Dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc: hiểm họa khôn lường

Thời gian qua, nhiều người mắc viêm gan B, đái tháo đường đã tự ý bỏ thuốc điều trị, chuyển sang uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Hậu quả, nhiều ca bị ngộ độc nặng, tử vong. Để tránh biến chứng khôn lường, người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc.

Nguy kịch vì tự ý chữa bệnh bằng thuốc nam trôi nổi

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận bệnh nhân nam, 45 tuổi đến từ Bắc Giang trong tình trạng suy gan nặng. Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B cách đây 10 năm, đã điều trị thuốc kháng virus viêm gan B nhưng tự ý bỏ điều trị và chuyển sang uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Trường hợp này được chẩn đoán suy gan cấp và bán cấp; ung thư mô liên kết Kaposi của hạch lympho; viêm gan virus B mạn; hôn mê, phải thở máy, nhưng tình trạng không cải thiện, tiên lượng nặng, gia đình xin về chăm sóc tại nhà.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám cho bệnh nhân.

Một trường hợp khác, do không biết mình mắc viêm gan B, ông N.K.H. (68 tuổi, ở Tiên Du, Bắc Ninh) đã tự ý mua thuốc nam về điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tại bệnh viện địa phương điều trị đợt cấp COPD, ông được chẩn đoán bị viêm gan B mạn. Sau điều trị, ông H. xuất hiện ý thức chậm dần, mệt mỏi, vàng da, chướng bụng tăng dần kèm khó thở.

Bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư trong tình trạng da củng mạc mắt vàng, phù 2 chi dưới, tiểu ít, bụng chướng căng, được chẩn đoán suy gan cấp, viêm phổi, viêm gan B, COPD. Sau đó, bệnh nhân chuyển khoa Hồi sức tích cực với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, tiền hôn mê gan, xơ gan, theo dõi hội chứng gan thận/viêm gan B mạn/COPD.

Do bệnh nhân đau bụng, bụng chướng căng, dẫn lưu ổ bụng ra 1.000ml máu đỏ tươi, da xanh, mạch nhanh khó bắt, nổi vân tím toàn thân, sonde dạ dày không có máu nên được truyền máu tối cấp, truyền dịch, mạch bắt rõ hơn, huyết áp 100/60mmHg. Tuy nhiên, bụng bệnh nhân còn chướng, dẫn lưu dịch ổ bụng vẫn tiếp tục chảy, không cầm máu. Bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong, gia đình xin về chăm sóc tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Phương - Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, tại Việt Nam có 8-10% dân số mắc viêm gan B, tương đương khoảng 8-10 triệu người. Bệnh viêm gan B không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài (trừ viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn). Vì vậy, người bệnh không đi khám và không phát hiện mình bị nhiễm virus viêm gan B.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, đơn vị cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng suy gan và hôn mê gan rất nặng do tự ý bỏ thuốc kháng virus để dùng thuốc nam, thuốc bắc.

Do đó, bác sĩ Phúc lưu ý, với bệnh nhân viêm gan B cần đi khám định kỳ để được điều trị theo phác đồ. Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc kháng virus, không được tự ý bỏ thuốc, dễ dẫn đến nguy hiểm. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng khi chưa có tư vấn của bác sĩ trong điều trị viêm gan B.

Tránh tiền mất tật mang

Tương tự, các bệnh viện như Đa khoa Hà Đông, Nhi T.Ư, Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều ca ngộ độc nặng và tử vong do sử dụng thuốc nam chữa bệnh trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Trong đó, có trường hợp ngộ độc loại thuốc chữa đái tháo đường đã bị cấm sử dụng được trộn trong thuốc y học cổ truyền.

Theo các chuyên gia y tế, ở Việt Nam những năm gần đây đã gặp nhiều trường hợp ngộ độc nặng và tử vong do sử dụng thuốc chữa tiểu đường trôi nổi trộn chất cấm phenformin.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Ngộc độc phenformin rất nguy hiểm, do bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa, nồng độ lactat trong máu cao, tụt huyết áp, rất dễ nhầm hoặc lẫn lộn với sốc nhiễm khuẩn, suy gan, nên dễ bị bỏ sót. Kể cả khi điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong cũng rất cao do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân khi bị bệnh cần đi khám ở các cơ sở y tế để xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn. Cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời dùng các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, không dùng thuốc dạng viên hoàn, bài thuốc bí truyền chưa được kiểm định để tự điều trị bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-thuoc-nam-khong-ro-nguon-goc-hiem-hoa-khon-luong.html