Đừng trục lợi trên lòng tự tôn dân tộc!

Lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng nước ta là một trong những lý do giúp nhiều sản phẩm gắn mác xuất xứ Việt Nam có lợi thế khi tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, lại có một số doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để trục lợi.

Ngưng lợi dụng “made in Vietnam”…

Năm 2009, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chính thức được triển khai. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Tổng kết sau 10 năm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi có đến hơn 90% hàng hóa ở các siêu thị là hàng nội địa và đạt được doanh số rất cao.

Như vậy có thể thấy rằng, người tiêu dùng Việt Nam vốn có lòng tự tôn dân tộc rất lớn khi hàng hóa nội địa luôn được ưu tiên lựa chọn. Việc ủng hộ mỗi một sản phẩm người Việt Nam làm ra không chỉ đơn thuần vì xuất xứ rõ ràng, mà người tiêu dùng đang ủng hộ chính chất xám, công sức lao động của người Việt được đưa vào mỗi sản phẩm.

 Nâng cao chất lượng sản phẩm và minh bạch xuất xứ là điều doanh nghiệp Việt Nam cần làm

Nâng cao chất lượng sản phẩm và minh bạch xuất xứ là điều doanh nghiệp Việt Nam cần làm

Tuy nhiên, thời gian qua, có không ít doanh nghiệp bị phanh phui vì đã giả mạo xuất xứ hàng hóa không chỉ để tranh thủ nhiều ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mà còn nhắm ngay vào thị trường trong nước.

Năm 2017, một thương hiệu lớn như khăn lụa Khaisilk rất được người tiêu dùng ưa chuộng lại bị phát hiện thực chất là hàng Trung Quốc đội lốt “hàng Việt Nam chất lượng cao” đã gây chấn động dư luận cả nước suốt một thời gian dài.

Hay như mới đây là vụ việc của Tập đoàn Asanzo. Dù chỉ mới thành lập từ 2013, nhưng bằng slogan “công nghệ Nhật, do người Việt, cho người Việt”, Asanzo đã tự động khoác lên mình xuất xứ Việt Nam và trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tivi rất được người tiêu dùng ưa chuộng, ủng hộ. Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK cho hay, thị phần của Asanzo trên thị trường tivi Việt Nam chiếm khoảng 16%, chỉ xếp sau các ông lớn là LG (17%), Sony (25%) và Samsung (35%).

Tuy nhiên, sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, xuất xứ Việt Nam của Asanzo đã bị lật tẩy. Theo Tổng cục Hải quan, việc Asanzo nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp ti vi và gắn nhãn hiệu Asanzo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa là có dấu hiệu giả mạo xuất xứ (C/O). Lý do, mặt hàng tivi Asanzo xuất khẩu có giá trị gia công sản xuất, lắp ráp trong nước rất thấp, chỉ đạt khoảng từ 1-2%, khoảng 98% giá trị thành phẩm còn lại là xuất xứ nhập khẩu, không đáp ứng được tiêu chí tối thiểu theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vấn đề này.

Qua các ví dụ trên, có thể thấy nhiều doanh nghiệp đã không đơn thuần chỉ lợi dụng các ưu đãi thuế mà Chính phủ dành cho các sản phẩm nội địa, mà còn lợi dụng sự ủng hộ của người tiêu dùng với hàng hóa “made in Vietnam”.

Hay nói cách khác, đây là hành vi “trục lợi trên lòng tự tôn dân tộc” vốn có của người tiêu dùng Việt Nam. Và cứ sau mỗi vụ việc như vậy được phanh phui thì niềm tin của người tiêu dùng lại thêm một lần nữa bị tổn hại sâu sắc.

Hãy thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng

Theo các chuyên gia, hướng đến một sản phẩm có xuất xứ trong nước là việc làm đáng được ủng hộ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước khi đạt được điều này, doanh nghiệp phải tuân thủ xuất xứ chính xác của hàng hóa, minh bạch xuất xứ để thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng.

Trên thực tế nhiều sản phẩm dù không mang xuất xứ Việt Nam nhưng các doanh nghiệp vẫn tự tin chiếm lĩnh thị trường, giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng Việt nhờ chất lượng tốt, chính sách bán hàng thân thiện, dịch vụ hậu mãi chu đáo.

Như một số sản phẩm máy làm đá viên, máy làm kem tươi, máy đun nước nóng của Tập đoàn Hải Âu được lắp ráp tại Trung Quốc dưới sự giám sát của Tập đoàn này. Nhờ đồng bộ về linh kiện chất lượng cao, cùng hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng đạt chuẩn ISO 9001:2015, các sản phẩm của tập đoàn Hải Âu đã thể hiện được sự ổn định và bền bỉ, cùng sở hữu vẻ ngoài sang trọng, đi kèm với chế độ bảo hành nhanh và chuyên nghiệp đã đủ giúp thương hiệu Hải Âu xây dựng được chỗ đứng, vị thế hàng đầu của mình trên thị trường, chiếm được niềm tin nơi khách hàng và là thương hiệu được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Trong tương lai, đại diện Tập đoàn Hải Âu cho biết sẽ mở rộng hợp tác với nhiều nhà máy uy tín ở các nước phát triển, đồng thời liên danh sản xuất thêm sản phẩm trong nước, cũng như không ngừng tập trung nâng cao cải tiến chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều lựa chọn.

Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh gay gắt với nhau mà còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thì việc minh bạch xuất xứ và cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm chính là giải pháp giúp hàng hóa chinh phục tốt người tiêu dùng.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-truc-loi-tren-long-tu-ton-dan-toc-127965.html