Đứng lên sau thất bại

Anh Lý Văn Giang, thôn Tân Thành, xã Yên Hoa (Na Hang) hiện có mô hình nuôi hươu lấy nhung đầu tiên tại xã cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Khởi nghiệp với đầy sự cam go và thử thách, anh Giang kể, là người gốc xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), năm 2003 anh lập gia đình và lên sinh sống tại xã Yên Hoa.

Ngày đấy phong trào nuôi vịt siêu trứng nở rộ các địa phương, là người nhanh nhạy, anh Giang lặn lội về thành phố Tuyên Quang mua 1.000 con vịt giống về nuôi. Là địa phương vùng cao, nguồn nước khan hiếm, lại số lượng đông nên đàn vịt không đủ thức ăn, không có không gian sống nên hao hụt đàn nhiều, đến năm 2006 sau hơn 1 năm anh đành ngậm ngùi bán thanh lý toàn bộ cho thương lái.

Anh Lý Văn Giang, thôn Tân Thành, xã Yên Hoa (Na Hang).

Mang chí lớn, anh quyết tâm chuyển sang làm mảng dịch vụ, thành lập hợp tác xã nhận làm xưởng cưa, làm mỏ đá, nhưng cuối cùng anh vẫn thất bại do khâu quản lý. Anh Giang nhớ lại, có những lúc gia đình nợ nhiều còn rơi vào bế tắc, chính vì công việc không suôn sẻ nên muốn làm gì tiếp theo cũng không có nhiều động lực.

Năm 2020, được nghe một người họ hàng trong Hà Tĩnh nói về mô hình nuôi hươu thương phẩm lấy nhung và bán giống cho hiệu quả cao, mất nhiều ngày suy nghĩ, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin, đi tham quan các mô hình tại Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang, anh Giang quyết định nuôi hươu và bắt đầu làm lại.

Anh thế chấp căn nhà đang ở vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang số tiền 200 triệu đồng, cải tạo toàn bộ nhà xưởng cưa trước đó thành chuồng nuôi hươu và mua 2 cặp hươu giống về nuôi. Anh Giang bùi ngùi, ông trời thật sự biết thử lòng người, ngày đó vừa nuôi được 1 tuần thì sổng mất 1 con hươu đực giống (giá trị cao gấp 2 lần hươu cái), mất gần 1 tháng anh mới đưa được trở lại chuồng nhưng được vài ngày thì hươu bị chết do hoảng loạn.

Nuôi hươu sao khá dễ, bởi sức đề kháng tốt, ít bệnh, dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu. Để giữ vệ sinh chuồng trại, anh dùng tro trấu trộn lẫn xơ dừa để làm đệm lót, cách 5 - 6 tháng thay mới 1 lần. Thức ăn chủ yếu cho hươu là cỏ, ngô, lá cây... nên có thể tận dụng được từ các phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí. Trung bình 1 năm, 1 con hươu chỉ hết khoảng 300.000 - 400.000 đồng thức ăn, thuốc men. Đối với loại con giống trưởng thành, sau thời gian 6 tháng chăm sóc đã có thể cho thu hoạch nhung vụ đầu tiên. Mỗi năm hươu cho thu hoạch nhung 2 vụ, tương đương từ 2 - 2,4 kg nhung mỗi con.

Đầu năm 2023, từ 3 con hươu giống ban đầu, anh Giang đã có 8 con hươu cho nhung, cuối năm thu lãi được hơn 100 triệu đồng. Kinh tế gia đình cũng dần ổn định, dự tính cuối năm nay sẽ tăng lên khoảng 12 con, anh khoe, một số hộ dân quanh vùng đã chủ động hẹn đặt mua hươu giống.

Đồng chí Ma Đại Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hoa cho biết, chính quyền xã rất khuyến khích người dân đưa cây, con giống mới vào nuôi tại hộ gia đình. Mô hình nuôi hươu của anh Lý Văn Giang, thôn Tân Thành là điểm về cách làm kinh tế với loài vật nuôi mới. Hiện đây cũng là nơi để người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để có hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dung-len-sau-that-bai-190160.html