Dùng Su-30SM săn USV, có phải Nga 'mang dao giết trâu mổ gà'?

Trước việc Ukraine sử dụng tàu không người lái (USV) để tấn công mục tiêu của Nga ở Biển Đen, Nga đã sử dụng chiến đấu cơ Su-30SM để làm vũ khí đặc trị USV của Ukraine. Tuy nhiên việc này gây nhiều tranh cãi.

Trước tình hình Ukraine sử dụng và tiếp tục phát triển đội tàu không người lái (USV), làm nhiệm vụ trinh sát hàng hải tầm xa, giám sát bờ biển, hộ tống và hỗ trợ các hạm đội truyền thống, bảo vệ căn cứ, chống đổ bộ và đặc biệt là tấn công các mục tiêu của Nga. Do vậy Nga đã thường xuyên sử dụng máy bay chiến đấu Su-30SM, để chống lại USV của Ukraine ở Biển Đen.

Quy trình toàn diện về các hoạt động chống USV của Không quân Nga, được mô tả một cách sinh động trong một video được Bộ Quốc phòng Nga đăng tải. Quá trình này bắt đầu bằng việc trang bị cho máy bay chiến đấu của Nga nhiều loại vũ khí - bao gồm bom, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất và không đối không, tên lửa chống bức xạ cùng nhiều loại vũ khí khác.

Sau khi cất cánh từ căn cứ, phi công Nga trên chiếc Su-30SM của mình, sẽ khóa mục tiêu bằng tọa độ radar ban đầu. Sau khi xác định được mục tiêu, Su-30SM sẽ sử dụng kho vũ khí của mình tấn công và sau đó quay trở lại căn cứ.

Su-30SM là chiến đấu cơ thế hệ 4+, có thể tiêu diệt mục tiêu trong hầu hết mọi cuộc giao chiến; và các cuộc đối đầu với USV của Ukraine, phần thắng luôn thuộc về Su-30SM. Nhưng dù rất thành công, nó vẫn gây tranh luận đó là, Không quân Nga có nên dùng Su-30SM (hoặc bất kỳ máy bay chiến đấu nào), để chống lại các mục tiêu như USV?

Theo thống kê, Su-30SM đã giành chiến thắng 100% trong tất cả các cuộc đụng độ, dù mục tiêu là USV hay các tàu đổ bộ tấn công nhanh của Ukraine; một khi mục tiêu đã lọt vào tầm ngắm và bị khóa, chắc chắn là bị tiêu diệt.

Nhưng câu hỏi đặt ra là dùng Su-30SM ngăn chặn USV hiệu quả đến mức nào? Có rất nhiều tranh luận ủng hộ suy đoán rằng, Nga có thể đang triển khai một loại vũ khí khác. Nhưng có một lập luận thuyết phục, ủng hộ việc Nga sử dụng vũ khí khác thay thế, vì không cần “dùng dao mổ trâu để giết gà”.

Hãy xem xét một kịch bản, khi chiếc máy bay Su-30SM đang săn USV, lọt vào trận địa phục kích của lực lượng phòng không Ukraine. Trong tình huống như vậy, khả năng Su-30SM bị bắn hạ, khi đang truy đuổi mục tiêu sẽ tăng lên đáng kể.

Ngược lại, nhiều nhà phân tích lại ủng hộ quan điểm cho rằng, nhiệm vụ này được thực hiện tốt hơn bằng trực thăng vũ trang hoặc UAV tấn công. Những phương tiện này không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, mà khả năng tổn thất của chúng, so với Su-30SM, sẽ được coi là “ít hơn”.

Khi nói đến chi phí, rõ ràng hoạt động như vậy sẽ tạo ra gánh nặng tài chính nặng nề hơn cho lực lượng Không quân Nga. Thông tin cho biết, một giờ bay của Su-30 tốn từ 10.000 đến 13.000 USD; chưa kể việc tuần tra liên tục trên không, sẽ làm giảm số giờ hoạt động của máy bay và gây căng thẳng, mệt mỏi cho phi công.

Mặc dù không có số liệu cụ thể về chi phí cho một giờ bay trên trực thăng Ka-52 của Nga, nhưng khá an toàn khi cho rằng, con số đó sẽ thấp hơn đáng kể. Còn chi phí một giờ nếu dùng UAV tấn công còn nhỏ nữa so với Su-30, điều này càng nhấn mạnh thêm luận điểm này.

Hiện lực lượng không quân hải quân của Nga được biên chế máy bay chiến đấu Su-30 (chủ yếu là biến thể Su-30SM). Vì vậy, việc sử dụng Su-30SM tấn công các mục tiêu trên biển (kể cả tàu có người lái và không người lái), là một phần nhiệm vụ thường xuyên của phi công hải quân và Nga.

Một trận đánh nổi bật xảy ra vào tháng 8 vừa qua, được Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, khi một tàu trinh sát đổ bộ của Ukraine ở Biển Đen, đã bị máy bay Su-30SM tiêu diệt. Theo thông tin, cuộc giao tranh diễn ra khi tàu Ukraine di chuyển đến gần các cơ sở khai thác khí đốt của Nga và sau đó bị chiếc Su-30SM của Nga đánh chìm.

Một tháng sau đó, tiếp tục xáy ra các trận đánh trên khu vực Biển Đen; Bộ Quốc phòng Nga đưa tin, bộ đôi Su-30SM cùng với MiG-29 đã phá hủy 4 tàu cao tốc của Ukraine.

Chiến đấu cơ Su-30SM là một biến thể của Su-30MKI, đây là sản phẩm của Tập đoàn Irkut, được thiết kế giành riêng cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Máy bay Su-30SM được xếp vào thế hệ 4+, được NATO gọi với tên Flanker-H, do có nhiều thiết kế vượt trội.

Điều làm nên sự khác biệt của Su-30SM là khả năng đa nhiệm, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của quân đội Nga; do được trang bị các hệ thống radar chuyên dụng, hệ thống liên lạc vô tuyến, hệ thống nhận dạng bạn-thù chính xác, ghế phóng hiện đại, cũng như một loạt cải tiến về vũ khí ….

Đáng chú ý là Su-30SM sử dụng radar N011M Bars, nhờ ăng-ten mảng pha hiện đại, nên phạm vi phát hiện tối đa mục tiêu lên tới 400 km và phạm vi dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu tới 200 km. Ngoài ra, khả năng siêu cơ động của Su-30SM được tăng cường, thông qua thiết kế cánh vịt phía trước và động cơ vecto lực đẩy cùng với việc sử dụng kính ngắm HUD góc rộng.

Là máy bay chiến đấu đa nhiệm, Su-30SM có khả năng trong cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công mục tiêu trên mặt đất. Để đạt được điều này, Su-30SM được trang bị nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không và không đối đất cũng như cả bom dẫn đường và không dẫn đường với trọng lượng tới 8.000 kg.

Để tăng cường hỏa lực trong không chiến tầm gần và tấn công trực tiếp mục tiêu mặt đất, Su-30SM được trang bị pháo tự động 30 mm GSh-30-1, mang lại lợi thế rõ rệt trong các tình huống chiến đấu.

Nhằm giúp mở rộng phạm vi hoạt động và tính linh hoạt, Su-30SM có khả năng tiếp nhiên liệu trên chuyến bay (IFR), giúp nó có thể thực hiện các nhiệm vụ ở xa căn cứ và kéo dài thời gian tuần tra trên không.

Về khả năng tác chiến điện tử, Su-30SM có thể được trang bị hai thùng gây nhiễu SAP-518 trên cánh. SAP-518 giúp nâng cao khả năng sống sót của máy bay bằng cách tạo ra các mục tiêu mồi nhử, phá vỡ tín hiệu dẫn đường tên lửa địch, gây nhiễu radar của máy bay địch và làm nhiễu các hệ thống phòng không của hải quân và mặt đất.

Công tác chuẩn bị và thực hành bay chiến đấu của phi đội Su-30SM của Nga. Nguồn X

Tiến Minh (theo Bulgarial Military, MOP)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/dung-su-30sm-san-usv-co-phai-nga-mang-dao-giet-trau-mo-ga-1926542.html