Được và mất khi lao động vùng cao ồ ạt rời bản làng (Bài 3)

Trước tình hình thực tế, các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An đã đưa ra các giải pháp định hướng, kết nối nghề nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi cho lao động khi rời địa bàn đi làm ăn xa. Cùng với đó, các địa phương chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, từng bước giúp bà con thoát nghèo trên chính mảnh đất mình sinh sống.

Bài 3: Trăn trở tìm giải pháp mang lại “lợi ích kép”

Để lao động rời quê giảm bớt rủi ro

Theo thống kê của chính quyền địa phương, mỗi năm, huyện Tương Dương có trên 10 nghìn người trong độ tuổi lao động rời quê đi làm ăn xa, ở địa bàn huyện Kỳ Sơn là trên 16 nghìn người và huyện Quế Phong khoảng 7 nghìn người. Phần lớn số người ly hương tại các địa phương là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực vùng cao, biên giới, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Ồ ạt rời bản làng, họ tìm đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để làm những công việc, với mức thu nhập khác nhau. Một điều đáng chú ý, không ít người dân vì nhận thức giản đơn, quá trình tìm kiếm việc làm đã bị lừa gạt trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị bóc lột sức lao động, bị lôi kéo tham gia tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật...

Chính quyền xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn tổ chức gặp mặt lao động đi làm ăn xa trở về trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Viết Lam

Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương, trực tiếp là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An đã chú trọng đưa ra các giải pháp định hướng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân một cách linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Những năm gần đây, các huyện vùng cao thường xuyên tổ chức nhiều phiên hội chợ việc làm với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động đến từ nhiều địa phương khác nhau. Điều đó đã giúp người dân và doanh nghiệp tuyển dụng có cơ hội để “gặp” được nhau. Công ty 716, Binh đoàn 15 (đóng tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) hiện đang có trên 1 nghìn lao động chăm sóc, khai thác mủ cây cao su.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Văn Đoàn, Phó Giám đốc Công ty 716 cho biết: “Trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất, chúng tôi ưu tiên tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương và từ các tỉnh, thành khác đến. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 50% công nhân đang làm việc đến từ các huyện vùng cao, biên giới như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Khi làm việc tại công ty, bà con được đào tạo nghề, đáp ứng đầy đủ về quyền lợi như chỗ ăn ở, tham gia bảo hiểm xã hội và con cái được học tập tốt. Chúng tôi cũng giữ mối liên hệ chặt chẽ với đại diện chính quyền địa phương cung ứng lao động để trao đổi tình hình liên quan”.

Tuy nhiên, có một thực tế, số lượng lao động tại các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An tìm được việc làm thông qua giới thiệu của cơ quan chức năng của địa phương vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Còn phần lớn người dân khi rời quê vẫn tự liên hệ tìm việc làm tại nhiều địa điểm khác nhau. Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sinh kế chưa đảm bảo, số người trong độ tuổi lao động ly hương đi làm ăn xa như một nhu cầu tất yếu. Cùng với công tác đào tạo, định hướng, giới thiệu việc làm, hằng năm, chúng tôi đều chỉ đạo UBND các xã tổ chức gặp mặt lao động tại địa phương đi làm ăn xa trở về. Thời gian tổ chức thường vào dịp bà con về quê nghỉ Tết Nguyên đán, với sự tham gia của cán bộ xã, Công an, BĐBP. Cùng với hoạt động thăm hỏi, động viên nhân dân, đại diện chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cũng cung cấp những thông tin, cảnh báo về thủ đoạn của các loại tội phạm để nhân dân biết phòng tránh trong quá trình tìm việc làm”.

Giúp người dân phát triển kinh tế tại chỗ

Xuyên suốt quá trình dài, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn có những chính sách ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực khó khăn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với những chủ trương lớn, chính quyền các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An cũng đưa ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, phát huy lợi thế về thiên nhiên, văn hóa giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên chính mảnh đất mình sinh sống. Những năm gần đây, không ít địa phương đã xây dựng được một số mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển du lịch cộng đồng đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Đồn Biên phòng Tam Hợp và chính quyền địa phương cùng các đơn vị tặng bò giống cho nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Viết Lam

Những ngày đầu tháng 4/2024, bà con nông dân ở các bản: Huồi Sơn và Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đang khẩn trương thu hoạch củ nghệ được trồng trên các sườn đồi cao. Toàn bộ nông sản của bà con được Tổng đội Thanh niên xung phong 9 thu mua với giá ổn định, chế biến thành tinh bột cung cấp ra thị trường. Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Trung Úy, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong 9 cho biết: “Những năm qua, chúng tôi đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Hợp và chính quyền địa phương để hướng dẫn cho 200 hộ dân trên địa bàn trồng cây nghệ đỏ. Nông sản của bà con được đơn vị thu mua với giá ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều gia đình. Cùng với trồng nghệ, chúng tôi cùng BĐBP, chính quyền địa phương còn tổ chức trao tặng giống gia súc, gia cầm để người dân phát triển chăn nuôi”.

Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, thời gian gần đây, nhân dân xã Mường Lống đã học cách làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế. Khu du lịch Mường Lống Eco Garden do một người dân địa phương làm chủ đang thường xuyên giải quyết việc làm cho 12 lao động người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn với mức thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, trên vùng đất được mệnh danh như Sa Pa của xứ Nghệ, có 5 gia đình phát triển du lịch theo hướng homestay mang lại thu nhập ổn định. Phát triển du lịch đang thực sự tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động, cùng với đó, số lượng lớn nông sản của bà con cũng được khách du lịch tiêu thụ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Chính quyền địa phương đang tập trung giúp nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, khai thác tiềm năng thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, giải quyết việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Chúng tôi luôn trăn trở để làm sao ngày càng có nhiều hộ gia đình thoát nghèo trên chính mảnh đất biên giới, qua đó, cân bằng nguồn lực lao động tại địa phương”.

Viết Lam - Thu Thủy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duoc-va-mat-khi-lao-dong-vung-cao-o-at-roi-ban-lang-bai-3-post474825.html