Dựng 'vành đai xanh' trên biên giới Lạng Sơn

Mô hình 'Lũy tre biên giới Việt' được Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP Lạng Sơn khởi xướng đầu tiên trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn vào tháng 9/2022. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều đơn vị trong toàn tuyến biên giới xứ Lạng, tạo nên những 'vành đai xanh' như một hàng rào mềm góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Sơn cùng với cán bộ chính quyền địa phương trồng tre trên biên giới. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Sơn cùng với cán bộ chính quyền địa phương trồng tre trên biên giới. Ảnh: Bích Nguyên

Đồn Biên phòng Ba Sơn phụ trách địa bàn 3 xã Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, có dân số trên 10.000 người. Đồng bào sinh sống trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số Dao, Tày, Nùng, Mông. Đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.

Đồng hành cùng người dân biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Sơn đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình giúp đỡ người dân như trao tặng giống cây trà hoa vàng, hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhận đỡ đầu, chăm sóc học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Xuất phát từ ý tưởng giúp đỡ người dân biên giới cho thêm sinh kế phát triển kinh tế gia đình, cán bộ Đồn Biên phòng Ba Sơn đã xây dựng mô hình “Lũy tre biên giới Việt” tặng cây tre giống cho các hộ dân trồng dọc biên giới. Trong đợt đầu tiên, vào tháng 9/2022, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã trao tặng cho người dân xã Xuất Lễ 3.500 cây tre Bát Độ, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Để quản lý tốt lũy tre biên giới Việt, giai đoạn đầu, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã bàn giao cho tập thể Chi hội Cựu chiến binh 2 thôn Tẩu Lìn, Bản Ranh và 16 hộ gia đình có đất đồi rừng sát biên giới ở xã Xuất Lễ quản lý. Đến nay, cây tre đã được trồng dọc biên giới dài gần 6km, hiện cây đang phát triển tốt.

Trung tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn cho biết: “Tiếp nối tín hiệu tích cực từ xã Xuất Lễ, đầu năm 2023, Đồn Biên phòng Ba Sơn tiếp tục triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” tại xã Mẫu Sơn với việc trao tặng 5.000 cây tre giống cho người dân. Tháng 8 vừa qua, đơn vị triển khai tặng 1.300 cây giống cho người dân xã Cao Lâu. Số tre giống được người dân và cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng cán bộ các ban, ngành, chính quyền địa phương trực tiếp trồng tại các khu vực đất bỏ trống trên biên giới”.

Theo anh Hiếu, cây tre Bát Độ trồng khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch măng. Ưu điểm của loại cây này là dễ trồng, dễ sống, không tốn chi phí chăm sóc, lại có tác dụng giữ đất, bảo vệ môi trường. Khi mới trồng, cây chỉ cao cách mặt đất 40cm, đến giờ, những cây trồng đợt đầu tiên đã cao hơn 1m.

Chia sẻ về ý nghĩa của mô hình “Lũy tre biên giới Việt”, Trung tá Hoàng Trung Hiếu cho hay: “Với mô hình này, chúng tôi vừa giúp bà con tận dụng các vị trí đất trống để trồng tre lấy măng phát triển kinh tế gia đình, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa tạo ra hàng rào mềm, phục vụ việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.

Đến nay, mô hình “Lũy tre biên giới Việt” đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn biên giới xứ Lạng. Ảnh: Bích Nguyên

Đến nay, mô hình “Lũy tre biên giới Việt” đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn biên giới xứ Lạng. Ảnh: Bích Nguyên

Trò chuyện với người dân biên giới, chúng tôi cảm nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con đối với mô hình “Lũy tre biên giới Việt”, vì nó không chỉ giúp bà con nhận biết rõ đường biên giới, mà còn là nguồn sinh kế mang lại thu nhập từ việc thu hoạch măng để bán. Có nhiều hộ dân đã hiến đất làm đường kiểm tra mốc và trồng tre, như gia đình ông Ninh Văn Đâu, dân tộc Tày, ở thôn Nà Xia, xã Xuất Lễ. Ông Đâu là một trong những hộ dân nhận tự quản đường biên, cột mốc. Khi biết Đồn Biên phòng Ba Sơn có kế hoạch làm đường kiểm tra cột mốc và trồng tre dọc biên giới, ông đã tự nguyện hiến hơn 200m2 đất đồi của gia đình.

Cũng như ông Đâu, hưởng ứng mô hình “Lũy tre biên giới Việt”, ông Nông Văn Dao, thôn Tân Cương, xã Xuất Lễ rất cảm động khi được trao tặng cây tre giống. Ông chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy mô hình “Lũy tre biên giới Việt” của Đồn Biên phòng Ba Sơn triển khai thực hiện là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực với nhân dân ở khu vực biên giới. Nó không chỉ giúp giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn tạo nguồn thu hoạch măng tre, giúp gia đình tôi cũng như nhiều bà con khác phát triển kinh tế về sau này. Điều đặc biệt hơn cả, lũy tre biên giới còn là dấu hiệu giúp các gia đình có đất trên biên giới nhận biết được đường biên giới, phân biệt được đâu là phạm vi lãnh thổ của Việt Nam, đâu là đất của nước bạn. Để từ đó, bà con nhân dân đi làm rừng, cạo nhựa thông sẽ dễ nhận biết đồi rừng của mình, nhận biết được đường thông tầm nhìn, khu vực đất giáp biên không được khai thác, không vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Lũy tre biên giới cũng giúp chúng tôi dễ dàng nhận biết và phát hiện các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, báo cáo kịp thời cho cán bộ Biên phòng và các lực lượng chức năng giải quyết, xử lý”.

Ông Dao cho biết thêm, ông và các hộ gia đình trong Tổ tự quản đường biên, cột mốc sẽ phát huy tinh thần đoàn kết để trồng và chăm sóc cây tre phát triển tốt, góp công sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới, làm cho khu vực biên giới ngày càng phát triển.

Từ sự thành công của Đồn Biên phòng Ba Sơn, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã chỉ đạo triển khai rộng rãi mô hình “Lũy tre biên giới Việt” dọc theo đường tuần tra biên giới, thuộc các Đồn Biên phòng: Pò Mã, Tân Thanh, Bảo Lâm, Thanh Lòa, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Theo đó, các đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, rà soát, lập danh sách các hộ gia đình tham gia cùng BĐBP tự quản đường biên, cột mốc quốc giới có nhu cầu trồng tre Bát Độ để phát triển kinh tế. Sau đó, đề xuất với UBND huyện cấp kinh phí, trích nguồn quỹ vốn tăng gia của các đồn Biên phòng và vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ để mua cây tre, tặng cho các hộ gia đình. Đồng thời, tổ chức lực lượng, phối hợp với các hộ dân trồng tre dọc theo đường biên giới. Đến nay, BĐBP Lạng Sơn đã trao tặng 15.100 gốc tre cho 80 hộ gia đình, trị giá hơn 441 triệu đồng trồng dọc theo đường biên giới, với chiều dài là 12,481km.

Có thể thấy, việc triển khai mô hình "Lũy tre biên giới Việt" đã góp phần quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo ra nguồn sinh kế mới cho người dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thắt chặt thêm tình đoàn kết quân - dân gắn bó.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dung-vanh-dai-xanh-tren-bien-gioi-lang-son-post466566.html