Đừng vì nỗi sợ bị bỏ lỡ mà mất thời gian vào những điều nhỏ nhặt

Để chiến thắng FOMO và FOBO, bạn cần phải xác định những điều bạn thật sự mong muốn, từ đó, bạn mới có thể chống lại các yếu tố gây mất tập trung.

 Khi bị FOMO hoặc FOBO chi phối, bạn lo lắng cả về những chuyện lớn lao, những chuyện bình thường, lẫn những chuyện nhỏ nhặt. Ảnh: The 19th News.

Khi bị FOMO hoặc FOBO chi phối, bạn lo lắng cả về những chuyện lớn lao, những chuyện bình thường, lẫn những chuyện nhỏ nhặt. Ảnh: The 19th News.

Các nhà lãnh đạo vĩ đại nổi tiếng nhờ tính quyết đoán của họ. Hãy thử nhìn lại những người đã thay đổi lịch sử như Abraham Lincoln, Rosa Parks và Mahatma Gandhi mà xem. Mỗi một nhân vật huyền thoại ấy đều từng đối mặt với một hoặc nhiều quyết định quan trọng gắn liền với những rủi ro cá nhân hoặc đe dọa tới sự nghiệp.

Nếu họ cũng chạy theo một danh sách ưu tiên dài lê thê, bị dao động hoặc không giữ vững cam kết thì chắc hẳn tất cả đã bị lịch sử lãng quên. Thay vào đó, họ khơi dậy làn sóng cách mạng giúp định hình lại thế giới quanh họ bằng cách hành động thật dứt khoát.

Các nhà lãnh đạo này được người đời đánh giá dựa trên những quyết định quan trọng mà họ đưa ra, bên cạnh đó, họ còn thực hiện vô số quyết định ít quan trọng hơn mà lẽ ra cũng nên nhận được sự chú ý. Nếu bạn không thể giải quyết các vấn đề đời thường, nếu bạn bỏ qua những điều nhỏ bé thì bạn cũng không đủ khả năng để đương đầu với những chuyện mang tầm vĩ mô.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn không nên quan tâm đến tiểu tiết. Steve Jobs vốn nổi tiếng về phong cách điều hành Apple rất cẩn trọng và một phần thế mạnh của ông là biết chi tiết nào quan trọng và chi tiết nào không. Ví dụ, tính thẩm mỹ của thiết kế sản phẩm là cực kỳ quan trọng đối với ông, nhưng chuyện đẹp xấu của trang phục thì không.

Steve Jobs nổi tiếng vì ngày nào cũng mặc một chiếc áo cổ lọ đen, quần jeans xanh và giày thể thao New Balance để có thể dành thời gian cho các vấn đề quan trọng hơn. Đối với một số người, việc chọn trang phục mỗi ngày là một cách thể hiện bản thân, nhưng đối với Steve Jobs, đó chỉ là chuyện vặt.

Khi bị FOMO hoặc FOBO chi phối, bạn lo lắng cả về những chuyện lớn lao, những chuyện bình thường, lẫn những chuyện nhỏ nhặt. Lúc nào cũng lo ngay ngáy.

Lo lắng về chuyện lớn là điều dễ hiểu rồi, nhưng nếu quyết định nào bạn cũng trăn trở như vậy thì bạn đang làm cho cuộc sống của mình trở nên phức tạp một cách không cần thiết. Tuy nhiên, dù biết một quyết định chắc chắn chỉ có vai trò bình thường thì bạn vẫn không thoải mái khi sống trong một môi trường quá nhiều lựa chọn liên quan đến các yếu tố công nghệ, sinh học, xã hội và văn hóa kích thích những nỗi sợ của bạn.

Bạn có thể muốn phát điên lên để giữ cho mọi thứ thật đơn giản. Nếu muốn mua một cặp dây cột giày trên Amazon, bạn sẽ phải chọn một trong số hơn 2.000 sản phẩm! Đó chỉ là một trong những cuộc vật lộn hàng ngày mà bạn phải vượt qua khi sống trong một thế giới cung cấp quá nhiều lựa chọn, khiến ngay cả những khách hàng muốn mua dây giày quyết đoán nhất cũng khó lòng cưỡng lại.

Để chiến thắng FOMO và FOBO, bạn cần phải xác định những điều bạn thật sự mong muốn, từ đó, bạn mới có thể chống lại các yếu tố gây mất tập trung. Thoạt nhìn vấn đề này tưởng chừng rất đơn giản, nhưng thật đáng kinh ngạc khi biết hầu hết mọi người hiếm khi dừng lại để suy nghĩ xem mình thật sự muốn đạt được gì trong cuộc sống. Hiện tượng này áp dụng cho những chuyện lớn lao, nhưng cũng là một vấn đề đời thường đáng ngạc nhiên, liên quan đến những quyết định vô hại mà bạn đưa ra mỗi ngày.

Chính vì vậy, bước đầu tiên để trở thành người quyết đoán là hãy suy nghĩ về những điều nhỏ bé. Tôi là người tin vào sức mạnh của chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”. Và cách bảo đảm nhất để nhanh chóng gặt hái được nhiều kết quả là tập trung giải quyết các quyết định ít quan trọng nhưng gây lãng phí thời gian và tạo nên sự căng thẳng, xao nhãng không cần thiết.

Làm được vậy, cuộc sống của bạn sẽ đơn giản đi rất nhiều. Nếu có thể rút ngắn thời gian đưa ra những lựa chọn hàng ngày, bạn sẽ rèn luyện được sự tự tin và khả năng ghi nhớ cần thiết để hành động kiên quyết hơn khi đối diện với các vấn đề có ảnh hưởng lớn. Đến đây, một câu hỏi tự nhiên bật ra là: Làm thế nào để phân biệt đâu là vấn đề nhỏ hoặc tầm thường, còn đâu là vấn đề đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực? Điều đó phụ thuộc vào mức độ ưu tiên.

 Nguồn ảnh: racv.

Nguồn ảnh: racv.

Bạn đã bao giờ dành cả ngày để trả lời hàng tá email bình thường để rồi nhận ra mình vẫn chưa động tay vào các nhiệm vụ cấp bách trong danh sách việc cần làm chưa? Dù biết mình cần chú tâm vào những vấn đề quan trọng hơn nhưng bạn vẫn bị cuốn vào việc dọn dẹp không gian làm việc trên máy tính vì nó giúp bạn cảm thấy mình đang làm việc thật hiệu quả. Nếu hiểu theo cách này, nhiệm vụ dọn dẹp hộp thư đến có thể được xem là một hành động “mờ ám”.

Tuy bề ngoài giống như một công việc, nhưng thật ra, đó là một hình thức trì hoãn được ngụy trang khá hợp lý. Bất kể là hộp thư đến hay cuộc hôn nhân của bạn thì khi chuyển sự chú ý sang các vấn đề không quan trọng, bạn sẽ không còn thì giờ, năng lượng hoặc kiên nhẫn để sắp xếp các vấn đề to lớn và quan trọng hơn. Bởi thế, hãy ngừng ngay những công việc tầm phào càng sớm càng tốt.

Để hiểu rõ hơn về cách sắp xếp thứ tự ưu tiên, bạn chỉ cần hỏi Đức ông Frederick Dolan, người thường xuyên chứng giám cho mọi người vào những sự kiện trọng đại trong đời. Đức ông Dolan là một linh mục có chút khác thường. Ông từng học thạc sĩ quản trị kinh doanh và sau một thời gian làm môi giới chứng khoán với Merrill Lynch, ông trở thành một linh mục Công giáo. Hiện tại, ông là cha xứ người Canada của Phủ Giám chức Thánh Giá Opus Dei. Với kinh nghiệm sống của mình, Cha Fred rút ra rằng trong những khoảnh khắc sinh tử, người ta chẳng còn sợ bất cứ thứ gì. Mọi lo lắng và thiếu quyết đoán đều trở nên sáng tỏ.

Sau biết bao lần chứng kiến điều này, ông đã khuyên các giáo dân rằng đừng đợi đến khi biến cố tiếp theo xảy ra mới biết ưu tiên những thứ quan trọng. Dolan dẫn lời của Đức Giáo hoàng Francis để nhấn mạnh thông điệp của mình: “Hãy nói không với một nền văn hóa phù phiếm, hời hợt và đáng bị xóa sổ, một nền văn hóa cho rằng bạn không có khả năng chịu trách nhiệm và đối mặt với những thách thức lớn của cuộc sống!”.

Mấu chốt của việc sắp xếp thứ tự ưu tiên nằm ở chỗ bạn cần hiểu rõ cách suy nghĩ ở từng hoàn cảnh thiếu quyết đoán trong cuộc sống. Mỗi khi cảm thấy bị bế tắc, bạn sẽ xác định mức độ ưu tiên hóa dựa trên giá trị của quyết định mà mình đang có. Trước tiên, bạn cần tách những việc quan trọng ra khỏi những việc vụn vặt. Hãy phân loại một vấn đề cụ thể vào một trong ba nhóm sau: Giá trị cao, Giá trị thấp và Không có giá trị. Sau khi đã xác định được mức độ giá trị, bạn sẽ điều chỉnh được chiến lược để vượt qua sự chần chừ, do dự.

Patrick J McGinnis/NXB Dân Trí, FIRST NEWS

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-vi-noi-so-bi-bo-lo-ma-mat-thoi-gian-vao-nhung-dieu-nho-nhat-post1372457.html