Dùng tiền lẻ đi lễ chùa sao cho đúng?

Nhét tiền lẻ vào tay tượng, vứt tiền xuống gốc cây, rải xuống suối dọc đường đi... là những hành vi phản cảm thường xuất hiện ở các lễ hội đầu năm. Vậy sử dụng tiền khi đi lễ chùa sao cho đúng?

Tiền lẻ được rải vô tội vạ ở lễ hội

Đầu xuân năm mới là dịp các ngôi đền, ngôi chùa nổi tiếng tấp nập khách thập phương. Người đi du xuân, vãn cảnh, người đi lễ bái cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu tự… Thế nhưng cảnh tôn nghiêm, thanh tịnh của nơi thờ tự, nơi thực hành tâm linh bị phá hỏng bởi cảnh nhếch nhác mà những tờ tiền lẻ được rải vô tội vạ tạo ra. Vì là tiền mệnh giá thấp, chỉ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, người ta không tiếc đặt khắp nơi mọi chốn, không chỉ ở tất cả những chỗ có bát hương mà còn cả hốc cây, vườn hoa, tượng thần, Phật, hộ pháp, tượng linh thú… Tiền lẻ còn được ném rợp cả mặt nước ao, giếng… để cầu may mắn.

Tiền lẻ được rải ở rất nhiều vị trí trong các khu vực đền chùa, nơi thờ tự...

Trước khi đi lễ, nhiều người nhất định phải thu gom, đổi cả tập tiền lẻ, vì sẽ cảm thấy không an tâm nếu bỏ sót một ban thờ, một pho tượng chưa đặt tiền. Họ nghĩ rằng phải có tiền đặt lễ thì các bậc bề trên mới chứng cho lời cầu nguyện. Đáp ứng nhu cầu này, loại hình dịch vụ đổi tiền lẻ tại các lễ hội, đình chùa... cũng rất tấp nập.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, đồng tiền tượng trưng cho vật chất, chưa kể có nhiều đồng tiền lẻ đã được dùng qua tay bao người, khi đặt tiền, đặc biệt là tiền lẻ lên ban thờ không khác gì mang thứ tầm thường của trần gian dâng lên Thần, Phật. Suy nghĩ "trần sao âm vậy" là điều dễ nảy sinh trong tâm lý của người đi lễ. Nó xuất phát từ lòng tham, những đố kị trong đời sống, thấy người khác có gì thì mình phải có hơn. Với tâm thế ấy, suy nghĩ ấy khi đi lễ chùa, cùng hành động gài tiền lẻ vào lễ, chẳng khác nào hối lộ Thần, Phật. Đó là điều cấm kị. Chưa kể, hành động bon chen, cố gài, nhét tiền vào lễ rất phản cảm, xấu xí, thiếu văn hóa.

"Đừng đem suy nghĩ tầm thường "tốt lễ dễ kêu" để đi lễ, bởi đi lễ không thành tâm, chỉ nghĩ đến vật chất thì còn… phải tội hơn. Những nơi đình, đền, chùa là chốn tâm linh, thanh tịnh - nơi để người dân đến tìm thấy sự thanh thản, an yên chứ không phải nơi xô bồ, đổi chác, xin xỏ vật chất tầm thường. Thế nên, những quan niệm xấu về đặt tiền lẻ đi lễ cần được loại bỏ. Người đi lễ nên hiểu văn hóa tín ngưỡng, văn hóa đi lễ chùa để có hành xử đúng và văn minh", chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ cho hay.

Đừng đem cái xấu xa vào chốn linh thiêng

Theo chuyên gia, việc có một chút tiền lẻ để dâng lên lễ Phật là nhu cầu có thật. Nhưng tham gia các dịch vụ đổi tiền lẻ là hành vi vi phạm pháp luật. Đổi tiền với chênh lệch giá lên đến mấy chục phần trăm là cách buôn bán, trục lợi trong hoạt động tâm linh. Đó là chưa kể, tiền lẻ khi đi vào chùa, người ta gọi là tiền đèn hương cho những người tu hành nhưng lại biến tiền đó thành tiền hối lộ Thần, Phật thì hoàn toàn không tốt. Có người còn cài tiền lẻ vào tay Phật chẳng khác nào sự xúc phạm.

Theo chuyên gia, những người làm công tác văn hóa, quản lý lễ hội cũng phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội có gần 6000 di tích khác nhau, trong đó có rất nhiều chùa chiền. Hầu như làng nào cũng có chùa thì có thể nói, không biên chế nào có thể quản lý hết việc đó. Quan trọng là mỗi người phải tự mình hành xử sao cho có văn hóa, đặc biệt là phải hiểu biết.

Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong đạo Phật có luật Nhân quả. Nếu một người sống đức độ, làm việc thiện và giúp ích cho đời thì không cần xin "các ngài" cũng cho. Còn những người gian dối, độc ác, hèn mọn thì có xin cũng không được. Thế nhưng nhiều người cứ lầm tưởng với Phật thì cứ xin là được. Đến chùa lễ Phật cũng là điều tốt, nhưng tốt hơn là hãy phát nguyện làm những điều lành, điều tốt cho đời, đó chính là đi về nơi tốt đẹp.

Nhiều người quan niệm, lễ vật dâng cúng càng to thì lộc càng nhiều. Theo TS Vũ Thế Khanh thì đây cũng là một sai lầm. Lễ to mà đi làm việc xấu, xin xỏ những điều xấu thì tội lại càng to. "Thế nên tôi mới tự hỏi, lễ to, nhưng tâm có "to" hay không? Đến cửa Phật mà làm lễ thật to thì giống như là đến trường ấy, mình học giỏi thì lễ mình to. Đến cửa Phật mà tâm sáng, làm những điều phúc đức thì tự thân đó đã là một cái lễ to để kính dâng lên Phật rồi", TS Khanh nói.

"Tôi đi lễ quanh năm, không phải cứ vào dịp nào thì mới đi lễ chùa. Đi lễ là để nhắc nhở mình nhớ về những lời Phật dạy, để sống thành tâm, làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa. Đa phần những người đi lễ chùa hiện nay không phải là người đi lễ chùa theo chính đạo mà là tín ngưỡng đi lễ chùa để cầu xin để làm ăn gặp nhiều may mắn. Đó là tín ngưỡng, không phải theo đạo. Lễ chùa theo đạo là làm theo lời Phật dạy. Còn đi lễ hiện nay giống như đi du lịch cho vui", TS Vũ Thế Khanh cho biết.

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 22/2: Bắc Bộ chuẩn bị đón không khí lạnh, có nơi dưới 12 độ C | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-tien-le-di-le-chua-sao-cho-dung-169240222101743258.htm