Được hỗ trợ sinh kế, phụ nữ vùng cao vươn lên làm chủ kinh tế

Nhờ được giao vốn, hướng dẫn tổ chức mô hình chăn nuôi, hỗ trợ máy móc, nhiều chị em người dân tộc thiểu số đã có trong tay 'cơ nghiệp' do chính mình làm chủ, từng bước thoát nghèo.

Chị Trương Thị Nhầu phấn khởi với đàn dê đang sinh trưởng tốt.

Vươn lên từ đói nghèo

Vượt qua chặng đường vào bản khá khó khăn, cheo leo, có những đoạn phải đi nhờ xe máy của bà con để vượt suối, chúng tôi tới nhà chị Trương Thị Nhầu, dân tộc Dao, ở thôn Hồng Sơn, xã Tiên Nguyên, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình (Hà Giang).

Đang dở tay cho đàn dê ăn, chị Nhầu niềm nở ra tiếp đón chúng tôi. Nhìn chị Nhầu phấn khởi thế này, không ai hình dung được chỉ 2 năm trước đây, gia đình chị gần như tay trắng, chẳng còn chút vốn liếng làm ăn.

“Gia đình tôi vốn là hộ nghèo, tài sản chỉ có hai con trâu, nhưng tháng 8/2022 vừa qua, cả hai con trâu đều bị lũ cuốn trôi. Thế là nhà tôi trắng tay, trong khi tiền vay mua trâu còn chưa trả hết. Không biết trông cậy vào đâu vì cả bên gia đình đều không có chỗ dựa; lúc đó vợ chồng tôi quá suy sụp”, chị Nhầu nhớ lại.

May mắn là tháng 9/2023, chị Nhầu được giới thiệu tham gia nhóm sinh kế nuôi dê, nằm trong dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam” (Dự án AWEEV) do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam triển khai.

Tham gia nhóm, chị Nhầu được hỗ trợ vay ngay 5 triệu đồng không tính lãi để mua hai con dê giống về chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những chị em tham gia trước đó, việc chăn nuôi dê của chị Nhầu khá thuận lợi. Chưa đầy 9 tháng sau, từ hai con giống ban đầu, đàn dê của chị đã nảy nở thêm 5 dê con.

Mô hình chăn nuôi dê giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.

“Từ 5 triệu đồng vốn vay ban đầu, đến nay tôi đã có trong tay số tiền kha khá, tôi cũng tự tin chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê cho các chị em vào nhóm sau. Trong nhóm sinh kế nuôi dê của thôn, chúng tôi được dự án hỗ trợ 40 triệu đồng, mỗi chị em được vay tối đa 5 triệu đồng theo hình thức vay quay vòng. Mỗi hộ được vay trong thời hạn 18 tháng, chia làm hai lần trả gốc để dành cho các chị em khác vay. Đàn dê giống mua về đều sinh trưởng rất tốt và tăng đàn nhanh”, chị Nhầu phấn khởi cho biết.

Chị Đặng Xà Trắm, trưởng nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn cho biết: “Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của các hội viên khác, nhiều chị em tại đây cũng muốn tham gia vào nhóm. Với số lượng chị em ngày càng đông, chúng tôi sẽ tách nhóm ra để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của nhóm, tạo thuận lợi cho các chị em dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế”.

Cũng vươn lên thoát nghèo nhờ ý tưởng mở xưởng trồng nấm, đến nay kinh tế gia đình chị Hoàng Thị Hiền (ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang), đã khá ổn định, xưởng nấm cho nguồn thu nhập đều.

“Có ý tưởng trồng nấm từ trước và khởi phát với chỉ 2.000 bầu nấm từ năm 2018, sau nhân rộng được tới 12.000 bầu, nhưng khi đó, với gia đình tôi, việc trồng nấm cũng chỉ “túc tắc” để có thêm đồng ra đồng vào. Đến năm 2023, khi được hỗ trợ từ Dự án AWEEV cho vay không lãi suất hơn 110 triệu đồng và được hỗ trợ máy đóng bầu hơn 30 triệu đồng, tôi mới thực sự thực hiện được ước mơ của mình. Nhờ đó, tôi đã mở rộng được quy mô xưởng, trồng được tới hơn 21.000 bầu nấm”, chị Hoàng Thị Hiền chia sẻ.

Sau khi được hỗ trợ, gia đình chị Hiền đã có đủ điều kiện để sản xuất, hiện xưởng nấm đã cho ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Hiện xưởng của chị Hiền đang trồng nấm sò, mỗi đợt xưởng cho thu hoạch hàng tạ nấm, đợt cao điểm doanh thu bình quân khoảng gần 1 triệu đồng/ngày.

Những mô hình làm kinh tế như của gia đình chị Hiền, chị Nhầu và các chị em trong các nhóm được hỗ trợ từ các dự án sinh kế đã cho thấy việc làm chủ kinh tế đã giúp cho vị thế của người phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao. Người phụ nữ giờ đây đã có tiếng nói hơn trong gia đình.

Xưởng nấm của chị Hoàng Thị Hiền.

Nâng cao quyền làm chủ cho phụ nữ

Chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Quang Bình, cho biết: “Nhờ các nguồn hỗ trợ, nhất là từ dự án CARE đã hỗ trợ sinh kế trong 2 năm qua, đời sống chị em người dân tộc thiểu số tại 6 xã trong vùng dự án đã có những thay đổi rõ rệt. Đáng mừng nhất là nhận thức của cộng đồng đã thay đổi, nhận thức của người đàn ông về vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng được nhìn nhận và đánh giá cao. Những người chồng cũng đã sẵn sàng chia sẻ việc nhà, bếp núc, chăm sóc con cái cùng với vợ”.

Nhờ vươn lên làm chủ kinh tế, chị em người dân tộc thiểu số cũng được giải phóng thời gian làm việc nhà không công, có thời gian để có thể tự chăm sóc bản thân mình, có những kế hoạch riêng cho bản thân.

“Khi vợ làm kinh tế cũng có chồng hỗ trợ, tham gia, nên mô hình này đã trở thành nguồn thu chính của gia đình tôi. Bên cạnh việc cùng tham gia việc nuôi trồng, chồng tôi cũng giúp vợ trong việc nhà, chăm sóc con cái. Tôi cũng có thời gian để giao lưu với các chị em, tham gia các chương trình của nhóm, học hỏi được nhiều hơn”, chị Hoàng Thị Hiền chia sẻ.

Chia sẻ về việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vùng cao, ông Nguyễn Đức Thành, Quản lý các dự án phát triển tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết: Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số” (AWEEV) được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở 6 xã của tỉnh Hà Giang và 3 xã của tỉnh Lai Châu với tổng kinh phí thực hiện trên 4,5 triệu đô la Canada.

Riêng tại Hà Giang, dự án đã được triển khai tại 6 xã, thị trấn của huyện Quang Bình với mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Tính đến cuối tháng 5/2023, dự án đã hỗ trợ được 6 tổ nhóm với sự tham gia của 150 phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện mô hình sinh kế nuôi gà, lợn, dê và trồng lạc.

Hiện nay, các mô hình sinh kế do dự án tài trợ vẫn đang được triển khai và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/duoc-ho-tro-sinh-ke-phu-nu-vung-cao-vuon-len-lam-chu-kinh-te-20240422151216920.htm