Dũng tướng uy danh trận mạc, tài đức vẹn toàn

Đầu xuân năm 2015, trong cuộc gặp mặt bà con đồng hương huyện Nghi Lộc (Nghệ An) tại Hà Nội, mọi người đều vui mừng chúc thọ Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tròn 90 tuổi.

Buổi đó, tôi đã kính tặng ông câu đối: “Trải một đời xông pha trận mạc, trí dũng song toàn, tận hiếu tận trung, hiến dâng Tổ quốc/ Suốt bao năm băng qua gian khó, tâm đức vẹn nguyên, trọn nghĩa trọn tình, bồi đắp gia phong”. Ngày 26-12-2020, trong buổi Lễ trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, thay mặt Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, tôi tặng ông câu đối: “Trước ba quân uy danh dũng tướng/ Giữa lòng dân rạng rỡ anh hùng”.

Trải một đời xông pha trận mạc

Hai câu đối là tấm lòng kính trọng và sự hiểu biết của tôi về cuộc đời của anh-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Trong cuộc đời quân ngũ của mình, tôi không may mắn được làm cấp dưới trực tiếp của anh. Anh tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở chiến trường Tây Nguyên, anh trên cương vị Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 325 đến cương vị Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên thì tôi là chiến sĩ, rồi phát triển lên cán bộ cấp phân đội ở chiến trường Trị-Thiên.

Mãi sau này, từ năm 1987 đến 1997, khi anh làm Tư lệnh Quân khu 4, tôi làm việc ở cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) thì anh em chúng tôi mới thân quý nhau trong quan hệ công tác. Tôi thua anh 22 tuổi, xứng bậc con, cháu. Nhưng trong quan hệ, tôi luôn gọi Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bằng “Anh” một cách tôn kính. Đối lại, anh coi tôi như một người em đồng hương thân thiết. Và, qua các tài liệu, những câu chuyện bàn trà giữa anh và tôi, tôi ngưỡng mộ anh, một người lính Cụ Hồ đầy can trường, dũng cảm.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (bên phải) và tác giả. Ảnh: NGUYỄN MẠNH

Năm 1949, khi đang là Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc (Nghệ An), anh Thước được Huyện ủy Nghi Lộc giới thiệu đi học Khóa 5 Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Với thành tích học tập giỏi, anh được nhà trường giữ lại làm giáo viên. Cuộc đời chinh chiến, xông pha trận mạc, kiêu hùng bên đồng đội trên chiến tuyến giết thù của anh được bắt đầu từ tháng 12-1951, khi anh được điều động vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên, giữ chức Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 101 (Chi đội Trần Cao Vân). Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, anh trên các cương vị: Đại đội phó, Chính trị viên Đại đội, Chính trị viên phó Tiểu đoàn trong đội hình Trung đoàn 101 (Đại đoàn 325) đã tham gia nhiều trận chiến đấu, lập thành tích xuất sắc. Hồi đó, Trung đoàn 101 đã đánh tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn lính Âu Phi, thu vũ khí, trong đó có 1 đại đội pháo 105mm, giải phóng thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn, Lào; đánh lui phản kích của một binh đoàn lính Lê Dương của thực dân Pháp, thu 2 xe thiết giáp AM.

Tháng 12-1965, trong đội hình Sư đoàn 325, anh cùng đơn vị vào chiến trường Tây Nguyên. Trên đường hành quân, Sư đoàn 325 đã chiến đấu tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích hỗn hợp Mỹ-ngụy ác ôn khét tiếng tại A Sầu (Tây Thừa Thiên) mở thông Đường Hồ Chí Minh. Vào tháng 4-1970, với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 kiêm Phó tư lệnh chiến dịch, anh Thước đã trực tiếp chỉ huy đơn vị phối hợp với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng tỉnh Attapeu và một phần cao nguyên Bolaven của Hạ Lào (đây là thành tích đặc biệt xuất sắc của anh, làm căn cứ để Nhà nước tuyên dương, trao tặng anh danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân).

Vào năm 1974, với cương vị Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, anh thay mặt Bộ tư lệnh Mặt trận ra Hà Nội báo cáo và nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kỷ niệm đó được anh ghi lại và đăng trên Báo Quân đội nhân dân nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “...Vào cuối năm 1974, lúc này tôi thay mặt Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên-B3 ra nhận nhiệm vụ chiến dịch Tây Nguyên 1975.

Sau khi làm việc với cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam dự đoán tình hình chung trên chiến trường về tình hình địch, ta, dự kiến nhiệm vụ Tây Nguyên năm 1975 và mọi vấn đề bảo đảm cho Tây Nguyên xong, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Tây Nguyên, căn dặn mọi việc để chuẩn bị triển khai nhiệm vụ. Làm việc xong, Đại tướng Văn Tiến Dũng dặn đồng chí Cục phó Cục Tác chiến Vũ Quang Hồ đưa tôi sang gặp đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp để chính thức nhận nhiệm vụ và nghe đồng chí Tổng Tư lệnh căn dặn mọi công việc cần thiết rồi nhanh chóng trở lại Tây Nguyên vì tình hình khẩn trương lắm rồi và Bộ tư lệnh B3 đang chờ trong đó”.

Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh giao, anh đã cùng cơ quan tham mưu giúp Bộ tư lệnh Tây Nguyên xây dựng kế hoạch, triển khai thế trận và chỉ huy điều hành chiến dịch trong 16 ngày đêm giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên... Trong chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, với cương vị Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Quân đoàn 3, anh đã chỉ huy đơn vị chiến đấu đánh bại quân địch trên tuyến biên giới và cùng các đơn vị bạn giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Vào đầu năm 1980, anh lại trong đội hình Quân đoàn 3 tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Trí dũng hòa quyện với nhân văn

Ở Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vì dân, vì nước và sáng đẹp nghĩa tình đồng đội. Trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VI) bằng trí tuệ, nhiệt huyết và dũng khí của mình, anh luôn đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều năm với cương vị đại biểu Quốc hội (khóa VIII, IX, X), anh thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh, tính chiến đấu, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn tiêu cực, bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, nhân dân, anh được mọi người yêu mến đặt cho biệt danh “người đốt nóng bầu không khí hội trường Quốc hội” trong các phiên thảo luận.

Trên cương vị Phó chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, anh luôn thẳng thắn đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của cựu chiến binh. Với tình nghĩa đồng đội thủy chung, mặc dù tuổi cao sức yếu, anh đã nhiều lần trở lại chiến trường Tây Nguyên thăm đồng đội cũ và thắp hương tại 14 nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ. Hàng chục năm tham gia lãnh đạo trong Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, anh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, động viên bà con Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống trong xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc... Cách đây vài tháng, anh còn đóng góp 20 triệu đồng từ tiết kiệm lương hưu và cùng đoàn Hội đồng hương Nghệ An vào thăm, tặng quà bộ đội và nhân dân huyện biên giới Quế Phong, miền Tây Nghệ An. Cả đi và về khoảng 1.200km...

Chúng tôi là đồng hương cùng huyện Nghi Lộc (Nghệ An), nhà anh cách nhà tôi chừng 10km. Hợp tính nhau, lại cùng “phông văn hóa binh nghiệp”, tôi và anh đã có hàng chục chuyến đi-về cùng nhau trong nhiều năm qua. Mỗi lượt đi-về là một dịp chúng tôi hàn huyên đàm đạo trên nhiều chủ đề. Và tôi được học hỏi ở anh rất nhiều bài học quý giá về tình người, về cuộc sống. Ví như, bên cạnh người lính Cụ Hồ vì dân, vì nước, anh còn là người chồng tận tụy, chu đáo chăm sóc vợ bị ốm nặng trong thời gian 15 năm đằng đẵng.

Tôi có nhiều lần nghe anh giãi bày: “Mình lấy vợ muộn, mãi tới 31 tuổi mới cưới bà ấy. Những tưởng mình hơn vợ một giáp (12 tuổi) thì cuối đời bà ấy phải chăm sóc mình. Ngờ đâu ngược lại. Thực tế là mình muốn tham gia nhiều hơn việc nọ việc kia trong hoạt động tình nghĩa đồng hương và cựu chiến binh, nhưng còn phải chăm sóc vợ. Chỉ có mình chăm sóc thì bà ấy mới ăn, ngủ được nhiều hơn. Bà ấy buồn mỗi khi thấy mình vắng nhà đôi ba ngày. Bọn mình, từ thuở thanh xuân, số lần gặp nhau chỉ tính trên đầu ngón tay. Thời thanh xuân, một mình bà ấy nuôi dạy con cái trong chiến tranh phá hoại, khó khăn, gian khổ bộn bề. Nay về già, mình chăm sóc lại bà ấy lúc ốm đau là phải đạo nghĩa vợ chồng”.

Trong tôi, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước là một vị tướng trí dũng song toàn giữa ba quân, là chính khách thông tuệ trên chính trường; người sâu nặng tình nghĩa với đồng đội, quê hương; người chồng, người cha, người ông mẫu mực trong gia đình. Ở cốt cách con người anh, trí dũng đã hòa quyện với nhân văn.

Trung tướng, nhà văn NGUYỄN MẠNH ĐẨU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/dung-tuong-uy-danh-tran-mac-tai-duc-ven-toan-765384