Đụng độ ở thủ đô Khartoum (Sudan) vẫn diễn ra ác liệt

Các cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vẫn tiếp tục diễn ra vào ngày 15/5, với các khu vực phía Đông của thủ đô Khartoum chứng kiến nhiều cuộc oanh tạc dữ dội do không quân Sudan thực hiện.

Các tòa nhà bị hư hại sau các cuộc đụng độ giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự ở Nam Khartoum. (Ảnh: Stringer/Reuters)

Các tòa nhà bị hư hại sau các cuộc đụng độ giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự ở Nam Khartoum. (Ảnh: Stringer/Reuters)

Tuyên bố của quân đội Sudan cho biết, chiến dịch trên nhằm vào một số khu vực ở Sharq Al-Neel (phía Đông sông Nile) và các căn cứ xung quanh bệnh viện East Nile, đã phá hủy một lượng lớn vũ khí, đạn dược và nhiên liệu của RSF.

Tuyên bố khẳng định không ghi nhận dân thường thương vong trong chiến dịch. Tuy nhiên, RSF lại cho biết nhiều dân thường đã thiệt mạng và bị thương, trong khi một phần lớn của bệnh viện East Nile đã bị phá hủy.

Cũng trong ngày 15/5, Bộ Ngoại giao Sudan đã lên án "các cuộc tấn công của RSF" nhằm vào một số phái bộ ngoại giao ở Khartoum.

"Lực lượng hỗ trợ nhanh đã tấn công và thực hiện các hành vi cưỡng chế nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao của Vương quốc Jordan, Đại sứ quán Nam Sudan, Đại sứ quán Cộng hòa Somalia, Đại sứ quán Cộng hòa Uganda, Tùy viên quân sự của Vương quốc Ả Rập Xê út và tùy viên quân sự của Nhà nước Kuwait” – thông báo của Bộ trên cho biết.

Trong khi đó, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia ở Sudan, ngày 15/5 ra một tuyên bố về diễn biến xung đột ở Sudan. Ủy ban trên lên án các hành vi triển khai lực lượng không quân và tấn công vũ khí hạng nặng nhằm vào lân cận các khu dân cư, dẫn đến thương vong trong dân thường.

Ủy ban tiếp tục yêu cầu sơ tán tất cả các cơ sở y tế và dân sự, kêu gọi các bên xung đột không sử dụng các cơ sở này cho mục đích quân sự hoặc biến các cơ sở này thành mục tiêu tấn công quân sự trong bất kỳ trường hợp nào.

Trước đó, ngày 14/5, Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) công bố báo cáo cho biết, ít nhất 676 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và RSF bùng phát vào ngày 15/4.

Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, bất ổn tiếp diễn trong hơn 1 tháng qua đã khiến hơn 936.000 người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có khoảng 736.200 người di tản trong nước và khoảng 200.000 người tị nạn ở các nước láng giềng.

Theo Liên hợp quốc, ước tính khoảng 15,8 triệu người - tương đương khoảng 1/3 dân số Sudan, sẽ cần viện trợ nhân đạo vào năm 2023 và con số này có thể sẽ tăng lên do cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Sudan.

Ngày 11/5, tại thành phố Jeddah của Ả rập Xê út, các bên xung đột ở Sudan đã ký Tuyên bố cam kết bảo vệ thường dân Sudan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp và đảm bảo việc sơ tán dân thường an toàn.

Ngày 12/5, một thông báo được đưa ra, xác nhận hai bên xung đột đã đồng ý cho phép viện trợ vào các khu vực bị ảnh hưởng và bảo vệ thường dân. Cùng ngày, Liên hợp quốc thông báo về con số gần một triệu người đã rời khỏi Sudan, làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo vượt khỏi tầm kiểm soát ở quốc gia Bắc Phi.

Với vòng đàm phán thứ hai bắt đầu vào ngày 14/5, triển vọng tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Sudan đang dần trở nên mờ nhạt khi những thông tin ghi nhận được chỉ cho thấy bạo lực thuyên giảm ở mức độ rất khiêm tốn. Hai bên xung đột tiếp tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận và các cuộc đụng độ vũ trang vẫn tiếp diễn.

Thủ đô Khartoum bị bao trùm bởi âm thanh của hỏa lực, phương tiện chiến đấu trong cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF. (Ảnh: Reuters)

Thủ đô Khartoum bị bao trùm bởi âm thanh của hỏa lực, phương tiện chiến đấu trong cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF. (Ảnh: Reuters)

Một tháng trước, giao tranh nổ ra ở Sudan. Đối với một số nhà quan sát thì đây là một kịch bản có thể dự báo trước do căng thẳng đã gia tăng từ nhiều ngày trước đó, khi hai nhóm vũ trang lớn nhất của Sudan là lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và RSF bị cuốn sâu vào một cuộc tranh giành quyền lực. Từ một tháng qua, các cuộc giao tranh tiếp diễn ở Khartoum và các thành phố khác, bao gồm Merowe, một thành phố phía Bắc trên đường đến biên giới Wadi Halfa với Ai Cập, nơi có các mỏ vàng lớn và một sân bay quân sự, cũng như một hồ chứa quan trọng trên sông Nile.

Trước bối cảnh trên, nhiều nước bắt đầu lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Sudan còn người dân Sudan cũng đang tháo chạy khỏi đất nước đang chìm trong bất ổn. Hiện Ả rập Xê út và Jordan bắt đầu sơ tán công dân khỏi Sudan bằng các con tàu từ Port Sudan, trên Biển Đỏ ở miền đông Sudan.

Sân bay Khartoum đã bị đóng cửa vì đây là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Sudan và RSF. Vì thế, nhiều người đã phải bỏ ra những khoản phí đắt đỏ và vượt qua một hành trình mệt mỏi để đến Port Sudan, Ai Cập, Ethiopia và Chad. Thành phố cảng Port Sudan đã trở thành một nơi ẩn náu cho những người còn đang chưa biết đi đâu về đâu để thoát khỏi xung đột./.

T.Lan (Theo Xinhua, aljazeera)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/dung-do-o-thu-do-khartoum-sudan-van-dien-ra-ac-liet-637870.html