Đừng quên 'mỏ vàng' nhân lực Việt Nam ở nước ngoài!

Có tới hàng trăm nghìn người Việt Nam đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài - đây là kho báu vô giá đang bị lãng quên?

Du học sinh Việt Nam tại Mỹ đứng top 5 trong số 210 quốc gia và vùng lãnh thổ

Các công ty bán dẫn hàng đầu Đài Loan chuyển hướng săn tìm nhân lực chất lượng cao người Việt để bổ sung cho chiến lược phát triển dài hạn của họ trong bối cảnh “lợi tức nhân khẩu học” ngày một cạn kiệt.

Tính hết năm 2023, khoảng 24.000 sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Đài Loan, chiếm gần 1/4 trong tổng số sinh viên nước ngoài tại hòn đảo này. Trong đó 16.000 người đang học đại học và cao học; rất nhiều người chọn lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Nhu cầu nhân lực của hãng bán dẫn lớn nhất thế giới TSCM ngày càng lớn, nhưng sự gia tăng dân số Đài Loan hàng năm không kịp để đào tạo ra 6.000 - 8.000 nhân sự mỗi năm cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại Mỹ, du học sinh Việt Nam nhiều thứ 5 trong số 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 21.900 người. Nói đúng hơn, con người Việt Nam tại Mỹ có thể “chung mâm” với các cường quốc học tập nghiên cứu như Trung Quốc, Ấn Độ, Canada và Hàn Quốc.

Cơ cấu ngành học, bậc học được phân tích như sau: Trong số 21.900 du học sinh Việt, 65,3% người theo đuổi bằng cử nhân Mỹ, 17,2% chọn bậc sau đại học, 15% tham gia chương trình thực tập không bắt buộc và 2,5% còn lại học các khóa không cấp bằng.

Như vậy, cứ 10 người Việt đến Mỹ thì 6 người học cử nhân và 2 người chọn bậc sau đại học. Các ngành khoa học, công nghệ, toán học, kỹ thuật chiếm đa số, tiếp đến là kinh doanh, quản trị.

Tại châu Âu, hiện có khoảng 40.000 du học sinh Việt Nam, con số này là 30.000 tại Australia, Canada là 21.000, Nhật Bản 15.000, Hàn Quốc là 14.000. Tổng cộng có tới 0,19 triệu người trẻ Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các nền giáo dục hàng đầu hiện nay.

Người Việt ở nước ngoài có tiếng tăm không hề ít, từ các tổ chức học thuật, nghiên cứu đến kinh doanh, quản trị đều có nhân lực chất lượng là người Việt. Tại các tổ chức khoa học - kinh doanh hàng đầu như Google, Youtobe, Facebook, Microsoft Nasa, Havard,… số lượng người Việt cũng rất lớn.

Những năm gần đây, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn ngày càng nhiều - nhưng không nhiều nhà đầu tư quyết định “xuống tiền”. Một trong những nguyên do hàng đầu là nguồn lực con người không đủ đáp ứng đòi hỏi của họ.

Trong khi đó Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng

Riêng ngành bán dẫn đang “hot”, Việt Nam cần 5.000 - 10.000 kỹ sư mỗi năm. Các nghiên cứu về lợi thế nhân sự với sự phát triển của công nghệ cho thấy: Các nước muốn phát triển lên một tầm mức nào đó luôn luôn được đảm bảo số lượng nhân lực nhất định.

Ví dụ, để duy trì ngành công nghiệp bán dẫn đồ sộ, Trung Quốc hiện sở hữu hơn nửa triệu kỹ sư, chiếm 25% toàn cầu; vùng lãnh thổ nhỏ bé như Đài Loan, với duy nhất “gã khổng lồ” bán dẫn TSMC cũng sở hữu 290.000 kỹ sư, kỹ thuật viên cấp cao. Mỹ có 277.000 người, Hàn Quốc 180.000 người.

Trong khi con số này ở Việt Nam khá khiêm tốn, khoảng 5,5 nghìn kỹ sư chất lượng cao, thuộc nhóm thấp nhất. Điều đó khiến chúng ta nghĩ đến hàng triệu người Việt đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở các nước tiên tiến. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết!

Lịch sử phát triển của những “ông lớn” công nghệ từ cuối thế kỷ 20 đến nay cho thấy, chỉ cần một nhóm nhỏ làm “start-up”, nhưng phải là những cá nhân tinh hoa. Thời điểm này cũng không ngoại lệ.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dung-quen-mo-vang-nhan-luc-viet-nam-o-nuoc-ngoai-708429.html