Đừng ham làm bỏ học!

Làm thêm giúp sinh viên có kiến thức thực tế, tăng cơ hội cạnh tranh sau khi tốt nghiệp song nếu họ bỏ bê việc học, nhà trường và doanh nghiệp không khuyến khích

Nhiều người trẻ được đánh giá ngày càng chủ động và nhạy bén với các xu hướng mới của thị trường lao động. Do đó, ngay từ thời sinh viên (SV), nhiều bạn trẻ đã tích cực đi làm thêm, trải nghiệm thực tế, nhằm ghi điểm với nhà tuyển dụng khi ra trường.

Ứng dụng kiến thức vào thực tế

Gần cuối năm nhất, Trần Quang Thiện (hiện là SV năm 4, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM) đã tìm kiếm cơ hội làm thêm. Học ngành Quan hệ quốc tế, cùng với bản tính năng động và nhạy bén, Thiện sớm trở thành cộng tác viên quen thuộc tại nhiều công ty truyền thông.

Sau gần 4 năm, Thiện đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm về làm phim, tổ chức sự kiện… Việc được trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế đã giúp Thiện hiểu sâu hơn về những kiến thức đã học.

Sinh viên chờ phỏng vấn tại Ngày hội Sinh viên và Doanh nghiệp do Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP HCM tổ chức

Sinh viên chờ phỏng vấn tại Ngày hội Sinh viên và Doanh nghiệp do Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP HCM tổ chức

Phan Lê Thảo Nhi (SV năm 3, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) đang là tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận ở quận 7. Công việc chính của Nhi là sản xuất nội dung, video clip cho một dự án hỗ trợ trẻ khuyết tật. Cô nhận trợ cấp 200.000 đồng/ngày, cùng với chứng nhận của tổ chức này sau khi kết thúc thời gian tình nguyện.

Do vướng lịch học, nhiều khi phải thức đêm để hoàn thành sản phẩm cho kịp tiến độ dự án nhưng Nhi cho rằng trải nghiệm này là xứng đáng. "Tôi vốn yêu thích các hoạt động vì cộng đồng nên tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này thời gian tới. Việc thử sức từ sớm giúp tôi nhận ra bản thân có phù hợp với công việc này hay không" - Nhi nhìn nhận.

Trong khi đó, Hoàng Anh Tuấn (SV năm 4, Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP HCM) đã có 1 năm đảm nhận công việc lập trình viên tại một doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin ở quận Tân Bình. Ban đầu, Tuấn thử sức trong vai trò thực tập sinh cùng mức lương 5 triệu đồng/tháng. Sau thời gian nỗ lực làm việc, anh đã được công ty tuyển vào chính thức.

Không chỉ tích cực mở rộng cơ hội làm thêm, nhiều SV còn mạnh dạn khởi nghiệp từ rất sớm. Đơn cử, Lâm Nhật Nam (SV năm 2, Khoa Kỹ thuật hóa học và môi trường, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM) đã là chủ một cửa hàng kinh doanh cá cảnh. Sau 2 năm hoạt động, cửa hàng dần đi vào ổn định. "Công việc kinh doanh liên quan chuyên ngành theo học, do đó tôi có thể ứng dụng kiến thức vào thực tế" - Nam tự tin.

Cân bằng việc học và làm

Ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP HCM, cho biết khoảng 60% SV của trường đi làm từ năm 2. Hiện ngành công nghệ thông tin vẫn có nhu cầu cao, khi số DN kết nối với nhà trường tìm kiếm ứng viên tăng 20%-30%/năm.

Mỗi năm, Trường ĐH Công nghệ Thông tin triển khai 2 chương trình ngày hội việc làm, thu hút rất đông DN tham gia. Tại ngày hội SV và DN tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, nhiều công ty đã tuyển dụng hơn 3.000 vị trí việc làm. Vì thế, cơ hội để SV tìm được công việc làm thêm là không khó.

Tuy nhiên, ông Khang băn khoăn trước thực trạng không ít SV vì ham đi làm nên bỏ học giữa chừng. Đây là điều đáng tiếc nên cả nhà trường lẫn DN đều không khuyến khích. "SV năm 2 chưa được tiếp cận các môn chuyên ngành nên kiến thức về lĩnh vực còn hạn chế. Để tiến xa và trở thành chuyên gia trong nghề, SV cần trải qua quá trình giáo dục bài bản" - ông khẳng định.

Theo bà Trần Thị Kiều Như, đại diện bộ phận tuyển dụng Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom; quận Bình Thạnh, TP HCM), công ty có chương trình thực tập sinh nhưng chỉ yêu cầu thời gian tối thiểu có mặt ở văn phòng 20 giờ/tuần (2,5 ngày/tuần), với tổng thu nhập (gồm lương, phụ cấp hiệu suất công việc) khoảng 10 triệu đồng/tháng. "Đây là cách để chúng tôi thu hút và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau 1 năm thực tập, SV đã tốt nghiệp hay có bằng tốt nghiệp tạm thời sẽ được công ty xem xét nhận vào làm chính thức" - bà Như cho biết.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Đại Tân Việt (quận 1, TP HCM) cho rằng nếu SV đã xác định được lộ trình nghề nghiệp thì không cần đợi tới khi tốt nghiệp mới bắt đầu tìm việc. Nếu đã chủ động thử sức và trải nghiệm tại nhiều môi trường khác nhau, SV sẽ rèn luyện được các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, dễ dàng thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Khi tìm việc, họ sẽ cân nhắc các DN phù hợp với con đường sự nghiệp mong muốn của mình thay vì mông lung, thiếu định hướng.

Bài và ảnh: MÂY TRINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/dung-ham-lam-bo-hoc-2023061721542291.htm