Được thầy Văn Giá 'giải mê'

Đã chục năm trôi qua kể từ ngày tốt nghiệp đại học, những hồi ức về thầy Văn Giá vẫn trở đi trở lại trong tôi như một trong những kỷ niệm đẹp nhất của thuở học trò

Có lần về trường, chào thầy xong, tôi nói: "Thưa thầy! Chúng em xin phép về thi lại vào khoa được không ạ?". Thầy cười: "Tớ hết chữ để dạy các cậu rồi!". Tinh thần khiêm nhường ấy nơi thầy khiến tôi vừa kính lại vừa yêu theo đúng nghĩa tình thầy trò.

Vượt được thầy, càng xa càng tốt!

Ngay từ những buổi đầu đi học, khi biết tôi cùng quê hương Bắc Giang, PGS-TS Ngô Văn Giá đã quan tâm từ nơi ăn chốn ở của cậu học sinh từ quê ra phố khiến tôi rất xúc động.

Có lẽ cần nhắc lại như thế để dần nhớ lại những ngày được lắng nghe thầy giảng trên lớp. Ngay buổi đầu tiên, thầy đã hướng tới mục tiêu: "Tôi sẽ giải mê cho các cậu" trước những ảo tưởng, mơ mộng thuở ban sơ của mỗi chúng tôi trong cõi văn chương đầy huyền ảo, ma mị. Cái cõi đã từng khiến biết bao người chìm đắm chẳng biết mình ở đâu.

Lời thầy giảng, tôi chép được một ý hay ngay ngày hôm đó: "Làm sao dám cả gan cầm bút để chinh phục thiên hạ mà không đọc, không học, không chịu trang bị tri thức cho mình". Vậy là, như một hạt cây mới nảy mầm he hé trên mặt đất với bao năm học sinh, nay chúng tôi đa số từ các vùng quê khác nhau tới thủ đô để theo học. Đa số chúng tôi bị choáng ngợp bởi cuộc sống nơi phố xá. Sốc văn hóa theo cả nghĩa gần là sự hòa nhập cuộc sống, cũng như nghĩa xa hơn là được tiếp cận với những bộ não thông thái nhất của văn chương Việt Nam đương đại, cùng với nhiều chuyên gia đầu ngành của khoa học xã hội trong nước và một số từ nước ngoài.

Thầy Văn Giá cùng tác giả gặp gỡ, hàn huyên

Thầy Văn Giá cùng tác giả gặp gỡ, hàn huyên

Ngoại trừ một số tác giả được học từ hồi phổ thông, khi nghe thầy Văn Giá, chúng tôi được biết thêm một số tác giả đương đại, từ Bảo Ninh tới Nguyễn Huy Thiệp, rồi rất nhiều gương mặt đặc sắc nữa mà tôi không thể nhớ hết. Đúng ra cho tới lúc ấy, tôi cũng đã sang tuổi 18-19 rồi nhưng chưa hề được nghe tên những tác giả ấy. Sau nữa, thầy mở rộng sang các tác giả văn chương thế giới. Từ các nhà phê bình như Bielinsky đến Bakhtin, Milan Kundera, Umberto Eco và hàng loạt nhà văn lừng lẫy thế giới. Thầy yêu cầu chúng tôi phải đọc dần, đọc hết các tác giả ấy. Quả là một thử thách quá lớn với chúng tôi. Lời thầy tóm gọn vào: Đọc, đọc, đọc…

Khi thầy nhắc về tầm vóc, về sự vạm vỡ của văn học ở một quốc gia, thầy lưu ý các nhà nghiên cứu sẽ để tâm trước hết tới tiểu thuyết. Thầy chia sẻ nguyện vọng, tâm tư, khao khát viết được một cuốn tiểu thuyết được như ý. Trong ngồn ngộn những luồng suy tưởng của thầy, thầy mong các học trò sẽ vượt thầy, vượt càng xa càng tốt. Thầy bảo: "Có nhiều người tài giỏi ghê gớm, nhiều lúc tôi cũng thấy mình thật hèn mọn".

Tận tâm, tận lực với giáo dục

Một bộ não với bao tri thức thầy truyền đạt cho chúng tôi, với tất cả lòng khiêm cung, thỉnh thoảng ánh lên vệt sáng đầy kiêu hãnh của một trí thức. Tôi thấy ở thầy Văn Giá có sự tận tâm với học trò, tận lực với nghiên cứu lao động nghệ thuật, tận hiến với giáo dục nước nhà. Tôi vẫn luôn dõi theo thầy từ xa, thỉnh thoảng vẫn đọc một số các quan điểm, luận bàn, nhìn nhận, nghiên cứu của thầy. Tôi luôn dành cho thầy sự kính trọng đặc biệt.

Chuyện đi học của chúng tôi không chỉ ở chuyện bàn đến những tinh túy nhất của văn chương Việt Nam và thế giới. Thầy còn sửa cả tính ăn nết ở của chúng tôi. Nhớ lại ngày ấy, tôi mặc chiếc áo đồng phục thời phổ thông đi học, thầy bảo tôi bỏ đi, bỏ dứt khoát, cất đi làm kỷ niệm. Nhân chuyện chiếc áo, thầy bảo chúng tôi phải thay đổi tư duy, từ bỏ những cái cũ mòn sáo rỗng, những thứ văn chương đèm đẹp và ô mai, truyện tranh…

Thầy cũng cảnh báo chúng tôi, văn chương sẽ không nuôi được cuộc sống sau này của các trò. Thầy hướng cho các bạn viết báo, thầy bảo thầy viết cả những bình luận nho nhỏ, nhuận bút chỉ từ vài chục ngàn. Đó là những định hướng ban đầu cho chúng tôi.

Thầy dặn dò chúng tôi mấy chữ "phá chấp" khi phải đối mặt chuyện này chuyện kia. Thầy lại cấm cái sự đố kỵ, đặc biệt là đố kỵ trong văn chương. Những buổi đầu bỡ ngỡ ấy, thầy khuyến khích chúng tôi không chỉ đọc các kinh điển văn học, còn nên đọc văn thơ của nhau.

Trong lớp, có môn sáng tác định kỳ. Thỉnh thoảng ai đó trong đám học trò chúng tôi thích triết lý, lại triết lý ngây ngô chút, thầy phê bình rất nặng. Khi viết truyện ngắn, thầy lưu ý đến các hạt vàng, những tình tiết đáng chú ý để găm vào trí nhớ độc giả. Thầy mơ ước mỗi khóa sinh viên nổi lên một vài gương mặt đã là thành công. Thầy bảo: "Chúng tôi không ảo tưởng đào tạo ra các nhà văn nhưng với những người có năng khiếu, sẽ đào tạo viết được văn". Nghe viết được văn, nghĩ thì đơn giản, sau này tôi mới hiểu đó là một thử thách rất lớn và rất khó, khó cả với thầy. Khi thầy giảng về thơ, thầy lưu ý chúng tôi hạn chế dùng những từ như: Rằng, thì, mà, là…

Một buổi học nọ, thầy đang giảng hăng say, thầy xin lỗi để nghe một cuộc điện thoại. Trong chừng dăm phút, tôi nhẩm tổng cộng thầy "vâng - dạ vâng" tổng cộng gần 100 lần. Thầy bảo đó là cuộc gọi của GS Lương Duy Thứ, thầy của thầy. Những ứng xử mẫu mực ấy đã thấm sâu vào trí nhớ chúng tôi như là một trong những biểu hiện cao nhất của tinh thần tôn sư trọng đạo đầy tốt đẹp của dân tộc và nhân loại.

Bao kỷ niệm lấp lóa thỉnh thoảng lại rọi về tâm tưởng, nhớ thầy…

Bài và ảnh: Phụng Thiên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/duoc-thay-van-gia-giai-me-196240222201319797.htm