Được sống chậm

Lâu, thật lâu mới có được mấy ngày sống chậm. Đó là những ngày không đủ khỏe để đi làm, nhưng không quá yếu đến mức phải nằm trên giường bệnh ở bệnh viện.

Những ngày “được nghỉ” ở nhà, được tự chăm sóc, được lắng nghe cơ thể mình, được cảm nhận “cái nhiệt kế” nóng lạnh thất thường, được thận trọng từng bước chân như sợ vấp phải chướng ngại vật. Rồi được có cơ hội tìm hiểu cơ chế vận hành của cái máy đo huyết áp, được tự đeo cái thiết bị mà lần đầu mình tậu về, được học cách đặt đúng vị trí giữa cườm tay và lồng ngực khi khởi bấm nút “start” và cảm nhận được sự tiếp xúc giữa cái cỗ máy mini này với các “linh kiện” của bộ máy cơ thể đã lặng lẽ miệt mài vận hành suốt chừng ấy tháng năm mà chính “đầu não” của nó cũng không mấy hiểu về nó, vẫn mặc định, dù muốn hay không, nó đã thuộc về ta, chẳng cần nâng niu chiều chuộng, nó cũng chẳng có cánh mà bay. Trạng thái thường trực vừa ỷ lại, vừa ơ thờ, không dành thời gian lắng nghe hay cảm nhận tiếng thở dài của nó…

Sống chậm, dễ nói lắm, ai cũng nói, nói hay nữa, nhưng không dễ thực hành, hoặc thực hiện lơ lửng nửa vời. Bởi, ít ai lại không có cảm giác ngọn roi thời gian như đang quất túi bụi vào cổ, vào lưng mình. Nhất đối với người “manh động”, đầu óc cứ rọ rọ rạy rạy, còn đôi chân như có cái bánh xe lắp vào…

Sống chậm, dĩ nhiên là sống trong nhịp sống mà các giác quan có thể thong thả cảm nhận được không chỉ là cái ấm lạnh từ nhiệt kế của máu huyết thịt da, mà còn có thể cảm nhận được sự nóng lạnh từ “cái nhiệt kế” của tâm hồn. Bởi đó là những “lằn vạch” mờ tỏ nhạt nhòa không dễ gì đọc được chính xác, thậm chí là đọc không nổi nếu chỉ cậy nhờ vào ánh sáng từ đôi mắt.

Thường ngày, với nỗi lo thường trực của con người vốn sợ thời gian vừa xô đẩy, vừa giẫm đạp, vừa ruồng bỏ mình nên cứ bước vội, đi nhanh, thậm chí là nín thở để đi nhanh hơn, để rướn thêm, rướn thêm, chút nữa, chút nữa… Bởi, “Mùa xuân phía trước miên trường phía sau” (Bùi Giáng).

Thường ngày, với đôi chân khỏe, nhịp tim khỏe và còn bao dự định dở dang, ta luôn bị thúc ép bởi thời gian, thứ thúc ép âm thầm nhưng riết róng. Trạng thái co kéo này thường lấy cắp của ta những phút giây để thư thả, để ngắm nhìn, để cảm nhận và để lắng đọng. Khi đôi chân không khỏe và nhịp tim cần được nâng niu, ta cảm nhận rõ hơn những giờ phút tĩnh lặng thật quý giá. Những khoảnh khắc như thế khiến ta khe khẽ thì thầm: Ta yêu sự tĩnh lặng này, ta yêu nỗi cô đơn đầy ắp của mình. Nỗi cô đơn dường như luôn có đôi cánh kỳ diệu của nó. Nỗi cô đơn có thể đưa ta trở về mái nhà xưa, nơi chỉ còn vương lại ký ức, nhưng ta vẫn có thể hình dung được mùi rơm rạ, mùi cốm dẹp đầu mùa, nóng hổi, thơm phức.

Ta thấy lại cả đồng lúa chín vàng và những bụi bông súng vượt khỏi mặt nước ở những con mương chằng chịt, với những bông hoa dân dã màu cánh sen tinh khiết không kém gì những đóa sen… Và trong sự tĩnh lặng như mặt nước không gợn chút lăn tăn nào, ta thường gặp lại hình ảnh dấu yêu và những kỷ niệm yêu thương nổi trôi hay chìm khuất đâu đó.

Không vội vàng, không hấp tấp, ta thấy ta thong dong hơn, đĩnh đạc hơn. Rồi ta cũng bớt “ky bo” hơn, khi biết dành thời gian để tìm thấy sự tĩnh lặng. Và hình như chìm vào tĩnh lặng, ta mới có thể có cảm nhận được sự khoan thai của những giọt thời gian và còn có thể thấy được hình hài của nó. Đó còn là những giọt sương mong manh trên cánh hoa, trên lá cỏ mà ta có thể chạm vào và có thể giữ chút mát lành đó nơi thịt da.

BÍCH NGÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/duoc-song-cham-post680911.html