại tuyến đường xưa, ông thấy nơi đây đã có nhiều thay đổi, cuộc sống người dân dọc tuyến đường phát triển mạnh mẽ.

Cùng với thiên nhiên hùng vĩ, các điểm du lịch hấp dẫn trong quần thể của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các di tích lịch sử trên đường 20 Quyết thắng đang là điểm đến lý tưởng để cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong thăm lại chiến trường xưa, vùng đất cũ và hương khói cho những đồng đội đã khuất.

Hiện nay, đời sống kinh tế người dân sống dọc trên tuyến đường được nâng lên.

Người dân 18 bản đồng bào dân tộc Ma Coong, A Rem vùng biên giới Việt-Lào nơi đường 20 Quyết thắng đi qua chú trọng tham gia các hoạt động du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng-an ninh được quan tâm; thu nhập kinh tế của người dân được cải thiện đáng kể.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) Đinh Cu khẳng định tuyến đường 20 Quyết thắng đi qua địa bàn xã gần 50km, hiện với việc nâng cấp mở rộng tuyến đường đã tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế.

Người dân khi đi khám chữa bệnh dễ dàng hơn. Đặc biệt, việc vận chuyển phân bón, trang thiết bị phục vụ sản xuất thuận lợi hơn.

Đường giao thông thuận lợi, thông suốt là yếu tố tiên quyết để từ tháng 2/2024 vừa qua, điện lưới quốc gia đã được kéo về, thắp sáng cho 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch. Qua đó, giúp cải thiện cuộc sống của đồng bào và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng đất anh hùng trên tuyến đường 20 Quyết thắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/duong-20-quyet-thang-tuyen-duong-cua-y-chi-quyet-tam-post948471.vnp